PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, nói ông không ủng hộ việc cho thí sinh đăng ký vô số nguyện vọng. Vì thí sinh không cần nhiều nguyện vọng để có thể đỗ được vào một trường ĐH nào đó. Bộ đưa ra nhiều nguyện vọng là tự làm khó mình, khi xét tuyển dễ rối.
Về dự kiến bỏ điểm sàn, ông Vinh phân tích: Điểm sàn đầu vào bây giờ không còn cần thiết vì các trường còn xét theo học bạ. Các trường ĐH đã “mở cửa” ai muốn vào học cũng được. Nhưng xã hội cũng cần phải có một sự phân biệt giữa các trường, vì thế có ngưỡng thì vẫn tốt hơn.
“Thực ra việc có ngưỡng hay không có ngưỡng, không ảnh hưởng đến ai, kể cả trường công lập hay trường ngoài công lập. Nhưng hiện nay, có tình trạng nhiều trường vơ vét thí sinh rất buồn cười, thậm chí vào ĐH còn không bằng vào lớp 10. Phụ huynh có con thi vào lớp 10 còn lo chứ còn vào ĐH những trường ở top trung trở xuống thì chả có vấn đề gì phải lo lắng”, ông Vinh nói.
Trong khi đó, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi, cho hay, ông ủng hộ việc có cổng tuyển sinh để Bộ giúp các trường lọc ảo. Vì thế, theo ông Kim, các trường cũng không cần phải thành lập nhóm, trường nào tự chủ tuyển sinh của trường đó.
Còn mỗi việc thí sinh có bao nhiêu nguyện vọng, ông Kim cho rằng không ảnh hưởng đến các trường cũng như thí sinh. Cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng là để họ thoải mái hơn trong lựa chọn cơ hội trúng tuyển. Còn bản chất, điểm trúng tuyển sẽ trượt từ nguyện vọng cao xuống nguyện vọng thấp. Trong đó, ưu tiên cao nhất là nguyện vọng 1.
“Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bây giờ không còn quan trọng. Có những trường tháo khoán người ta vẫn không vào. Thậm chí, có cho học bổng người ta cũng không học. Ở nước ngoài cũng thế. Đầu ra không có chất lượng, người học không xin được việc thì họ cũng không học”, ông Kim nói.