Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định, hoạt động hướng đến đảm bảo hoàn toàn độc lập với đối tượng thanh tra, kiểm tra và thành viên khác thực thi nhiệm vụ trong các khâu của kỳ thi. Ông Cường cho hay, theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, từ năm 2023, thanh tra không tham gia vào các công việc của kỳ thi tốt nghiệp THPT như: ký niêm phong tủ đựng đề thi, bài thi tại Điểm thi; ký niêm phong phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc vật dụng chứa túi bài thi tại Khu vực chấm thi; chứng kiến đóng/mở phòng chứa bài thi, chấm bài thi, tủ thùng hoặc vật dụng chứa bài thi; chứng kiến việc gieo phách trong khu vực cách ly làm phách; giám sát việc nhập điểm bài thi tự luận của tổ nhập điểm; giám sát việc niêm phong 2 đĩa CD chứa dữ liệu kết quả thi; giám sát quá trình làm việc của ban phúc khảo bài thi tự luận.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Ảnh: Nghiêm Huê |
Việc không gắn trách nhiệm với công việc trong các ban của Hội đồng thi thể hiện rõ vai trò độc lập, giúp công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện khách quan; làm đúng chức năng của thanh tra là xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; khắc phục hạn chế trước đây là thanh tra đi kiểm tra, thanh tra chính mình khi cùng các thành viên của Hội đồng thi ký giấy tờ, chứng kiến, giám sát một số hoạt động trong nhiều khâu của kỳ thi. Những thay đổi này giúp thanh tra làm đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động thanh tra độc lập theo quy định của pháp luật về thanh tra. Quy định này đồng thời làm tăng trách nhiệm các ban của Hội đồng thi.
Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, Luật Thanh tra sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định: Chánh Thanh tra quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành; cơ quan quản lý Nhà nước không làm việc này (khác với quy định tại Luật Thanh tra năm 2010). Theo đó, chánh thanh tra quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra; trường hợp đặc biệt thì bộ trưởng/giám đốc sở GD&ĐT quyết định.
Tuy nhiên, Luật Thanh tra 2022 có điều khoản chuyển tiếp: các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7) thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2010. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra đúng giai đoạn chuyển tiếp này. Do đó, những đoàn thành lập trước ngày 1/7 (thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi, công tác coi thi) sẽ thực hiện theo Luật Thanh tra số 2010. Sau ngày 1/7 (đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi), thực hiện theo Luật Thanh tra 2022. Ông Cường khẳng định, khi đó, các Sở GD&ĐT phải có phương án điều chỉnh cho phù hợp. Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể nội dung này đến các Sở GD&ĐT và Thanh tra Sở GD&ĐT.
Chống gian lận thi cử
Về những điểm mới trong thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Chánh thanh tra Nguyễn Đức Cường cho rằng, những thay đổi này thuận lợi hơn cho địa phương, đơn vị; tránh máy móc, phiền hà; giảm sức ép cho các đối tượng làm công tác thi trong thời gian diễn ra kỳ thi; tạo thuận lợi cho đoàn thanh tra, kiểm tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT; nhưng vẫn bảo đảm quy định của pháp luật. Ông Cường thông tin thêm, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023, lấy ý kiến các đối tượng thực thi, sau đó hoàn thiện trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, mong muốn các trường đại học tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, coi đây như nhiệm vụ chính trị của nhà trường, lựa chọn người phù hợp nhất tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần giúp Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
tổ chức thành công.
Đối với các sở GD&ĐT, không chỉ làm nhiệm vụ thanh tra mà công tác coi thi cũng cần được chuẩn bị kỹ để chống gian lận thi cử. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, nhắc lại, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, có 2 thí sinh của địa phương vi phạm quy chế thi.
Trong đó có thí sinh đã khoét dép để giấu điện thoại mang vào phòng thi. Khi thí sinh này xin ra ngoài đi vệ sinh trong thời gian nghỉ giữa các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, cán bộ giám sát nhận thấy, bước chân đi của thí sinh không bình thường nên đã yêu cầu đưa dép để kiểm tra. Một trường hợp khác, sau khi kết thúc bài thi môn ngoại ngữ, đến giờ nộp bài, điện thoại trong người thí sinh rơi ra. Cán bộ đã phát hiện và đình chỉ thi. Hai ví dụ trên theo ông Khoa là bài học để cán bộ coi thi cảnh giác, tinh ý trong quá trình coi thi, nhằm phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. “Các trường THPT cần tuyên truyền tới học sinh không mang các thiết bị công nghệ vào phòng thi (dù có sử dụng hay không), đặc biệt năm nay thí sinh không được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi”, ông Khoa nhấn mạnh.