Người chết vì TNGT dịp Tết tăng cao:

Thanh niên về quê, uống rượu, gây họa

Tình trạng không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến dịp Tết (ảnh chụp ngày mùng 4 Tết trên QL 1A qua huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa). Ảnh: Sỹ Lực.
Tình trạng không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến dịp Tết (ảnh chụp ngày mùng 4 Tết trên QL 1A qua huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa). Ảnh: Sỹ Lực.
TP - “Ngày thường, nông thôn phần lớn là người già, trẻ nhỏ. Tết đến, thanh niên đi học, đi làm xa về uống rượu rồi tham gia giao thông khiến tình hình hết sức phức tạp” - Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nói về tình trạng số người chết vì TNGT tăng cao dịp Tết năm nay...

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, trong 9 ngày Tết Ất Mùi, từ 15/2 đến 23/2 (tức 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), cả nước xảy ra 536 vụ TNGT trong đó 509 người bị thương, 317 người chết (trung bình 35 người chết/ngày, tăng 35 người chết so với cùng kỳ năm ngoái).

Tai nạn chủ yếu tập trung ở nông thôn

Ông đánh giá thế nào về tình hình TNGT dịp Tết Nguyên đán vừa qua?

Tết này không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng đối với xe khách như mọi năm, nhưng tai nạn xe máy lại gia tăng. Thống kê của CSGT cho thấy, người điều khiển đi sai phần đường, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn là 3 hành vi trực tiếp dẫn đến TNGT. Thông tin từ cơ quan y tế cho thấy, thương vong trong các vụ TNGT do không đội mũ bảo hiểm (MBH) tăng cao. Chẳng hạn, số liệu của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho thấy, trong 165 người vào cấp cứu có 49 người không đội MBH (chiếm gần 30%).

Như vậy, TNGT dịp Tết vừa qua giảm nhưng mức độ nguy hiểm tăng cao. Tai nạn chủ yếu liên quan xe máy; người điều khiển vi phạm quy tắc giao thông và không đội MBH nên nguy cơ thương vong tăng cao.

Vậy đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này, thưa ông?

Hiện nay, các cơ quan y tế chưa đưa ra thống kê về số người sử dụng rượu bia trong số người bị TNGT phải cấp cứu trong dịp Tết. Tuy nhiên, việc gia tăng các hành vi đi sai phần đường, chạy quá tốc độ hay không đội MBH phần nào phản ánh mức độ tỉnh táo của người điều khiển. Hay nói cách khác, sự lạm dụng chất kích thích như rượu bia tăng cao trong dịp Tết vừa qua.

Ngày thường, nông thôn chủ yếu là người già, trẻ nhỏ. Tết đến, thanh niên đi học, đi làm xa về, uống rượu rồi tham gia giao thông khiến tình hình trở nên hết sức phức tạp. Dịp Tết vừa qua, các đô thị lớn như Hà Nội có 9 người chết vì TNGT (giảm 60% so với cùng kỳ), TPHCM có 10 người chết nhưng các khu vực tỉnh lẻ, nông thôn như Hưng Yên, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... lại tăng cao.

Hạ tầng cũng là nguyên nhân. Trong đó, việc xe máy đi cùng làn đường với ô tô; biển báo, gờ giảm tốc và chiếu sáng còn hạn chế trên nhiều tuyến đường nông thôn là những nguyên nhân chính. Ngoài ra, lực lượng tuần tra kiểm soát ở nông thôn mỏng; trình độ chuyên môn nghiệp vụ  của họ còn hạn chế và còn nể nang, không xử lý được người cùng quê, họ hàng cũng là vấn đề cần khắc phục.

Ngoài ra, trong dịp Tết, dịch vụ vận tải công cộng như xe buýt, xe khách, taxi thiếu nên người dân chỉ còn cách đi xe máy cũng là một nguyên nhân. Tháng 3 tới, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức hội nghị để đánh giá toàn diện và tìm ra giải pháp khắc phục về công tác đảm bảo ATGT dịp Tết.

Thanh niên về quê, uống rượu, gây họa ảnh 1

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.

Tăng phạt nguội để hạn chế nể nang

Việc TNGT bùng phát ở nông thôn dịp Tết đã được cảnh báo vào các năm trước. Theo ông, các giải pháp cần đưa ra là gì?

Trước mắt cần triển khai ngay các giải pháp để chấn chỉnh trong những ngày lễ hội tới đây. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Thứ hai, tăng cường dịch vụ vận tải công cộng đến khu vực nông thôn và nơi có lễ hội để người dân giảm tối đa phải sử dụng xe máy.

Về lâu dài vẫn phải tăng cường tuyên truyền vận động. Dịp Tết, các cơ quan truyền thông thường muốn đưa nhiều thông tin vui vẻ, nhẹ nhàng; không đề cập nhiều đến các vấn đề ATGT hay các vụ TNGT. Đây cũng là điều cần khắc phục; đặc biệt truyền thông cơ sở.

Ngoài ra, việc kinh phí xử phạt hiện nay chỉ để lại 30% cho địa phương, 70% chuyển về trung ương khiến cho việc hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ dịp Tết ở cơ sở gặp khó khăn.

Thưa ông, vừa qua có sự nể nang, nới lỏng xử lý vi phạm của CSGT? Ví dụ, ngày 27 Tết, số tiền xử phạt toàn quốc hơn 6 tỷ đồng; nhưng ngày mùng 2, 3 chỉ là 800 triệu đồng.

Chúng tôi nhận thấy một bài học quan trọng về bố trí lực lượng trong dịp Tết. Ngày thường, CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) tập trung ở đô thị. Vào dịp Tết, căng thẳng về trật tự ATGT tại đô thị giảm nhiệt, chuyển hướng về nông thôn. Tình hình đó, cần phải dịch chuyển lực lượng.

Trong khi đó, ngành công an có quy định rất rõ về địa bàn hoạt động của các lực lượng. Chẳng hạn, Hà Nội có lực lượng CSGT đông đảo, TTGT hơn 600 người, nhưng Hà Nam chỉ có 70 CSGT và vài chục TTGT. Thậm chí, trong mỗi tỉnh phân công rõ, phòng CSGT đảm nhận đường quốc lộ; đội CSGT kiểm soát ở đường tỉnh, đường huyện... Tới đây, chúng tôi sẽ bàn bạc với Cục CSGT giải pháp thay đổi.  

Việc nương nhẹ xử lý vi phạm ngày Tết có vấn đề tâm lý, văn hóa, cần thay đổi. Cách tốt nhất để khắc phục là ứng dụng công nghệ thông tin để phạt nguội. Đây là giải pháp trọng tâm mà cơ quan chức năng sẽ sớm áp dụng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.