Kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam

Thành quả của sự lãnh đạo mang tầm chiến lược của Đảng

Thành quả của sự lãnh đạo mang tầm chiến lược của Đảng
TP - Sáng 25/1, tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội diễn ra cuộc Hội thảo và tọa đàm “35 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam: Ngoại giao Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại” do Học viện Quan hệ Quốc tế phối hợp với Ban nghiên cứu lịch sử ngoại giao tổ chức.
Thành quả của sự lãnh đạo mang tầm chiến lược của Đảng ảnh 1
Toàn cảnh cuộc hội thảo “35 năm ngày kỷ niệm Hiệp định Paris về Việt Nam: Ngoại giao Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại”  Ảnh: ĐP

Đến dự có nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CMLT) Nguyễn Thị Bình;  Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; và gần 100 cán bộ lão thành trong ngành ngoại giao, các học giả, nhà báo,…

Tại Hội thảo, PGS Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh dẫn ra những bằng chứng lịch sử để chứng tỏ sự lãnh đạo mang tầm chiến lược của Đảng ta trong suốt quá trình đàm phán tại Paris.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương chứng minh chủ trương của Đảng là vừa đánh vừa đàm trên cơ sở xác định chính xác mục tiêu cách mạng trong từng thời điểm cụ thể, biết thắng từng bước cho đúng, chớp thời cơ để đi đến thắng lợi quyết định.

Đại sứ Trịnh Ngọc Thái thuộc Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị khẳng định  mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris vì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là chính nghĩa. Nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Nguyễn Phúc Luân đưa ra những bằng chứng lịch sử để khẳng định vấn đề Hiệp định Paris mang đậm dấu ấn trí tuệ Hồ Chí Minh.

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh rút ra 5 bài học chính của quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Trong đó, ông chỉ rõ một bài học: Kiên định quan điểm độc lập tự chủ của Đảng là bảo đảm cho đàm phán thành công trong tình hình quốc tế thời kỳ đó phức tạp; ý đồ chiến lược của một số đối tác trong đàm phán của Việt Nam rất khác nhau.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí một điểm rằng trong nhiều nhân tố đưa đến thắng lợi của đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam có nhân tố từ sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN anh em và phong trào ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. 

Hiệp định Paris về Việt Nam là một trong 4 thoả thuận ngoại giao quan trọng nhất mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký kết trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta. Đó là Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946;  Tạm ước 14/9/1946; Hiệp định Geneva 1954; và Hiệp định Paris 27/1/1973.

Đàm phán Hiệp định Paris kéo dài từ 1968-1973 gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đàm phán song phương giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngoài 28 cuộc họp công khai còn có 12 cuộc họp bí mật. Giai đoạn 4 bên, ngoài 174 cuộc họp công khai còn 24 cuộc họp bí mật.

Trong quá trình này, hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ tổ chức gần 500 cuộc họp báo, so với Hội nghị Geneva về Việt Nam chỉ có 3 cuộc họp báo.

MỚI - NÓNG