Theo SCMP, Hollywood là "miền đất hứa" dành cho các nhà làm phim Hong Kong vào đầu những năm 1990.
Ngô Vũ Sâm và nhà sản xuất kỳ cựu bấy giờ là Trương Gia Chấn mở đường khi đạo diễn tác phẩm Hard Target (1992). Bộ phim do Universal Studios sản xuất có đạo diễn là người Trung Quốc manh nha cho sự "Hollywood tiến" của hàng loạt tên tuổi như Thành Long, Từ Khắc và Lâm Lĩnh Đông...
Thời điểm đó, Châu Nhuận Phát là một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất của Hong Kong (Trung Quốc). Nam diễn viên được Trương Gia Chấn mở lời đến Tinseltown (Thị trấn lấp lánh - thuật ngữ khác chỉ kinh đô điện ảnh Hollywood) thử vận may.
Dù được hậu thuẫn bởi công ty William Morris Agency hàng đầu và được truyền thông chú ý, Châu Nhuận Phát vẫn thất bại tại kinh đô điện ảnh.
Châu Nhuận Phát được Hollywood chú ý sau Ngọa hổ tàng long. |
Hành trình Mỹ tiến của Thần bài
Trong cuộc phỏng vấn của SCMP, Châu Nhuận Phát nói mối quan hệ của anh với Hollywood bắt đầu từ khoảng năm 1989, sau thành công của Điệp huyết song trùng (đóng cùng Lý Tu Hiền, Tăng Giang).
Những năm 1990, các nhà làm phim Hong Kong không nổi tiếng ở Hollywood. Nhưng thời điểm đó nhà làm phim Mỹ luôn mời Châu Nhuận Phát đóng vai ông chủ của Hội Tam Hoàng (xã hội đen khét tiếng xuất hiện nhiều trong phim Hong Kong). Châu Nhuận Phát từ chối mọi lời mời.
"Tôi thực sự đã làm điều đó rất nhiều ở Hong Kong, vậy tại sao tôi phải qua Mỹ, châu Âu đóng lại vai diễn này?", anh nói.
Trong cuộc phỏng vấn năm 1995, Châu Nhuận Phát nói anh chán nản với hướng đi của ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong. Tài tử Thần bài nói thời kỳ vàng son của điện ảnh Trung Quốc đã qua, ngành công nghiệp dần mất thị trường tại Mỹ.
Mark Wahlberg (trái) và Châu Nhuận Phát trong The Corruptor (1999). |
Châu Nhuận Phát nói anh phẫn nộ khi bị xem như "cỗ máy diễn xuất". Ngoài ra, Hollywood cũng là mảnh đất kiếm tiền. Thời điểm đó, anh ngưỡng mộ John Travolta - người được trả đến 21 triệu USD để đóng vai chính trong Broken Arrow của đạo diễn Ngô Vũ Sâm.
Tài tử Hong Kong dự định đến Hollywood đóng phim hành động do Ngô Vũ Sâm làm đạo diễn, kịch bản do Quentin Tarantino viết.
“Hollywood là giấc mơ của mọi diễn viên. Ai cũng muốn có ít nhất một cơ hội để sang đó. Ngô Vũ Sâm đã cho tôi cơ hội đó. Tôi muốn mỗi năm đóng một hoặc nhiều phim ở Hollywood và một phim ở Trung Quốc”, anh nói.
Tuy nhiên, bộ phim chỉ dừng lại ở giai đoạn "giữ lại ở giai đoạn viết kịch bản" và nó chưa bao giờ thành hiện thực.
Ben Sin, nhà bình luận văn hóa cho biết việc chuyển đến Hollywood vào thời điểm đó là điều hợp lý với Châu Nhuận Phát.
“Châu Nhuận Phát đến Mỹ vì nền điện ảnh đang chậm lại và Hollywood có một số đề nghị hợp lý về mặt tài chính cho anh ấy. Ngay cả phim chiếu rạp kinh phí thấp của Hollywood cũng được trả nhiều tiền hơn hầu hết công việc ở Hong Kong. Ngoài ra, Châu Nhuận Phát nổi tiếng nhất xứ Cảng Thơm cuối những năm 1980. Đến giữa thập niên 1990, vị thế ngôi sao của anh ấy đã giảm đi", Sin nói.
Châu Nhuận Phát và Mira Sorvino trong The Alternative Killers (1998). |
Châu Nhuận Phát thời điểm đó luôn bày tỏ muốn sống ở Hong Kong, không thích chuyển đến Hollywood, nhưng cảm thấy nếu không sang Mỹ là bỏ qua cơ hội tốt: "Ở Hong Kong, tôi thấy 40 là độ tuổi hơi già. Tôi cố gắng tạo dựng sự nghiệp ở Mỹ".
Nam diễn viên chuyển đến sống tại dinh thự ở Los Angeles, đối diện chỗ làm của Trương Gia Chấn. Thời điểm đầu, Châu Nhuận Phát không có thị thực và chỉ ở lại Mỹ trong 6 tháng, sau đó xin gia hạn.
Nỗi lo của anh ấy là không thông thạo tiếng Anh. Châu Nhuận Phát tham gia các khóa học và được vợ dạy ngoại ngữ. Nam diễn viên nói anh tốn quá nhiều công sức để lo lắng về việc truyền tải lời thoại của mình bằng tiếng Anh. Anh phải dịch mọi thứ sang tiếng Quảng Đông để hiểu nhân vật. Điều đó khiến anh không thể toàn tâm toàn ý cho diễn xuất.
Thất bại của trùm phim Hong Kong
Đến năm 1996, Châu Nhuận Phát đóng ba bộ phim. Đầu tiên là The Alternative Killers. Tác phẩm được nhiều người mong đợi dù đây là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Antoine Fuqua đạo diễn.
Các nhà sản xuất Mỹ cho rằng sự lạnh lùng của Châu Nhuận Phát là điểm thu hút và có kế hoạch biến anh thành James Bond Trung Quốc. Song, tác phẩm có buổi ra mắt toàn sao ở Hong Kong lại thất bại thảm hại tại Mỹ.
Bộ phim tiếp theo The Corruptor là sự bắt chước mờ nhạt các vai diễn quen thuộc của chính Châu Nhuận Phát tại Hong Kong.
Chuyên gia Kris Montello nói: "Châu Nhuận Phát bị đóng khung trong những vai phim hành động, người nước ngoài. Phim Hollywood của anh ấy giống như sự bắt chước rẻ tiền chính anh ấy. Đặc biệt là những tác phẩm về Hội Tam Hoàng và cảnh sát phố Tàu".
Châu Nhuận Phát và đạo diễn John Woo trên phim trường Hard Boiled. |
Montello lý giải đây có thể là dạng vai duy nhất mà Châu Nhuận Phát được khán giả nước ngoài chấp nhận.
"Thần bài" có cơ hội mở rộng vai diễn, phạm vi khán giả nhờ bộ phim thứ ba Anna and the King. Anh đóng vai nhà vua Thái Lan trong tác phẩm cổ trang cùng Jodie Foster.
“Cuối cùng, tôi không cần cầm súng để kiếm sống. Nó mang lại cảm giác mới. Tôi rất phấn khích", Châu Nhuận Phát nói vào thời điểm đó.
Châu Nhuận Phát hy vọng Anna and the King mang đến cho anh nhiều vai chính hơn, có lẽ trao cho anh cơ hội xuất hiện trong các tác phẩm chính kịch. Song, bộ phim có doanh thu kém, con đường thành công của nam diễn viên tại Hollywood gần như chấm dứt.
Trớ trêu thay, chính bộ phim tiếng Trung Quốc do Mỹ sản xuất Ngọa hổ tàng long lại giúp Châu Nhuận Phát thành công vang dội trên đất Mỹ. Nhưng các nhà sản xuất Hollywood coi đó là ăn may. Nó không dẫn đến những vai diễn chất lượng mà Châu Nhuận Phát mong muốn.
Từ 2006, anh trở lại Hong Kong, xây dựng tên tuổi tại mảnh đất đại lục. Châu Nhuận Phát chỉ trở lại Mỹ với vai khách mời trong Cướp biển vùng Caribbean: Nơi tận cùng thế giới. Vai nhỏ trong Bảy viên ngọc rồng cũng bị chê bai.
Châu Nhuận Phát và Jodie Foster trong Anna and the King. |
Kris Montello, người quản lý chương trình Liên hoan phim Quốc tế Người Mỹ gốc Á, cho biết: "Châu Nhuận Phát đối mặt với những thách thức ở Hollywood. Anh chật vật tìm kiếm vai diễn giúp mình thể hiện tài năng diễn xuất".
Montello nói Châu Nhuận Phát được biết đến ở Mỹ chủ yếu là qua phim hành động của Ngô Vũ Sâm và Lâm Lĩnh Đông. Hầu hết người Mỹ không nhìn thấy Châu Nhuận Phát trong các phim chính kịch, lãng mạn hoặc phim kinh phí lớn.
Ngay cả thành công của Ngọa hổ tàng long cũng không dẫn đến những vai diễn hay. Châu Nhuận Phát trở lại Hong Kong sau khi đóng vai phụ trong phim hành động Bulletproof Monk.
"Châu Nhuận Phát phải vật lộn để được chọn vào vai nam chính. Thực tế người châu Á không thể hiện được khía cạnh nam tính, lãng mạn trong mắt người Mỹ. Mãi đến sau này, nam giới châu Á mới được xem là hấp dẫn với khán giả phương Tây", Montello nói.