Hà Nội để thất thu 6.000 tỷ từ hàng loạt sai phạm các dự án nhà ở
Phó Cục Trưởng Cục giải quyết Khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực I (Cục I )-Thanh tra Chính phủ, ông Trần Hữu Lợi- Trưởng đoàn Thanh tra cho hay, chỉ mới thanh tra ở một số dự án chọn mẫu 38/204 dự án (tỷ lệ 18,62%) giai đoạn 2002-2014., Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một loạt sai phạm.
Theo kết luận, hầu hết dự án ở giai đoạn này UBND TP Hà Nội xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, đưa vào một số khoản chi không đúng quy định pháp luật, như: chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng… để giảm trừ.
Điều này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, trong khi ngân sách nước bị thất thu ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.
Qua thanh tra cho thấy việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, nâng tầng…). Thanh tra Chính phủ cho rằng, những vi phạm trên làm lợi cho chủ đầu tư vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Hà Nội lên kế hoạch “siết” trụ sở làm việc và nhà, đất công
Thành phố yêu cầu các sở ngành và đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp báo cáo về kết quả thực hiện phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất và trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Theo đó, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của UBND TP Hà Nội về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
Trong đó, thành phố yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện về phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các quyết định của UBND TP về: phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa (nếu có); phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Từ đó, phân tích những ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc thực hiện bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và đề xuất kiến nghị các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để UBND TP Hà Nội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo thực hiện.
Trước đấy, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê, cho mượn, hợp tác, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở nhà đất được giao quản lý, sử dụng.
Thống đốc nói về chuyện 'người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ'
Tại phiên chất vấn ngày 17/11, đại biểu Quốc hội nêu số liệu người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở nước ngoài. "Vừa qua có thông tin người Việt Nam chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ, Số lượng này có phải là ngoại tệ từ Việt Nam chuyển sang không? Việc giám sát dòng tiền ra nước ngoài của NHNN được thực hiện thế nào?", đại biểu Phạm Đình Cúc (Vũng Tàu) đặt câu hỏi:
Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết không có cơ sở để khẳng định thông tin về số tiền mua bất động sản tại Mỹ. Theo Thống đốc, số liệu này do một hiệp hội công bố, thực hiện qua phiếu điều tra.
Ông Hưng lý giải, số liệu ở đây có thể là người Việt Nam định cư ở Mỹ, nhưng chưa có quốc tịch Mỹ cũng tính là người nước ngoài. Hoặc công dân Việt Nam sinh sống ở các quốc gia khác nhưng đến khi mua nhà ở Mỹ thì "cũng được tính là người Việt Nam"…
Lo sợ nhà đất bị ảnh hưởng, HoREA kiến nghị chưa đánh thuế
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TP.HCM ở thời điểm hiện nay. Việc thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách, nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là giá nhà, đất tăng.
Theo HoREA, dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ, để tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế.
"Hiệp hội nhận thấy giá nhà, đất hiện đang cao so với thu nhập của người dân. Một trong những nguyên nhân là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất mặc dù không gọi là thuế, nhưng là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước rất lớn. Thông thường, chiếm khoảng 10% giá căn hộ chung cư và chiếm khoảng 30% giá nhà phố, 50% giá nhà biệt thự. Do vậy, khi áp dụng sắc thuế tài sản thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi", HoREA phân tích.
Từ đó, giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo, làm cho cuộc sống đắt đỏ hơn nữa và giảm sức cạnh tranh của TP, bởi các địa phương khác chưa thực hiện đánh thuế tài sản.
Ngoài ra, theo HoREA, khi xây dựng luật thuế tài sản, thuế nhà, đất vào thời điểm sau năm 2020, thì cần phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cụ thể chưa nên đánh thuế đối với nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn, hoặc người chỉ có 1 nhà để ở, nhà có giá trị dưới 1 tỉ đồng ở đô thị, hoặc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.