'Thánh vật ở sông Tô Lịch': Tất cả chỉ là sự tự quy kết

'Thánh vật ở sông Tô Lịch': Tất cả chỉ là sự tự quy kết
TP - Là người tổ chức cuộc tọa đàm cuối năm 2002 xung quanh những vấn đề từ việc thi công nạo vét và kè đá sông Tô Lịch đoạn Nghĩa Đô-Cầu Giấy (Hà Nội), nhà sử học Dương Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ khi câu chuyện trên lại được (bị) đưa lên mặt báo.
'Thánh vật ở sông Tô Lịch': Tất cả chỉ là sự tự quy kết ảnh 1
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trao đổi với Tiền phong, ông Dương Trung Quốc nói:

Tôi vừa phát biểu với Hội Nhà báo Việt Nam là chúng ta không phản ứng kịp, để kéo dài quá, thành hiệu ứng xã hội rồi. Tôi nói với tư cách cá nhân, không phải đại diện cho Hội Lịch sử Việt Nam.

Thời điểm đó, họ mời tôi - người của Hội Lịch sử Việt Nam để tập hợp anh em tổ chức một cuộc tọa đàm. Tại tọa đàm mới nảy ra điều này: tất cả đều là sự liên tưởng hết chứ không trên cơ sở một hiện thực nào.

Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nói về các tập tục xưa, GS Đỗ Văn Ninh nói về cấu trúc thành xưa. Thế rồi, các hiện tượng được người ta quy thành một giả thiết.

Và không có kết luận nào?

Điều rõ nhất và chắc chắn nhất là những hiện tượng trên không có một cơ sở khoa học nào. Địa điểm thi công, theo một số ý kiến chuyên môn, nằm trên điểm hợp lưu của những con sông cổ dẫn đến hai hệ quả: Kết cấu không bền vững, phức tạp, phải chăng nó tạo ra nhiều khó khăn trong việc thi công?

Yếu tố thứ hai, vì là hợp lưu của nhiều con sông cổ nên tạo ra yếu tố đặc thù về tâm linh, phong thủy, cũng là điểm tập trung của nhiều cổ vật trôi về đấy. Người ta lại kết hợp với ngôi đền cổ gần đó để liên tưởng.

Nói thật, lòng con sông cổ trong một đô thị ngàn năm bới đâu chả ra cổ vật. Cái quan trọng nhất của khảo cổ học là phải có mặt bằng khai quật một di chỉ nhưng tôi được biết người ta dùng gàu múc di vật lên bờ. Vài ngày sau, giới khảo cổ mới tới. Chỉ có điều người ta lại tưởng tượng ra chúng được sắp xếp theo hình thù bát quái, kết hợp những giả thiết vụn vặt khác nhau để tạo thành câu chuyện “Thánh vật”.

Cố GS Trần Quốc Vượng cho rằng đó có thể là trận đồ trấn yểm của thành Đại La?

Trong 5 năm - một thời điểm hơi dài, lẽ ra giới khoa học nên có những nhận định để người dân an tâm?

Không có gì để bàn cả. Đã khai quật khảo cổ học đâu. Cuộc tọa đàm do tôi phối hợp với báo GĐ-XH cùng cuộc hội thảo “đầu bờ” trong đó có đại diện một số cơ quan quản lý của Hà Nội đều không đưa ra kết luận nào. Và sau đó, công việc nạo vét và kè đá bờ sông Tô Lịch ở đoạn này vẫn xong xuôi.

Có thể thôi. Mọi người đều có quyền đưa ra giả thiết. Báo Bảo vệ Pháp luật cuối tuần làm rất ẩu ở chỗ này: Giáo sư đã mất lâu rồi bây giờ anh đặt ra câu hỏi như phỏng vấn một người đang sống vậy.

Về nghiệp vụ báo chí, tôi cho đấy là điều không minh bạch. Anh phải lục lại hồ sơ cũ, nói rõ ai là người chịu trách nhiệm cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của tài liệu.

Có người nói Thượng tọa Thích Viên Thành đã giải yểm trừ tà ở sông Tô, có người lại nói ông chưa bao giờ đến đó?

Hai hôm trước, tôi vừa gặp một người rất thân thiết với ông Thích Viên Thành tại Tam Đảo. Ông Thành chả liên quan gì đến việc này. Tại sao lại dùng từ “Thánh vật”?

Thánh là những đấng mà người dân hết sức trọng vọng, tôn sùng bằng tâm linh của mình. Đó là những người đại diện cho một quyền lực siêu nhiên, như Thánh Trần, Thánh Mẫu.

Biểu tượng Thánh trong tâm linh người Việt là những đấng hộ quốc an dân, khuyến thiện trừ tà. Những người vận vào mình là bị “Thánh vật” thì có khi chết thật đấy. Bởi lẽ, Thánh chả bao giờ “vật” người tốt cả. Nhưng đừng vận điều ấy cho người khác.

Ông có nói: Đời sống tâm linh chỉ có ý nghĩa khi mang lại điều tốt lành cho con người...?

Đúng vậy, nó chỉ ý nghĩa khi khuyến thiện. Ngược lại gọi là tà đạo. Dùng từ “Thánh vật” là xúc phạm những người liên quan, như Thượng tọa Thích Viên Thành, cố GS sử học Trần Quốc Vượng. Tại sao Thánh lại “vật” ông Thành và GS Vượng? Hai ông là người xấu, làm gì sai trái, phi đạo lý, phi pháp hay sao?

Theo ông, GS Trần Quốc Vượng có giữ món đồ cổ nào không?

Cái đó tôi không biết. Một giáo sư khảo cổ cả đời đi khai quật nghiên cứu thì trong nhà chứa nhiều đồ cổ là đương nhiên. Nói cho cùng, câu chuyện này là hiện tượng xã hội, chứ không có vấn đề khoa học gì ở đây, kể cả khoa học tâm linh. Đời sống tâm linh đem lại sự yên ổn cho con người, chứ không phải sự lo sợ.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG