Tháp tùng VIP công du ngoài nước

Tháp tùng VIP công du ngoài nước
TP - Múi giờ, kinh tuyến, vĩ tuyến, đồng hồ sinh học... đảo lộn.  Những túi mì gói thay cho bữa cơm nóng sốt... Tất cả những thứ khang khác ấy phải điều chỉnh sao cho không xộc xệch để mà tất tả với những ngày hành nghề ở xứ người.

Tôi cứ mạo muội nghĩ không có địa hạt nào đối với người làm báo là xa lạ cả. Chả hạn như những chuyến thăm hữu nghị chính thức của các nguyên thủ. Hình như từ trước đến thời điểm (mà tôi sẽ nói sau) chỉ có một số phóng viên chuyên trách mà cánh báo chí vẫn gọi là “phóng viên cung đình” như Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam... được đi cùng để đưa tin.

Tôi nghĩ, rất nhiều sắc thái phong phú của những chuyến thăm như thế, các đồng nghiệp thượng thặng đàn anh có thể do bận rộn gì đấy hoặc do điều kiện nào đó chưa khai thác và thể hiện tối đa? Mà mình đã quan tâm đã tò mò thì bạn đọc cũng có mối bận tâm như mình vậy? Lần ấy, mấy anh em báo chí có buổi làm việc với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, kết thúc buổi làm, tôi mạnh dạn nêu ra việc ấy... Thật bất ngờ, ông nói ngay, yêu cầu đó có thể chấp nhận được. Để ông làm việc thêm với những bộ phận có trách nhiệm.

Bất ngờ hơn khi hơn một tháng sau, chúng tôi nhận được thông báo từ cấp trên: Các báo Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Tiền phong... có thể tham gia trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 2/1999.  Tôi nhớ mỗi chuyến ấy là free (miễn phí) còn tất tật các chuyến sau, những anh báo cấp II đều phải tự túc ăn nghỉ tiền khách sạn. Nhà nước chỉ cho vé máy bay đi về.

Bây giờ có vài người gọi oan tôi là phóng viên cung đình! Nhân thể cũng xin đính chính rằng, sở dĩ cũng chỉ thi thoảng có mặt trong nhóm báo chí tháp tùng một số chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao duyên do là vì thế...

Như những đồng nghiệp chuyên viết phóng sự khác, ngoài việc hoàn thành những tin nóng thời sự của chuyến thăm, những mảng tình huống, những nhân vật, những thân phận... ở xứ người dường như có sức lôi cuốn đặc biệt.

Dường như những chuyến đi là cái cớ để mình được tiếp cận mà truyền tải đến bạn đọc cái cảm giác của người đang can dự vào sự kiện, trạng huống này khác. Vậy nên dường như na ná một sự nối dài của vô số các xen của trường đoạn phim mà tôi đã phải cố gắng, phải bươn bả để khai thác được.

Thời gian gấp ruổi, ngặt nghèo bởi những quy định nghiệt ngã của chuyến thăm mà mình chỉ là phận báo chí tháp tùng. Làm sao giành được những cơ hội, những phút quý báu để mà ngồi với nữ sĩ kiêm Phó Tổng thống Bulgary Blaga Dimitrova tại nhà riêng của bà ở Sofia (Bulgaria). Để nhấm nháp ly rum và hút xì gà với Ramon Castro - Người anh trai của Chủ tịch Fidel ở tư gia của ông tại La Habana (Cuba). Để hầu chuyện cũng là phỏng vấn độc quyền Thủ tướng Iceland cùng phu nhân. Để hầu chuyện được với phu nhân và hai người con của tướng Nguyễn Sơn ở Bắc Kinh  (Trung Quốc) qua 2 lần đi theo Tổng Bí thư cùng Thủ tướng...

Rồi nữa, tiếng tăm ú ớ như thế làm sao để mò mẫm, luẩn quẩn hàng tiếng đồng hồ ở khu ổ chuột Nam Phi, rồi đương đêm tìm đến Bức tường Việt Nam ở Washington DC và đêm trước tới phố Wall hun hút tại New York cùng anh nhân viên sứ quán để chuẩn bị cho sớm mai Thủ tướng đến rung chuông ở thị trường chứng khoán lớn nhất hành tinh.

Làm sao để gặp may được một nhà báo gốc Việt dẫn đi mấy ngóc ngách Nhà Trắng năm 2005 và được dẫn đi ngó cái chỗ bọn khủng bố đâm máy bay xuống chỗ Lầu Năm Góc và cũng gặp may như thế được lang thang nửa buổi trong Điếu Ngư Đài.

Được ông Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam dẫn đi coi và hé mở cho một số tư liệu quý để một mai sẽ viết thêm về Nguyễn An, Tổng công trình sư người Việt thiết kế Cố Cung thời đầu triều Minh...

Viết đến đây không thể không nhớ đến bà vợ lắm điều nhưng bao lần lẳng lặng nhét vào va li sắp sửa xuất ngoại của chồng những mì gói, ruốc bông, muối ớt, thuốc lào... Diễn suốt một chuyến đi chỉ những thứ ấy dằn bụng để mà làm sao tranh cướp thời giờ để có được những xen như vừa kể.

Bỗng dưng muốn khóc khi chợt nhớ lần ở Continental Hotel 5 sao của New York tháng Chín năm ngoái, 2 giờ đêm xuống tầng trệt (chỗ ấy có Wifi) thấy 8 nhà báo Việt Nam, những Sài Gòn giải phóng, Vietnam Net, Tuổi trẻ, Nông thôn ngày nay, Lao động... vừa gặm mì gói sống vừa tranh thủ gõ bài chuyển bài tin ảnh về nhà. Đi ra xứ người, mỗi báo là một màu cờ sắc áo, nên ai cũng phải cố...

Cái thói viết tay hơn 20 năm đã ám vào người khó bỏ lắm nên lần đi Pháp, đi Italia ấy tôi đã lãnh đủ quả đắng! Đầu fax báo cuối fax đã nhận đủ 4 trang nhưng hỡi ôi, khi đó làm gì có điện thoại mà kiểm tra, ở Tòa soạn chỉ nhận được 3 trang chả hạn, tệ hơn mỗi trang chỉ có một nửa có chữ (!?). Sau lần ấy, hai cha con tôi chung tiền mua một cái laptop hoành tráng giá 2.100 USD. Giá ấy thời ấy, laptop đó cũng đã là ghê (nhưng bây giờ mang ra hiệu họ trả 150 USD).

Thằng con tôi thúc bố tập gõ ngày gõ đêm. Nhắm mắt lại mà gõ... ba, bốn ngón cũng được. Cuối năm 2000, đeo laptop nhập vào cánh báo chí tháp tùng chuyến thăm Đức và Hà Lan của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Do chưa có phản xạ gò trên cổ trĩu bên vai như bây giờ nên lần ấy tôi thung dung rời Hamburg (Đức) ra sân bay để sang Hà Lan mà không biết rằng cái laptop 2.100 USD và một đống dữ liệu đang để tại bàn của khách sạn. Lúc lên chuyên cơ mới chợt giật thột. 

Thấy tôi thảng thốt bật kêu mặt mày tái nhợt, ông Nguyễn Xuân Hiển - người của hàng không - hỏi ra cơ sự bèn quát tháo ầm lên. Không may Thủ tướng ngồi cách đó không xa nghe được... Ông  bình tĩnh nghe rồi và hỏi ông Hiển rằng máy bay có đợi cho người của khách sạn mang laptop của tôi ra như ông Hiển nói không. Ông Hiển nói 15 phút thì được. 15 phút bằng cả một năm...

Ông Hiển rời cái mobile rồi nói nhỏ với tôi rằng người khách sạn đã mang ra nhưng theo quy định không được đưa bất kỳ thứ gì lên chuyên cơ cả. Sang đến Hà Lan, tôi dứt khoát không fax mà gõ bởi trong phòng khách sạn có sẵn computer màn hình phẳng khi đó với tôi là của lạ. Vì không có font tiếng Việt nên đành gõ không dấu.

Anh em ở nhà đành làm cái việc dịch tiếng Việt ra tiếng Việt. Chả hiểu một bữa không biết ai trực mà chữ sứ thần của tôi thành ra sư thầy trên mặt báo! Cái laptop bỏ quên ấy, ông Hiển đã nhờ người của Vietnam Airlines đại diện bên Đức mang về mấy tháng sau đó...

Lại nữa, đã dấn vô thân phận anh báo chí tháp tùng, tốt nhất chả nên vướng vào một thói quen có hại nào đó. Chí lý thay khi Balzac hình như đã nói, thói quen đầu tiên là người bạn tốt bụng, sau đó nó sẽ thành ông chủ khó tính. Như tôi mắc cái thói thuốc lào chả hạn. Việc quốc thể nên chả thể tùy tiện. Phải thửa được điếu là loại mini gọn lại xinh. Lại sắm một cái bao da đút gọn trong đó nom khá bắt mắt...

Lần ấy tôi ở cùng phòng với Hữu Ước (Tổng Biên tập báo Công an nhân dân), vốn chỗ bạn thuốc lào tại thủ đô Râykiavic của Iceland. Chúng tôi đang trong phòng thì có điện thoại báo là phải đi gấp, Hữu Ước vốn lanh lẹ tót ngay ra cửa miệng còn la nhanh lên. Mồi thuốc lào lại vừa nạp xong, tôi tiếc rẻ châm lửa kéo một hơi, thêm một tí teo của phản xạ xương máu là cất cái điếu vào một góc thay vì để nó chỗ bỏ rác.

Đến đây cũng phải dài dòng thêm một tẹo, tại sao phải làm thế, bởi năm 2000 ở Maxcơva (Nga), do sơ ý nên tôi đã để cái điếu cày mini vào chỗ để rác. Mà cái sọt rác ở xứ người tại khách sạn 5 sao nó bóng lộn và được chạm trổ cầu kỳ như một thứ đồ trang sức.

Cả một ngày hộc tốc chạy theo chương trình, đêm về cái điếu đã biến mất! Trách chi ai được, phàm thứ gì đã để vào chỗ thải ấy coi như đều đi tong. May mà hôm sau, một người quen ở Chợ Vòm đã kiếm cho cái khác. Số là ông bố vợ sang thăm con gần một năm đã thủ theo. Bữa về cụ để lại bởi mấy tháng sau lại sang nữa!

Đận ở Nam Phi, cũng sơ ý để vào cái hộp sơn mài còn chạm khắc cầu kỳ hơn tuy hộp ấy chỉ là cái sọt rác, mới chỉ có hơn 2 tiếng  nhảng đi mà lên phòng chiếc điếu mini quen thuộc cũng biến mất. Đây đâu phải như Maxcơva. Nhớ ai như nhớ thuốc lào, bần thần tôi mò xuống quầy lễ tân. 

May có một người nhà sứ đang đứng đấy thấy tôi bập bẹ rằng vừa mất một cái pipe trong phòng bằng tre, ông cười thì anh cứ nói thẳng là mất cái điếu cày cho xong! Rồi ông thao thao dịch giúp một hồi. Anh chàng ở quầy lễ tân bốc máy líu lo những đẩu đâu rồi nói tôi hẵng vui lòng đợi. Rằng an ninh cho khách ở tại khách sạn này là tối cao là tuyệt vời, không có điều gì phải lăn tăn cả. Nghe vậy thì biết vậy. Chao ôi bóng chim tăm... điếu! Biết đâu mà lần.

Khoảng hơn một giờ sau thì có tiếng gõ cửa... Ngạc nhiên chưa, một điều lạ đã xảy ra. Cả tôi và Kinh Quốc (người cùng phòng) trố mắt khi  trước mắt mình, một anh mặc sắc phục trắng lốp, chĩnh chiện trên tay là cái khay bạc trên đó đang ngự ngay ngắn cái điếu cày mini made in Hàng Tre Hanoi Vietnam. Theo sát sau là viên quản lý luôn lời xin lỗi mặc dầu thủ phạm của sự rắc rối ấy chính là tôi!).

Trở lại cái lần ở hút rốn điếu thuốc lào. Xong xuôi tôi vọt liền. Chết cái là thang máy trục trặc sao đó, khi tôi  đặt chân xuống tầng trệt thì đã nghe vọng lại tiếng còi hụ của cảnh sát dẫn đoàn xe chở Thủ tướng Việt Nam rời khỏi khách sạn. Nguyên tắc của tất tật những lần thăm là thế, cứ rắp theo lịch trình. Không sớm cũng chả muộn phút nào nên tôi bình tĩnh nhờ nhân viên khách sạn kiếm cho cái taxi.

Trong cuốn sổ chương trình có ghi rõ địa điểm đến chiều ấy của Đoàn Việt Nam. Nhưng không ngờ nó lại xa thế. Thấy cứ vòng vèo quen thói nghĩ xấu rằng đâu đó cánh taxi hay bắt chẹt, nhưng sau hỏi lại thấy bảo đúng mặc dù phải bấm bụng bỏ ra gần 60 USD. Gặp lại tôi, tất thảy cánh báo chí đều mừng và chuyện điếu thuốc lào đắt nhất thế giới được bọn dẻo mỏ kháo ầm lên sau đó...

11-2008

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.