Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ với Tiền Phong về thế mạnh của Việt Nam trong phát triển phương thức thanh toán mới.
Việt Nam hướng tới nền kinh tế không tiền mặt
Thưa bà! Bà đánh giá như thế nào về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán qua thẻ tại Việt Nam hiện nay?
Được định vị là một trong những nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á, Việt Nam có môi trường đầy hứa hẹn cho việc mở rộng thanh toán điện tử. Với lợi thế từ các đường lối và sáng kiến thúc đẩy của chính phủ, nền dân số am hiểu công nghệ và lĩnh vực thương mại điện tử phát triển mạnh, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng lớn trong thanh toán kỹ thuật số.
Mastercard mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với SmartPay nhằm thúc đẩy áp dụng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam |
Sự tiến bộ nhanh chóng của ngành thanh toán Việt Nam được thể hiện rõ qua sự gia tăng mạnh của hoạt động thanh toán thông qua thẻ, đặc biệt là ở phân khúc thẻ tín dụng. Theo dự báo Dữ liệu Thẻ Thanh toán Toàn cầu đến năm 2027 ở Châu Á - Thái Bình Dương của RBR, khối lượng thanh toán thẻ ở Việt Nam năm 2021 tăng 34%. Sự gia tăng này là nhờ chính sách của nhà nước nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử. Năm 2021, Việt Nam đã có 570 tỷ khoản thanh toán thẻ, tăng 20% so với năm trước. Trong số các phương thức thanh toán thẻ tại Việt Nam, thẻ tín dụng chiếm 59% tổng khối lượng thanh toán thẻ và thẻ ghi nợ chiếm 41%.
Ngoài thanh toán thông qua thẻ, thị trường còn chứng kiến sự trỗi dậy của các phương thức thanh toán kỹ thuật số khác nhờ sự tiện lợi mang lại cho người dùng, đặc biệt là mã QR và ví điện tử. Tại Việt Nam, thanh toán bằng mã QR trong nước đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong nửa đầu năm 2023, với khối lượng giao dịch tăng 152% và giá trị giao dịch tăng 301%. Động lực tăng trưởng này dự kiến sẽ còn tiếp tục khi Việt Nam gần đây đã tham gia hệ thống thanh toán quốc tế bằng mã QR cùng với 5 quốc gia ASEAN (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Đồng thời, thanh toán bằng ví điện tử tại Việt Nam cũng đang cho thấy nhiều tiềm năng, với sự gia nhập gần đây của các ví điện tử quốc tế như Google Wallet và Apple Pay, song song với sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường ví điện tử trong nước, dẫn đầu bởi Momo và ZaloPay. Đây là những minh chững rõ rệt cho sự đa dạng và năng động của hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam.
NGƯỜI VIỆT HƯỞNG ỨNG MẠNH MẼ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN MỚI
Mastercard cam kết tiếp tục mang đến những công nghệ thanh toán tiên tiến nhất và chuyên môn toàn cầu để cung cấp các chương trình, giải pháp tối ưu và phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức và người dân tại Việt Nam.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào
Như bà đã chia sẻ ở trên, tốc độ tăng trưởng của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán thẻ tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Vậy những yếu tố nào quyết định tới việc phát triển các hình thức thanh toán mới tại Việt Nam?
Tỷ lệ người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng thanh toán di động đã tăng từ 37% năm 2018 lên mức ấn tượng 61% vào năm 2019.
Báo cáo New Payment Index 2022 của Mastercard đã chỉ ra rằng 94% người tiêu dùng Việt đã sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán kỹ thuật số như ví điện tử, mã QR, mua trước trả sau, sinh trắc học và các hình thức thanh toán kỹ thuật số khác vào năm 2021 - so với mức trung bình 88% của khu vực.
Nhiều chuyên gia dự báo, Việt Nam sẽ dẫn đầu về khối lượng giao dịch thanh toán giữa các thị trường Đông Nam Á. Năm 2027, chuyên gia dự báo tổng khối lượng thanh toán trên khắp Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 86%, đạt 54 nghìn tỷ USD. Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng 152% để đạt 21,5 nghìn tỷ USD, dẫn đầu khu vực.
Để đạt được con số trên, Mastercard khuyến nghị, cần có một cam kết thống nhất từ tất cả bên liên quan trong lĩnh vực thanh toán như Chính phủ, ngân hàng, công ty fintech và nhà cung cấp công nghệ thanh toán.
Chính phủ cần kiên trì hỗ trợ khung pháp lý nhằm thúc đẩy đổi mới trong các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, đặc biệt chú trọng đến hoạt động thanh toán.
Các doanh nghiệp và đối tác kinh doanh cần được đào tạo về cách thanh toán kỹ thuật số có thể hợp lý hóa hoạt động vận hành của họ, giảm chi phí và mở rộng khả năng tiếp cận tệp khách hàng mới. Đồng thời, cần tăng cường các sáng kiến giáo dục để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và nhấn mạnh lợi ích cũng như tính bảo mật của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị thấp hàng ngày. Những nỗ lực như vậy đóng vai trò then chốt trong việc khơi dậy niềm tin và khuyến khích người dân thực hiện các khoản thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo bà, thanh toán trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào? Trong tương lai ấy, Mastercard sẽ có giải pháp gì để thúc đẩy hoạt động thanh toán thẻ nói riêng và thanh toán không tiền mặt nói chung tại Việt Nam?
Theo báo cáo về Tương lai của Thanh toán mới đây của Mastercard, tới cuối thập kỉ này, những sáng kiến đổi mới quan trọng sẽ định hình tương lai của thanh toán và thương mại, thay đổi cách thức trao đổi hàng hóa và dịch vụ, mang lại những trải nghiệm thông minh hơn. Trong đó, các chuyên gia chỉ ra ba xu hướng trọng tâm sẽ trở thành tương lai của thanh toán.
Đầu tiên, định nghĩa về tiền tệ sẽ được phát triển và mở rộng. Thế giới mã hóa sẽ cung cấp cho người tiêu dùng nhiều tùy chọn hơn về phương thức thanh toán.
Thứ hai, xã hội sẽ đón nhận những trải nghiệm thông minh hơn. Trong nền tài chính kết nối, tài sản có thể được truy cập trong mọi môi trường, và thanh toán sẽ vượt qua khỏi những rào cản về địa lý và kỹ thuật hiện nay.
Cuối cùng, tương lai bền vững sẽ là mục tiêu chung của toàn thế giới. Các quốc gia sẽ nỗ lực hướng đến nền tài chính toàn diện, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính cho mọi cá nhân và tổ chức.
Với tầm nhìn và nỗ lực phát triển xã hội không tiền mặt, Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng để bước vào kỉ nguyên thanh toán của tương lai. Là đối tác tin cậy về thanh toán toàn cầu tại Việt Nam, Mastercard luôn kiên định trong nỗ lực hỗ trợ tầm nhìn của chính phủ về một nền kinh tế không tiền mặt. Mastercard tích cực theo đuổi sứ mệnh hiện thực hóa “Thế Giới Không Tiền Mặt” tại Việt Nam thông qua nhiều hành động chiến lược.
Mastercard cam kết tiếp tục mang đến những công nghệ thanh toán tiên tiến nhất và chuyên môn toàn cầu để cung cấp các chương trình, giải pháp tối ưu và phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức và người dân tại Việt Nam.
Xin cảm ơn bà.
Mastercard là một công ty công nghệ toàn cầu trong lĩnh vực thanh toán. Sứ mệnh của chúng tôi là kết nối và cung cấp sức mạnh cho một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện, mang lại lợi ích cho mọi người, ở mọi nơi bằng cách thực hiện các giao dịch an toàn, đơn giản, thông minh và dễ tiếp cận. Sử dụng dữ liệu và kết nối an toàn, quan hệ hợp tác và đam mê trong công việc, các đổi mới và giải pháp của chúng tôi giúp các cá nhân, tổ chức tài chính, chính phủ và doanh nghiệp khai thác tiềm năng lớn nhất của họ.
Với sự kết nối trên hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng tôi đang xây dựng một thế giới bền vững, mở ra những khả năng vô giá cho tất cả mọi người. Kết nối với chúng tôi để biết thêm thông tin về cách chúng tôi đang hợp tác với các ngân hàng hàng đầu trên khắp châu Á.