Thấu cảm tháng Sáu

Thấu cảm tháng Sáu
TP - Tháng đọng lại hai chữ “thấu cảm”, và mấy câu chuyện về tiền. Một doanh nhân hành nghề diễn thuyết ma xui quỷ khiến thế nào lại ôm cả bọc tiền leo lên khinh khí cầu rải xuống xứ Huế. Nói là để kích thích ước mơ làm giàu của đám đông!?

Doanh nhân khác lại tiếp tục ra tòa đòi cô hoa hậu đang đứng trước vành móng ngựa kia hơn 16 tỷ đồng trong một vụ án rối rắm liên quan đến tình-tiền nóng sực mấy ngày qua.

Lại tiền. Ngày báo chí chưa kịp qua, một nhà báo trẻ đã bị cơ quan pháp luật tỉnh Yên Bái tạm giữ, với lý do “nhận tiền của doanh nghiệp”. Tại chính nơi nhà báo này vừa có nhiều bài viết về dấu hiệu sai phạm của những quan chức địa phương.

Dự án tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 ở TP Hồ Chí Minh đang “đói” tiền trầm trọng, hôm qua phải trực tiếp cầu cứu Thủ tướng. Thiếu vốn, cũng không phải lạ, trong bối cảnh tài chính hiện nay. Nhưng nguyên nhân trực tiếp lại ít khiến ai ngạc nhiên, cái này mới lạ. Đó là theo trần tình của đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư tại cuộc làm việc, dự án này vốn đầu tư đã tăng lên gần gấp 3 lần so với dự toán! Dự án ở Hà Nội cũng vậy, sau khi triển khai cũng đã tăng vốn gấp 2-3 lần. “Nhiều dự án vốn tăng lên kinh khủng nhưng chưa ai phê duyệt cả”, báo Tiền Phong tường thuật.  

Tháng của những ngày nắng nóng kỷ lục. Của chuyện về cái sân golf nằm trong sân bay…

Nhưng sự kiện chính của tháng Sáu, đó là hôm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia kết thúc, bước đầu trong không khí an toàn và khá bình lặng. Chỉ thấy nổi lên mỗi từ “thấu cảm” trong đề thi Văn, mà ngay lập tức không hề nhận được sự thấu cảm nào của đám đông. Khi ai nấy cứ ra sức vin vào  nguyên nghĩa vốn được sử dụng trong ngành tâm lý học khá siêu hình từ thuở nào, để “ném đá”. Những viên đá có vẻ luôn được thủ sẵn, và cũng không hẳn dành cho ngành giáo dục? 

Giáo dục có lẽ là ngành cần được thấu cảm và sẻ chia nhất hiện nay. Chứ không phải là liên tiếp những “đòn roi” vô cớ của dư luận và đám đông như đang thấy, trong những ồn ào không đáng có. Sự loay hoay của thầy và trò thời nay không thể trông chờ vào “cây đũa thần” mang tên triết lý giáo dục nào đó. Hình ảnh các cô, cậu Tú vùi đầu vào những những cuốn giáo khoa Siêu hình học, Tâm lý học, Luận lý học, Đạo đức học, Triết học… dày cộp thời trước nay đã lui vào quá vãng. Kiến thức và suy tư xã hội của tuổi học đường bây giờ giữa thời nở rộ trí tuệ nhân tạo, thời của Gúc-gô và phô tô có còn thuộc về dấu ấn cá nhân, cá tính nữa không? Khi việc đào sâu vào bản thể, thấu thị chính mình không còn là trăn trở thường trực.

Khi chỉ cần bấm một ngón tay nhàn nhã vào Google Map đã chọn được lối đi cho mình, trí óc con người sẽ ngưng lại. Chỗ đâu mà thấu cảm. 

Chênh vênh với tháng Sáu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. “Nghiêng chân rốn bể mà nghe lửa bùng”.

MỚI - NÓNG