Thau chua, rửa mặn

TP - Cách đây 2 năm, trong một nghiên cứu của mình, Viện Nghiên cứu Thanh niên công bố, có tới khoảng 50% thanh niên đang là công chức cho rằng môi trường làm việc không phù hợp, thiếu động lực phát triển và họ muốn chuyển sang khu vực ngoài Nhà nước làm việc.

Chuyện những người trẻ, thực tài, có năng lực và luôn muốn thể hiện bản thân mình không chấp nhận cảnh “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” nhàn nhã, buồn tẻ và nhàm chán không là câu chuyện đến bây giờ mới nói. Ngay trong thời bao cấp, những công chức có lòng tự trọng, làm việc trong một bộ máy trì trệ quan liêu, bàn giấy, họ đã không thể chấp nhận sự ký sinh, tầm gửi, an phận ấy để dũng cảm bung ra tự chứng minh mình có khả năng tự kiếm sống cho gia đình, bản thân và xã hội nhiều hơn thế. Khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường thì đất cho những người muốn khẳng định mình rộng hơn, có những điều kiện cần và đủ hơn để họ chứng tỏ điều đó.

Dư luận thời gian gần đây rộ lên chuyện, có đến 30% công chức, viên chức nhà nước nằm trong dạng “có cũng được, không có cũng được”, an phận thủ thường, kiếm chỗ trú thân an toàn trong thời khó và đầy biến động. Lại thêm, bức tranh kinh tế xã hội có lúc này, lúc khác mang gam màu u tối khiến hàng chục vạn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ra trường không có việc làm tạo nên dư chấn tâm lí hoang mang. Một bộ phận không nhỏ nảy sinh tư tưởng, bằng mọi giá lo cho bằng được chỗ trú chân an toàn trong cơ quan nhà nước, chờ thời tính tiếp. Thời náu mình trong biến động và cạnh tranh khốc liệt ấy, họ triệt tiêu mọi năng lực, sáng tạo, nhiệt tình. Họ tránh xung đột, va đập với tâm lí mua hai chữ “bình yên”… Trước thực trạng ấy, những công bộc chân chính cảm thấy bị xúc phạm, và cũng chính họ, sau một thời gian “thấm” môi trường làm việc công chức ấy, đã tự luận và tự vấn để khai sáng tìm hướng đi riêng cho bản thân mình.

Trên diễn đàn Quốc hội trước thực trạng này, có nhiều ý kiến cho rằng, việc làm công chức nhà nước hay tìm việc ở ngoài cũng là chuyện bình thường. Vấn đề là cần thay đổi cách tuyển chọn công chức Nhà nước, làm sao tuyển được những người giỏi, người có tâm và tạo điều kiện cho họ yên tâm phát triển. Nhiều đại biểu không ngạc nhiên với hiện tượng công chức giỏi rũ áo ra đi, nhiều người tài nhưng không đủ can đảm đánh mất phẩm giá, “xin” chức vụ để ở lại.

Dân gian có câu nôm na nhưng không kém thâm trầm và đúng với tình cảnh này: Cá trong lừ đỏ hoe con mắt/ Cá ngoài lừ ngút ngoắt muốn vô. Dòng chảy vào ra cũng là lẽ thường của cuộc sống, nó giúp “thau chua rửa mặn” để cánh đồng thêm phù sa cho những mùa vàng bội thu. Mùa vàng ấy không gì khác đó là trí tuệ, khát vọng cống hiến cho đời với mục tiêu phát triển, tiến bộ và văn minh.