Nghệ An:

Thấp thỏm lo núi lở

0:00 / 0:00
0:00
Đất đồi sạt lở làm sập một phần nhà dân ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An)
Đất đồi sạt lở làm sập một phần nhà dân ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An)
TP - Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở một số huyện miền núi Nghệ An luôn sống trong nỗi lo sợ sạt lở núi, nhất là trong mùa mưa bão đang đến.

Những ngày qua, hàng chục hộ dân bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phải thu dọn các vật dụng trong nhà sẵn sàng di dời về trường mầm non trong bản, đề phòng nguy cơ sạt lở núi. Theo quan sát, có 4 vết nứt lớn kéo dài hàng trăm mét cắt ngang qua bản và chưa có dấu hiệu dừng lại. Gần 3 năm nay, 50 hộ dân nơi đây cố bám trụ, sống trong sợ hãi. “Những vết nứt ngày càng to dần và kéo dài. Mỗi khi trời mưa gió, nguy cơ sạt lở núi rất cao. Đã nhiều lần người dân phải ôm đồ, bế con chạy lánh nạn trong đêm”, ông Xeo Phò Thuyên, Trưởng bản Nam Tiến 2, cho biết.

Bản Nam Tiến 2 có 50 hộ dân với 278 nhân khẩu. Trước nguy cơ sạt lở núi, đã có 11 hộ dân chủ động di dời về nơi ở an toàn, tuy nhiên hiện vẫn còn 39 hộ với hơn 200 nhân khẩu không có điều kiện di dời vẫn phải bám trụ. “Năm 2018, sau đợt mưa lũ kéo dài, người dân phát hiện nhiều vết nứt lớn cắt ngang qua bản.

Từ đó đến nay, cứ đến mùa mưa là các vết nứt lại nới rộng ra; nhà sinh hoạt cộng đồng của bản đã sụt lún xuống gần 1m so với nền cũ, phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, ở khu vực bản còn có trụ điện cao thế hiện đã nghiêng có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào”, trưởng bản Nam Tiến 2 nói.

Nghệ An hiện có 33 điểm sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến 612 hộ dân với 3.044 nhân khẩu. Do kinh phí có hạn nên nhiều điểm chưa thể khắc phục hoàn toàn.

Tại bản Bủng Xát (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) có 189 hộ với 872 nhân khẩu, trong đó vùng sạt lở có 17 hộ và 4 hộ nguy cơ cao. Những vết nứt sâu, hàng ngàn m3 đất đá có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Trời mưa, vết nứt càng thêm mở rộng, kéo dài. Người dân nơi đây đã không biết bao nhiêu lần phải “tháo chạy” mỗi khi trời đổ mưa. “Địa hình nơi đây rất dốc, đồi đá trên cao rất phức tạp. Cứ mùa mưa, lũ đến là chúng tôi không dám ở trong nhà mà phải ôm đồ, mang con dời đi”, chị Lô Thị Mong (37 tuổi, trú bản Bủng Xát) nói.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra ở bản Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam) mà trên địa bàn còn có 9 điểm sạt lở tương tự. Những điểm này ảnh hưởng trực tiếp đến gần 400 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. “Chúng tôi đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá tình hình, lên phương án di dời nhưng do kinh phí địa phương hạn hẹp, việc di dời gặp nhiều khó khăn. Huyện đã có văn bản đề xuất gửi UBND tỉnh để có phương án xử lý nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết, chờ bố trí nguồn vốn xây dựng khu tái định cư. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình mưa bão, nếu xảy ra mưa lớn kéo dài thì phải di dời người dân đến nơi an toàn”, ông Minh cho hay.

UBND huyện Con Cuông cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An về chủ trương di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, huyện lập dự án xây dựng di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai sạt lở đất tại bản Bủng Xát với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng. Tất cả cũng đang chờ nguồn vốn giải quyết.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.