Hải Phòng:

Thành phố “đổi ý”, bến Thượng Lý chết yểu

Bến xe Thượng Lý vừa khai trương đã có nguy cơ chết yểu
Bến xe Thượng Lý vừa khai trương đã có nguy cơ chết yểu
TP - Thời hạn đóng cửa bến xe Tam Bạc vào cuối ngày 15/6 đã tới nhưng bến xe Thượng Lý, vốn được xác định thay thế bến Tam Bạc, vẫn vắng như chùa Bà Đanh bởi sau khi thành phố Hải Phòng thay đổi chủ trương, các hãng vận tải đã đăng ký vào bến Niệm Nghĩa chứ không di dời sang bến Thượng Lý như dự định.

Bất ngờ “thay đổi”

Trước đó, ngày 5/6, Sở GTVT Hải Phòng đã có văn bản gửi Công ty Bến xe Hải Phòng và các doanh nghiệp vận tải cho biết thành phố cho phép các hãng vận tải được chọn một trong các bến Cầu Rào, Niệm Nghĩa và Thượng Lý để hoạt động. Tại cuộc họp ngày 4/6, lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng đã kết luận tạm thời cho các doanh nghiệp được lựa chọn một trong các bến xe trên để hoạt động từ 15/6 (thời điểm đóng bến xe Tam Bạc) đến 31/12/2015. Sau thời gian tạm cho phép này, thành phố sẽ nghiên cứu, sắp xếp lại cho phù hợp thực tế.

Thực hiện chủ trương này, các hãng vận tải tuyến Hải Phòng-Hà Nội hoạt động tại bến Tam Bạc đã đồng loạt xin về hoạt động tại bến Niệm Nghĩa. Chiều 15/6, các thủ tục chuyển về bến Niệm Nghĩa đã hoàn tất.

Trước đó, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo dời ngày đóng bến Tam Bạc đến 15/6, các xe vận tải khách tuyến Hải Phòng-Hà Nội sẽ di dời về bến Thượng Lý; đồng thời bố trí 2 tuyến xe buýt, xe điện nối tuyến. Nhưng phút cuối thành phố lại cho phép các hãng vận tải tự chọn bến, kết quả không ai về qua bến Thượng Lý.          

Vừa khai sinh đã khai tử

Ông Lưu Thành Đông, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng cho biết chỉ đạo này đã đi ngược hoàn toàn với các chỉ đạo từ trước đến nay của UBND thành phố. Theo ông Đông, đầu năm 2014, thành phố đã có quyết định phê duyệt tổng thể mặt bằng (tỷ lệ 1/500) nêu rõ bến Thượng Lý “là bến xe khách liên tỉnh thay thế bến Tam Bạc”. Việc UBND thành phố không thực hiện di dời các hãng xe từ bến Tam Bạc về Thượng Lý như dự định ban đầu khiến bến xe này rơi vào tình trạng vừa khai sinh đã bị khai tử.

Theo ông Đông, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong xây dựng bến xe, Công ty Kim khí đã vay 50 tỷ đồng đầu tư xây dựng bến xe Thượng Lý hoành tráng hiện đại trên diện tích gần 11.000m2 nhằm thay thế bến Tam Bạc. Nay không di dời bến Tam Bạc về đây thì Công ty chỉ còn nước phá sản. Theo ông Đông, công ty cũng đã nỗ lực mời gọi các doanh nghiệp vận tải về bến Thượng Lý, đồng thời hạ mức phí thấp hơn mức phí ở bến Tam Bạc 10%. Nhưng kết quả, sau khi thành phố “đổi ý”, tất cả các hãng vận tải đều nói không với bến Thượng Lý.

Ông Đông cho biết, tập thể cán bộ, công nhân viên công ty Kim khí đã đồng loạt ký đơn kiến nghị thành phố và cơ quan chức năng xem xét tiếp tục thực hiện di dời bến xe Tam Bạc về bến Thượng Lý như chủ trương của thành phố từ trước đến nay. Trong đơn kiến nghị, Công ty Kim khí cho rằng chủ trương không di dời các hãng về bến Thượng Lý như ban đầu có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. “Việc UBND thành phố quay ngoắt với chủ trương ban đầu làm xấu đi hình ảnh của Hải Phòng trong thu hút đầu tư, đẩy Công ty chúng tôi vào nguy cơ phá sản” - ông Lưu Thành Đông, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng, nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.