Ngành đồ uống:

Thay đổi để giành 'miếng bánh ngon'

Doanh thu và tăng trưởng của một số các ngành hàng đồ uống năm 2013. Nguồn: Báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống, quý 2/2014 của BMI
Doanh thu và tăng trưởng của một số các ngành hàng đồ uống năm 2013. Nguồn: Báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống, quý 2/2014 của BMI
TP - Đồ uống với đa dạng chủng loại sản phẩm, từ đóng chai tới đóng lon, đang trở thành sản phẩm tiêu dùng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày. Thị trường đồ uống Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Đồng thời, nhờ tính tiện dụng của mình mà đồ uống được xem như sản phẩm không thể thiếu trong mỗi chuyến du lịch, nhờ đó số lượng “Thượng đế” của các doanh nghiệp ngành đồ uống không chỉ nhóm gọn trong phạm vi 90 triệu dân Việt (tính đến thời điểm cuối năm 2013), mà còn có thể cộng thêm hơn 6-7 triệu lượt du khách mỗi năm. 

Trên thị trường đồ uống, đồ uống có cồn (gồm bia, rượu vang, rượu mạnh) là ngành hàng lớn nhất chiếm tới hơn 70% tổng giá trị bán lẻ đồ uống, trong đó bia là sản phẩm có mức tiêu thụ tốt nhất. 

Theo dự báo của BMI, tốc độ tăng trưởng thực tế về sản lượng tiêu thụ bia sẽ vượt mức 24,9% vào năm 2018. Khi đó, vị thế cạnh tranh của các nhà sản xuất bia nước ngoài sẽ cao hơn, các ông lớn địa phương như Habeco và Sabeco sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ra ngoài phạm vi lãnh thổ, và sự năng động của ngành sẽ gia tăng nhanh chóng.

Xét về tốc độ tăng trưởng, cà phê là sản phẩm có mức tăng cao nhất (trên 14%), do cà phê đang dần trở thành “sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ” tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Đồng thời, sự gia tăng về thu nhập của nhóm đối tượng này cũng đòi hỏi các sản phẩm có giá trị chất lượng cao hơn, thúc đẩy sự tăng trưởng cả về chất và lượng của ngành cà phê. 

Bên cạnh đó, năm 2013 đánh dấu sự xuất hiện của chuỗi nhà hàng cà phê Starbucks - Mỹ tại TP.Hồ Chí Minh giúp khuấy động thị trường cà phê Việt Nam mà trước đó Trung Nguyên đang là ngôi sao sáng nhất.
Cũng là sản phẩm chủ yếu dành cho giới trẻ, nước ngọt và nước ngọt có ga cũng đang dần chiếm được thị phần khá lớn và tăng trưởng ổn định chỉ sau cà phê. 

Cùng với sự phát triển của đồ ăn nhanh tại Việt Nam trong những năm gần đây, đồ uống có ga, điển hình như Pepsi hay Coca Cola, đang phải cạnh tranh khốc liệt để giành sự quan tâm lựa chọn của khách hàng. 

Không chỉ dừng ở việc tích cực đầu tư cho quảng cáo và định vị thương hiệu thông qua tất cả các kênh truyền thông từ báo in, truyền hình đến internet, các hãng sản xuất đồ uống có ga này cũng đang nỗ lực thay đổi cả mẫu mã và bao bì đóng chai nhằm khác biệt hóa, thu hút khách hàng và tăng doanh thu bán hàng trong năm.

Rõ ràng, với những dấu hiệu tích cực này thì các doanh nghiệp ngành đồ uống không có lý gì phải băn khoăn khi được yêu cầu đánh giá về triển vọng ngành trong năm 2014. 

Thay đổi để giành 'miếng bánh ngon' ảnh 1

Photo: ..Đánh giá về triển vọng ngành kinh doanh trong năm 2014
Nguồn: khảo sát của vietnam Report, quý 2/2014

Kết quả từ Cuộc khảo sát gần đây do Vietnam Report (Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam) thực hiện với đối tượng chính là hơn 300 lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cho thấy, tất cả các doanh nghiệp ngành đồ uống đều tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của ngành trong năm 2014. (100% số doanh nghiệp ngành đồ uống tham gia khảo sát lựa chọn phương án, triển vọng ngành sẽ tốt hơn hoặc không thay đổi so với năm 2013)

Sẵn sàng đổi mới và chấp nhận cạnh tranh:
Giải pháp cho các doanh nghiệp đồ uống Việt

Tiềm năng tăng trưởng, nhưng miếng bánh càng hấp dẫn bao nhiêu thì cạnh tranh giành thị phần hứa hẹn sẽ càng khốc liệt bấy nhiêu. 

Nhớ lại phát biểu tại Hội nghị thường niên CEO Summit năm 2013 dành riêng cho các lãnh đạo cao cấp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) từng nhận định, “Ở Việt Nam hiện nay, chênh lệch giữa cốc bia rẻ nhất là 2.000 và đắt nhất là 200.000, cho thấy độ co giãn về giá bia tại Việt Nam là cực lớn, gấp tới tận 100 lần. Đây là cơ hội cho các hãng bia lớn trên thế giới gia nhập vào Việt Nam cho phân khúc rất rộng. Bởi vậy thị trường bia Việt Nam đang trở nên ngày càng khốc liệt”. 

Cùng với đó, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình với những thay đổi mang tính quyết định về kinh tế và chính trị, có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp ngành đồ uống nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần nhìn lại chiến lược kinh doanh, sắp xếp lại ưu tiên đầu tư để lựa chọn cho mình phương thức cạnh tranh tốt nhất, vẫn đảm bảo tính công bằng và minh bạch, từ đó nắm bắt cơ hội, đón đầu xu thế, hướng tới xây dựng hình ảnh doanh nghiệp đẹp – khỏe – vững trong mắt người tiêu dùng và đối tác. 

Không nằm ngoài mục đích đó, Hội nghị CEO Summit 2014 có chủ đề “Tái định vị các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp lớn Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp 2014 – 2016” được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 8/2014 tới đây sẽ là cơ hội tìm kiếm những gợi ý tốt nhất và hữu ích nhất cho các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong giai đoạn kinh doanh 2014 - 2016.

Theo Theo Vietnam Report
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.