Thất nghiệp, làm lồng chim kiếm 20 triệu đồng/tháng

Thất nghiệp, làm lồng chim kiếm 20 triệu đồng/tháng
Mất việc, vợ chồng anh Nguyễn Bá Vũ – Đào Thị Nguyệt ra Hà Nội học làm lồng chim. Mỗi tháng, anh chị thu nhập hơn 20 triệu đồng, gấp 3 lần lương công nhân ngày trước.

Thất nghiệp, làm lồng chim kiếm 20 triệu đồng/tháng

Mất việc, vợ chồng anh Nguyễn Bá Vũ – Đào Thị Nguyệt ra Hà Nội học làm lồng chim. Mỗi tháng, anh chị thu nhập hơn 20 triệu đồng, gấp 3 lần lương công nhân ngày trước.

Anh Vũ và chị Nguyệt đều sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Năm 2011, sau khi thất nghiệp trong Sài Gòn, được người họ hàng giới thiệu, anh chị ra làng Vác (Thanh Oai, Hà Nội) thuê nhà học làm lồng chim. “Ban đầu làm lồng chim rất khó, thường xuyên bị hỏng và đứt tay, nản định thôi không làm nữa nhưng rồi nghĩ lại cố”, anh Vũ kể. Hiện tại, trung bình mỗi tháng vợ chồng anh thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Nghề làm lồng chim đã có từ rất lâu ở làng Vác (Thanh Oai, Hà Nội), mang lại thu nhập cao cho những người thợ. Ảnh: Phương Nhung
Nghề làm lồng chim đã có từ rất lâu ở làng Vác (Thanh Oai, Hà Nội), mang lại thu nhập cao cho những người thợ. Ảnh: Phương Nhung.
 

Anh Vũ cho biết, làm lồng chim có hai loại: làm lồng thường và lồng kỹ. Loại lồng thường có 2 mức giá là 40.000 – 70.000 đồng/chiếc và 100.000 – 250.000 đồng/chiếc. Lồng kỹ đắt hơn, từ 500.000 đồng trở lên đến hơn chục triệu, tuỳ chất liệu và mẫu mã. Làm lồng kỹ cầu kỳ, mất nhiều thời gian nên vợ chồng anh Vũ chỉ chuyên làm lồng thường. Trung bình mỗi ngày, hai vợ chồng cần cù thì làm được 25-30 chiếc, thu nhập từ 700.000 đồng đến một triệu đồng/ngày. Nguyên liệu chủ yếu là trúc và gỗ thường được nhập từ xe nhà buôn ở Hoà Bình, Cao Bằng về. Mỗi lần nhập hàng, anh chị đầu tư hơn 3 triệu đồng.

Làm lồng chim thường được chia theo nhiều công đoạn khác nhau như: phơi, ngâm, luộc, hun tre, gỗ, quang dầu, vót nan làm đáy, làm vanh, cửa, cầu, ráp lồng,… Còn với lồng kỹ, người thợ cần thêm công đoạn khắc trổ, trang trí vanh, sơn màu.

Làm lồng chim khá tỉ mẩn với nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh: Phương Nhung
Làm lồng chim khá tỉ mẩn với nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh: Phương Nhung.
 

Theo anh Vũ, công đoạn chạm đường viền hoặc khắc trổ cho các vanh lồng là khó nhất. Vì các hoạ tiết trên vanh tỉ mỉ, khó làm và mất nhiều thời gian, nên nếu có khách đặt hàng, anh sẽ thuê thợ chạm khắc trong làng. Ngoài ra, công đoạn tuốt tre, anh chị cũng đặt thuê 9.000 đồng/kg để tập trung thời gian sản xuất lồng. Anh Vũ cho biết thêm, mỗi loại chim thích hợp với những loại lồng khác nhau, giá theo đó cũng không giống nhau. Lồng cao thường là lồng chào mào, lồng to là lồng hoạ mi, lồng khuyên bé nhất. Hiện tại, lồng chim chào mào bán chạy nhất, giá 50.000 -70.000 đồng/chiếc. Lồng cho hoạ mi, lồng khuyên bán chậm hơn, giá 100.000 – 200.000 đồng/chiếc.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thuý (1984) làm lồng chim hơn 20 năm nay, có thu nhập cao nhờ chuyên làm lồng kỹ cho khách đặt hàng lẻ. “Làm lồng kĩ cần kĩ thuật cao, thường là thợ lành nghề lâu năm mới làm được”, chị Thuý cho biết. Lồng kỹ có giá khá đắt. Loại lồng kỹ trơn đã hơn một triệu đồng mỗi chiếc. Loại hoa văn cầu kỳ thường trên 5 triệu đồng. “Có nhiều chiếc giá lên tới vài chục triệu đồng”, chị Thuý nói.

Công cụ làm lồng chim thô sơ. Ảnh: Phương Nhung
Công cụ làm lồng chim thô sơ. Ảnh: Phương Nhung.
Tre, gỗ từ Cao Bằng, Hoà Bình nhập về được phơi khắp đường phố làng Vác. Ảnh: Phương Nhung
Tre, gỗ từ Cao Bằng, Hoà Bình nhập về được phơi khắp đường phố làng Vác. Ảnh: Phương Nhung.
 

Lồng kỹ đắt do được chạm khắc hoa văn cầu kỳ như lân ly quy phượng, hoặc hoa văn bát tiên, vinh quy bái tổ…, hoạ tiết chủ yếu do yêu cầu của khách hàng. Do phải làm cầu kỳ nên những người thợ lành nghề cũng chỉ sản xuất được một đến 2 chiếc lồng kỹ mỗi ngày. Loại có hoa văn cầu kỳ cần chạm trổ gần một tuần mới xong.

Theo chị Thúy, lồng chim đắt khách theo mùa. Mùa hè, nhiều người có thú chơi chim nên thường đông khách, còn mùa lạnh thì vãng hơn. “3 tháng hè làm liền ngày cũng không đáp ứng đủ cho khách”, chị nói. Nhưng chị Thúy cho biết thêm, năm ny vì kinh tế khó khăn, lượng khách tuy không giảm nhiều nhưng khách đặt lồng kỹ giá trên chục triệu rất ít. Phần nhiều khách chỉ đặt loại 2-5 triệu.

Lồng kỹ dạng bát tiên, vinh quy bái tổ có giá lên đến 12-15 triệu/chiếc. Ảnh: Phương Nhung
Lồng kỹ dạng bát tiên, vinh quy bái tổ có giá lên đến 12-15 triệu/chiếc. Ảnh: Phương Nhung.
 

Còn ông Lương Văn Cung (48 tuổi) từng làm cán bộ tại Ninh Bình nhưng thu nhập chưa bằng 1/3 nghề làm lồng chim, lại xa nhà nên xin nghỉ về quê gắn bó với nghề truyền thống. Ông cho biết, nghề làm lồng chim tại làng Vác, Thanh Oai, Hà Nội đã có từ rất lâu. Công việc nhẹ nhàng, nhiều công đoạn dễ làm nên từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể làm. “Nhiều gia đình cả nhà làm nghề này, xây nhà lầu, mua xe ga, hiếm nghề truyền thống nào còn hái ra tiền như vậy”, ông Cung nói.

Theo Phương Nhung - Dương Nhàn
Tri Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.