Chấn chỉnh vi phạm lòng đường, vỉa hè
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT, Công an thành phố, UBND các quận, thị xã tập trung thực hiện chỉ đạo của thành phố, kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm về trông giữ xe, để xe trên địa bàn. Ngay trong tháng 3/2015 phải lập phương án sắp xếp vị trí điểm đỗ, dừng, điểm trông giữ xe… không cho phép cửa hàng, cửa hiệu lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, để xe. UBND thành phố cũng yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tập trung xử lý mái che, mái vảy, mái hiên di động trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào; UBND quận Đống Đa làm điểm công tác sắp xếp, quản lý vỉa hè.
“Nói thật là có nhiều điểm trông giữ do các quận cấp giấy phép nhưng không hỏi ý kiến chuyên ngành của Sở GTVT” .
Ông Phạm Thanh Tùng, Sở GTVT Hà Nội
Trước đó, ngay khi Tiền Phong đăng tuyến bài về vi phạm của hàng loạt điểm đỗ xe, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về phí trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp trên địa bàn thành phố. Tham gia đoàn kiểm tra có đại diện Công an thành phố, Sở GTVT, Cục Thuế. Ghi nhận của Tiền Phong, tại nhiều điểm, nhiều tuyến phố mà báo đã nêu các vi phạm đến nay có chuyển biến tích cực. Các tuyến phố Bà Triệu, Huế, Hai Bà Trưng, Thái Phiên…tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể.
Cấp phép không đúng quy trình
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) thực tế còn nhiều bất cập trong việc sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe. Điển hình là tình trạng UBND nhiều quận khi cấp phép điểm đỗ đã không lấy ý kiến của Sở GTVT. “Nói thật là có nhiều điểm trông giữ do các quận cấp giấy phép nhưng không hỏi ý kiến chuyên ngành của Sở GTVT, không cung cấp thông tin, không có báo cáo với Sở. Điều này dẫn đến việc cấp phép không khớp với các điểm nút giao thông, thậm chí cấp trùng”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, Quyết định 15 quy định, các quận trước khi cấp phép điểm trông giữ phương tiện theo thẩm quyền được phân cấp đều phải lấy ý kiến thống nhất của Sở GTVT, Công an thành phố. Ngay cả việc Sở GTVT cấp giấy phép sử dụng lòng đường thì cũng phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương, nhất là cấp phường. Ông Tùng thừa nhận, hiện nhiều điểm trông giữ phương tiện dù được cấp phép nhưng sử dụng không đúng giấy phép. Quy định các điểm trông giữ phương tiện phải dành tối thiểu 1,5m vỉa hè, lòng đường giao thông để cho người đi bộ nhưng trên thực tế vi phạm khá nhiều. Một nguyên nhân khác đó là do tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân trong khi diện tích giao thông tĩnh không đáp ứng được nhu cầu. Muốn cấm để xe máy trên tuyến phố này thì phải có chỗ khác để người dân sử dụng.
Bộ máy nhiều, hiệu quả thấp
UBND quận Hoàn Kiếm cho hay tại các điểm đỗ trên tuyến phố như Quán Sứ, Phủ Doãn, Phùng Hưng đều phát hiện vi phạm, nhiều lần xử phạt nhưng đều tái phạm. Điều “lạ” là mặc dù tái phạm nhưng các doanh nghiệp này vẫn được quận Hoàn Kiếm cấp phép gia hạn! Trong khi đó, theo Sở GTVT Hà Nội, việc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ phương tiện tối đa không quá 6 tháng. Trong 6 tháng được cấp phép nếu đơn vị sử dụng không đúng giấy phép thì có thể thu hồi lại giấy phép, điểm trông giữ.
Cũng theo Sở GTVT, hiện nay bộ máy các cơ quan làm nhiệm vụ xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè, điểm đỗ xe khá nhiều. Cụ thể, như UBND phường, Công an phường, các lực lượng chức năng của quận, Công an thành phố…nhưng hiệu quả còn thấp. “Việc kiểm tra xử lý sau khi cấp phép trách nhiệm chính là các cấp của chính quyền địa phương. Từ phường đến quận đều có các lực lượng như Cảnh sát trật tự, Thanh tra, công an phường, lực lượng tự quản. Khi tiếp nhận thông tin về các điểm đỗ vi phạm họ phải là lực lượng đầu tiên xử lý sự việc”, ông Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.