‘Thầy đừng dạy em thành giáo sư’

Được mời tham gia góp ý kiến với các thầy cô giáo, có học sinh bày tỏ: "Thầy dạy giống như là dạy để dạy học sinh trở thành giáo sư vậy. Em nghĩ bây giờ chỉ cần tập trung học làm sao để thi đỗ đại học thôi".

‘Thầy đừng dạy em thành giáo sư’

Được mời tham gia góp ý kiến với các thầy cô giáo, có học sinh bày tỏ: "Thầy dạy giống như là dạy để dạy học sinh trở thành giáo sư vậy. Em nghĩ bây giờ chỉ cần tập trung học làm sao để thi đỗ đại học thôi".

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng trao đổi nhóm.
 

Khảo sát gần 5.000 ý kiến học sinh ở 3 trường THPT để "Xây dựng bộ công cụ thu thập ý kiến phản hồi của học sinh về các thầy cô giáo ở trường THPT" – Đề tài khoa học của thầy giáo Phùng Hồng Cổn, giáo viên bộ môn toán trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) vừa được các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đánh giá là rất cần thiết trong quá trình nâng cao chất lượng dạy, học ở các nhà trường nói chung và ở cấp học THPT nói riêng.

Trao đổi với VietNamNet , thầy Cổn cho biết: Nhiều học sinh bây giờ rất chín chắn, có những nhận xét rất sâu sắc về thầy cô. Các em không còn quá trẻ con như chúng ta vẫn tưởng.

Dưới đây là một số "đánh giá" của học sinh với các thầy cô.

- “Thầy dạy giống như là dạy để dạy học sinh trở thành giáo sư vậy…Em nghĩ bây giờ chỉ cần tập trung học làm sao để thi đỗ đại học thôi”.

- “Cô nên nhắc nhở nhẹ nhàng khi học sinh không làm được bài, đừng trừng mắt quát tháo”.

- “Cô thiên vị học sinh quá mức…”.

- “Cô là giáo viên vô cùng sôi nổi, đáng yêu, hài ước, tuy nhiên bài kiểm tra cô cho điểm gần như nhau dẫn đến học sinh không biết rõ thực lực của mình”.

- “Em thấy thật may mắn khi gặp được thiên thần Toán học như thầy. Thầy đã đem đến cho em rất nhiều điều thú vị! Em cảm giác như được khai sáng, thật sự là magical (có ma lực). Em mong sẽ được đồng hành cùng thầy những năm tháng còn lại của học sinh cấp 3”...

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): “Kênh thông tin này sẽ giúp hiệu trưởng hiểu giáo viên của mình đã dạy học trò tốt hay không. Đồng thời cũng khiến giáo viên phải có nhu cầu soi mình trong mắt học trò để tự hoàn thiện mình”.

"Tôi thực sự tâm đắc" - một giáo viên bày tỏ.

Người thầy này phân tích:

"Đúng là trong cuộc sống ta cần học hỏi mọi người trong đó có học trò. Các em nuôi dưỡng trong ta khát vọng nỗ lực vươn lên để xứng đáng là thầy. Có những lĩnh vực các em giỏi hơn chúng ta. Những phẩm chất của tuổi trẻ, sự vô tư trung thực của các em dạy ta luôn phải hoàn thiện mình. Ngay cả các em học sinh bị coi là "cá biệt" hoặc còn có những điểm yếu cũng dạy cho ta bài học giáo dục, biết lắng nghe, cảm thông để thực sự là thầy trên bước đường hướng dẫn các em tu dưỡng. Tôi thực sự cám ơn và yêu quý các em học trò của mình".

Nhưng cũng có lo ngại vì nhận thức của học sinh là chưa đầy đủ.

Gửi tới VietNamNet, một thầy giáo dạy THPT chia sẻ:

"Tôi cũng từng nghe loáng thoáng mình bị học trò nhận xét lệch lạc về mình. Luôn làm viêc bằng cả tấm lòng và đầy trách nhiệm, nhưng đôi khi học trò chưa hiểu, nên có những ý kiến làm tôi cũng hơi buồn. Tôi rất muốn biết hệ thống câu hỏi của thầy Cổn, muốn được có những người thấy đích thực từ phía học sinh, để làm việc được tốt hơn".

Theo Chi Mai
Vietnamnet

Theo Đăng lại