Sáng 29/11, tại tỉnh Thái Bình, T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn Thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững với chủ đề: “Vai trò đoàn viên, thanh niên đưa nền kinh tế nông nghiệp phát triển xanh, bền vững”. Tham dự chương trình, có anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn; anh Thiệu Minh Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình; anh Nguyễn Bá Cát - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình.
Tiên phong phát triển nông nghiệp xanh
Phát biểu khai mạc diễn đàn, anh Ngô Văn Cương nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.
Những năm vừa qua, Trung ương Đoàn đã hỗ trợ và đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong tham gia phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh, áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu vào, không ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe con người; tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nghiệp xanh, bền vững.
Trung ương Đoàn đã tập trung triển khai tập huấn hướng dẫn các mô hình khởi nghiệp từ các sản phẩm tái chế, các sản phẩm chế biến từ rác hữu cơ, các sản phẩm hữu cơ sử dụng công nghệ vi sinh cho 7.500 đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp trên toàn quốc; hướng dẫn thành lập 700 đội thanh niên tình nguyện ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường cấp huyện, kết quả đã có 14.500 đội viên đội tình nguyện tại chỗ...
Qua Diễn đàn này, T.Ư Đoàn muốn chia sẻ về xu hướng sản xuất nông nghiệp của thế giới và Việt Nam; những thuận lợi, khó khăn thách thức trong phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.
Nhận định vai trò, trách nhiệm và thách thức cho đoàn viên, thanh niên nông thôn trong nền kinh tế phát triển xanh, bền vững và phong trào ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Qua đó, tạo sân chơi để đoàn viên, thanh niên, các chủ thể, thanh niên làm kinh tế giỏi giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.
“Thông qua diễn đàn, tôi mong rằng các bạn đoàn viên, thanh niên và các gương thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024, 32 dự án lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi có thêm những kiến thức về nông nghiệp phát triển xanh, bền vững và là những hạt nhân trong triển khai phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững tại địa phương”, anh Cương nói.
Chuỗi liên kết "xanh"
Tham luận tại diễn đàn với chủ đề “Sản xuất nông nghiệp cân bằng carbon cùng các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp xanh, bền vững”, TS. Võ Trung Âu - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Giải pháp bền vững quốc gia, đã chỉ ra những thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp xanh.
Hiện nguồn vốn và đầu tư cho chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh còn hạn chế. Người nông dân còn ít hiểu biết về lợi ích lâu dài của nông nghiệp xanh và bền vững. Hơn nữa, công nghệ mới chưa được áp dụng rộng rãi do chi phí đầu tư cao và thiếu hỗ trợ kỹ thuật…
Bởi thế, TS. Võ Trung Âu đã đề xuất phát triển các mô hình điển hình về sản xuất nông nghiệp cân bằng carbon như mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, mô hình nông nghiệp sinh thái…
Đặc biệt, để triển khai phát triển nông nghiệp xanh, cần canh tác không cày xới giúp duy trì độ phì nhiêu của đất, giảm thiểu xói mòn và hạn chế phát thải khí nhà kính; xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước; năng lượng tái tạo; quản lý chất thải… Trong đó, đoàn viên, thanh niên là lực lượng quan trọng trong quá trình này.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn quốc Cường - Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Birdnest KYC, nhấn mạnh việc cân bằng giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường là bài toán cần nhiều thời gian.
“Đối với doanh nhân trẻ, thanh niên khởi nghiệp, nếu chưa có chi phí đầu tư cho công nghệ cao, đắt tiền, chúng ta có thể sử dụng các công nghệ miễn phí, nền tảng miễn phí và tìm cách để áp dụng nó vào thực tiễn của mình”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, nông nghiệp xanh còn xuất phát từ việc sử dụng nguồn nguyên liệu, phân bón hữu cơ để bảo vệ môi sinh sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp đó. Và muốn phát triển bền vững, sản phẩm nông nghiệp xanh phải đảm bảo phát triển lợi ích của cộng đồng.
Tại diễn đàn, chia sẻ thêm về chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp hướng tới phát triển xanh, chị Mai Thị Tươi - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thái Bình, nhấn mạnh tới sự phân mảnh rõ ràng và chi tiết của từng chuỗi.
“Chúng ta cần hiểu và cùng chung tay trong chuỗi giá trị nông nghiệp để thực hiện hoá mục tiêu phát triển xanh chứ không phải một cá thể, một chuỗi”, chị Tươi nói.
Trong đó, chị Mai Thị Tươi nhấn mạnh tới vai trò của doanh nghiệp cung ứng đầu vào. Mỗi chủ doanh nghiệp cần có nhận thức chọn lựa vật tư từ giống, phân bón theo xu hướng nông nghiệp xanh, ví dụ như phân bón hữu cơ, phân bón có bổ sung vi sinh vật. Với khâu sản xuất và chế biến cần được áp dụng theo tiêu chuẩn…
Trong mối quan hệ liên kết này, đoàn viên, thanh niên cần thể hiện như một “cầu nối” để đảm bảo sự liên kết thông suốt, đồng nhất về thông tin, công nghệ, kiến thức mới phục vụ phát triển xanh.