Chủ trì đối thoại có Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng.
Diễn đàn đã tập trung trao đổi, ý kiến về định hướng nghề nghiệp đối với thanh niên; công tác thông tin thị trường lao động; giải quyết việc làm cho thanh niên; chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Nhiều ý kiến đề xuất cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp gắn với công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường THCS, THPT. Nâng cao công tác thông tin thị trường lao động đối với thanh niên; hoạt động của các đơn vị dịch vụ việc làm, giáo dục nghề nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Phó bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Đồng Nai) đề xuất: Bộ LĐ-TB&XH nên có chiến lược quốc gia về thông tin thị trường để chính xác, phổ quát và kịp thời để cán bộ đoàn truyền tải tốt, hiệu quả đến thanh niên".
Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng (Bí thư Đoàn Học viện Ngân Hàng) kiến nghị, cần xây dựng kế hoạch, định hướng trong việc thúc đẩy phát triển mạng lưới các đơn vị cố vấn, tư vấn, cung cấp các dịch vụ quản trị cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đại biểu Ngô Tường Vy (đoàn đại biểu Bến Tre) hiện là chủ nhiệm CLB khởi nghiệp Bến Tre chia sẻ thực tế và giải pháp hoạt động của CLB. Cụ thể, CLB không chỉ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chính sách, thủ tục hành chính mà còn trực tiếp đồng hành, tư vấn các bạn sinh viên, thanh niên; cũng như kiểm duyệt hoạt động kinh doanh cua các bạn để hạn chế rủi ro, thất bại.
Trao đổi tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Tâm lý chung của giới trẻ muốn học đại học là chính đáng, cần khuyến khích, nhưng phải căn cứ năng lực bản thân, điều kiện kinh tế có cho phép. Đại học không phải là con đường duy nhất lập thân lập nghiệp. Bên cạnh việc học tập cần chú trọng khâu chọn nghề.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giáo dục nghề nghiệp trong năm 2018 sẽ là khâu đột phá của ngành lao động. Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức lấy ý kiến đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục với 10 giải pháp lớn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các đại biểu với tinh thần "phục vụ thanh niên chính là phục vụ đất nước".
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ có nhiều hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và thanh niên nói riêng
Theo báo cáo kết quả thực hiện nội dung "Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm" giai đoạn 2012-2017, tính đến tháng 9/2017, Đoàn thanh niên đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 8.004.010 thanh niên (=100,05% chỉ tiêu của nhiệm kỳ); dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 2.420.891 thanh niên (=201,74% chỉ tiêu đặt ra của nhiệm kỳ).
Dư nợ của Đoàn thanh niên thông qua chương trình ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội đạt trên 20.913 tỷ đồng, với 23 chương trình cho vay thực hiện hơn 50 nghìn dự án với gần 2,1 triệu đoàn viên, thanh niên được vay vốn.
Đoàn thanh niên quản lý trên 326 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (Chương trình 120), trong đó, vốn vay qua kênh T.Ư Đoàn là 72 tỷ đồng, kênh địa phương là 254 tỷ đồng. Thành lập và trực tiếp quản lý hoạt động của 225 hợp tác xã, 1.199 tổ hợp tác thanh niên, đã giải quyết việc làm 10.344 thanh niên.
Bên cạnh đó, Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm được chú trọng. 45/63 tỉnh, thành đoàn đã xây dựng các chuyên mục về nghề nghiệp, việc làm trên website và fanpage của tỉnh, thành đoàn; 6/31 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm thanh niên đã xây dựng các website tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm đối với thanh niên. T.Ư Đoàn cũng đã triển khai chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016–2021 với việc xây dựng các nội dung hỗ trợ thanh niên về khởi sự doanh nghiệp: đào tạo, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ thị trường.