Thao túng và cái kết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi biết tên ông Trịnh Văn Quyết đã hơn mười năm nay nhưng cũng từng ấy năm, tôi và một số nhà báo khác không thiết lập quan hệ công việc với ông Quyết và doanh nghiệp FLC.

Lí do duy nhất khiến chúng tôi “dị ứng” là doanh nghiệp này cùng nhóm cổ phiếu họ nhà FLC (như ROS, FLC, KLF...) luôn được xem là “lắm chiêu” và có dấu hiệu luôn muốn làm “méo” thị trường chứng khoán. Thậm chí, không ít lần nhóm nhà báo chúng tôi đã lên tiếng đề nghị cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần xem xét.

Nhớ buổi chiều xảy ra vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, cả thị trường chứng khoán rúng động. Liên lạc với một lãnh đạo Bộ Tài chính trao đổi, tôi được biết: Bộ đang yêu cầu tất cả các bên liên quan làm báo cáo để rõ vụ việc và nguyên tắc đảm bảo sẽ xử lý công khai, minh bạch, không che giấu điều gì.

Tối khuya, được biết một loạt cơ quan phải chạy hết tốc lực để đi theo diễn tiến vụ việc. Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM nơi cổ phiếu này niêm yết, các công ty chứng khoán nơi các cá nhân mở tài khoản mua bán bất thường đều được hỏi thăm. Hai ngày đêm liên tục, cán bộ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán phải làm việc hết tốc lực để bóc tách hàng ngàn giao dịch. Mục tiêu là trả lại tiền bán mua cho các lệnh cổ phiếu này theo đúng địa chỉ, ngăn chặn tận gốc hành vi thao túng mua bán chui mà không báo cáo. Đặc biệt, một nguồn tin xác thực cho biết số tiền đó thậm chí đã lập tức được công ty chứng khoán tạm ứng theo nghiệp vụ và chủ nhân rút “bay” khỏi tài khoản. Để ngăn chặn, cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa tài khoản.

Vụ việc này từ góc nhìn của nhiều người hiểu biết về doanh nghiệp FLC đều cho rằng, đây chính thức là “ngòi nổ’ mà vị doanh nhân (luôn muốn vươn lên ngôi vị tỷ phú số 1 trên sàn chứng khoán) tự “châm” vào chân mình. Bởi nó thực sự mở toang cánh cửa FLC để cơ quan điều tra chính thức bước vào, bóc ra hành vi hành thao túng giá cổ phiếu cùng các lớp lang, chiêu trò mà ông Trịnh Văn Quyết đã dày công gây dựng. Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Các tài khoản này “thông đồng” với nhau để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả. Từ đó khiến giá cổ phiếu được đẩy lên cao. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng. Đây chính là căn cứ để Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự với ông Quyết.

Thị trường chứng khoán bấy lâu nay vốn được xem là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế; là nơi để người ta bán mua, các mã cổ phiếu niêm yết của doanh nghiệp kinh doanh đủ loại mặt hàng. Điều cần sòng phẳng nhìn nhận đó là người vào chợ mua bán sẽ không thể làm bậy nếu vai trò “thiết lập” trật tự của những người trông coi được phát huy và làm tròn. Dù đến nay, thị trường chứng khoán đã có những tiêu chí niêm yết, quy định về công bố thông tin... đủ rắn để trở thành “màng lọc” bảo vệ nhưng nó vẫn có chỗ thủng bởi ít nhiều có sự tiếp tay hỗ trợ của những cá nhân, tổ chức cố tình.

Vụ việc chủ tịch FLC thao túng thị trường chứng khoán và bị khởi tố khiến dư luận dậy sóng nhưng không quá bất ngờ. Cái kết trước mắt của ông Trịnh Văn Quyết thực ra nhiều người đã nhìn thấy trước: Cái kết buồn cho một người hiểu pháp luật nhưng coi thường luật!

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.