Coi thường khán giả
Ca sỹ Jack (tên thật Trịnh Trần Phương Tuấn) từng là thần tượng của nhiều người trẻ trước khi vướng bê bối tình ái, đạo đức. Khi cuộc sống riêng tư với góc khuất tình ái bị phơi bày, khán giả lên án và tẩy chay Jack, đòi nhà sản xuất Running Man (Chơi là chạy) rút tên ca sĩ này khỏi chương trình mùa 2.
Thế nhưng, nhà sản xuất từ đầu chí cuối đều chọn im lặng. Jack điềm nhiên xuất hiện trên sóng truyền hình trong tập đầu tiên vào 26/9, mà không có một lời giải thích từ ca sĩ lẫn nhà sản xuất.
Những dòng chữ “tẩy chay Jack”, “loại Jack khỏi Running Man” do khán giả để lại trên fanpage của chương trình tạo thành phong trào đòi Jack rút lui, nhưng ca sĩ này vẫn "bình an vô sự" đi qua suốt ba tập trên sóng truyền hình HTV.
Đương nhiên khán giả cũng có dăm bảy đường, bởi vẫn còn lực lượng đáng kể ra sức tiền hô hậu ủng để nâng đỡ ca sĩ. Nhưng với khán giả đủ tỉnh táo và văn minh, họ nhận thấy sự thiếu tôn trọng, sự coi thường người xem. Ca sĩ phải chịu trách nhiệm, nhà sản xuất cũng không vô can.
Nhìn sang một số nền giải trí ở các nước trong khu vực càng thấy sự dễ dãi ở ta: nghệ sĩ Việt được o bế và nuông chiều quá mức. Giới giải trí của Hoa ngữ vừa trải qua đợt “phong sát” (trừng phạt) hơn hai chục nghệ sỹ. Có những người vi phạm pháp luật, nhưng cũng không hiếm nghệ sĩ có tài nhưng đạo đức có vết nên cũng chịu chung số phận cấm sóng, bị xóa tên khỏi một số sản phẩm nghệ thuật, đương nhiên không được bén mảng xuất hiện trong làng giải trí nữa.
Còn nhà sản xuất Running Man vì lỡ ký hợp đồng và quay một số tập với Jack nên cứ đánh bài im lặng chờ sóng gió qua đi?!
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Phong Việt cho rằng, ở tình huống của Jack và nhà sản xuất Running Man, cả hai phía đều không chọn tự rút lui hoặc từ chối nghệ sĩ. “Có thể hiểu theo cách đơn giản nhất là cả Jack và nhà sản xuất của chương trình đều xem lùm xùm của Jack không hề quan trọng. Và bất chấp những ảnh hưởng xấu của bê bối đó, họ vẫn tin là chương trình sẽ thu hút khán giả. Như vậy, câu chuyện lúc này chỉ còn phụ thuộc vào quyết định của khán giả ứng xử với chương trình, cũng như thái độ của nhà đài nơi cấp phép phát sóng chương trình này mà thôi”, anh Việt nêu.
Thanh lọc: Cần nêu gương
Câu chuyện nghệ sĩ có sai lầm, xin lỗi sửa sai rồi được chấp nhận khá hợp tình hợp lí. Quay đầu là bờ, có vấp ngã có sửa chữa là chuyện nên làm. Thế nhưng ở trường hợp của Jack, nhiều người không nhận thấy sự cầu thị ở ca sĩ này. Các chuyên gia truyền thông phân tích, tâm thư của Jack cũng xuất phát từ việc buộc phải xoa dịu dư luận, xoa dịu các nhãn hàng nên thiếu đi sự thành tâm, cầu thị. Khi khán giả rần rần đòi tẩy chay, Jack cũng phớt lờ dư luận.
“Nghệ sĩ là hình mẫu cho nhiều bạn trẻ noi theo. Do đó khi nghệ sĩ đang dính bê bối mà xuất hiện trên sóng sẽ ảnh hưởng tới khán giả trẻ-những người nhận thức chưa đầy đủ. Họ chịu sự ảnh hưởng từ chính lối sống không lành mạnh của thần tượng. Khi khán giả quá dễ dãi, nghệ sĩ cảm thấy họ được ưu ái và coi trọng quá mức nên không nhận ra sai lầm, chỉ biết nhận sự ưu ái của công chúng. Nghệ sĩ thực ra không chỉ hoạt động đơn thuần, họ còn truyền cảm hứng”, TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Thanh niên) phân tích.
Trong tình huống nghệ sĩ có đời tư không sạch sẽ, TS.Tuấn Anh cho rằng cách xử lý tốt nhất là nên tránh xuất hiện ở những chương trình có số đông khán giả theo dõi. Còn nhớ khi hoa hậu chuyển giới Hương Giang vướng lùm xùm, cô chủ động rút lui khỏi toàn bộ chương trình, lên tiếng nhận lỗi. Cách xử lý khéo léo, nhanh chóng này cũng phần nào xoa dịu dư luận, chứng tỏ sự cầu thị của nghệ sĩ. Khi sự việc tạm lắng xuống, cô mới dần quay trở lại trước tiên bằng những hoạt động nhỏ lẻ.
“Nghệ sĩ cần chứng minh bằng cuộc sống theo chiều hướng tích cực, sửa chữa sai lầm, không lợi dụng khán giả để đánh bóng tên tuổi, thay vào đó nên tự vấn bản thân và xem cần hoàn thiện ra sao để xứng với sự kỳ vọng, tình yêu mến của khán giả”, anh Tuấn Anh nói.
Từ góc độ nhà sản xuất chương trình, doanh nghiệp có chương trình hợp tác với nghệ sĩ cũng tạm thời xem xét quy trình tổ chức để không gây phản ứng ngược trong dư luận. Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, nếu khán giả không sử dụng quyền từ chối, quyền tẩy chay thì nhà sản xuất dễ dàng xuê xoa mà bỏ qua lỗi lầm của nghệ sĩ.
Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ do Bộ VHTTDL đang soạn thảo dù không có giá trị về mặt pháp lý với chế tài cứng rắn, nhưng vẫn được kỳ vọng là cẩm nang, là tấm gương soi vào lòng tự trọng của nghệ sĩ. Không có biện pháp mạnh mẽ như cấm sóng vĩnh viễn, nhưng nhiều nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật cho rằng vẫn nên có điều khoản về cấm sóng, cấm biểu diễn đối với những nghệ sĩ vi phạm trong một khoảng thời gian.
Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn viện dẫn, Điều 3 Nghị định 144 về hoạt động biểu diễn nghệ thuật nêu rất rõ các điều nghệ sĩ không được làm. Đây chính là quy định pháp luật buộc nghệ sĩ phải tuân thủ khi tham gia biểu diễn nghệ thuật.
Cần làm trong sạch môi trường nghệ thuật
"Một số nhà sản xuất mời các nghệ sĩ vi phạm đạo đức tham gia vào các chương trình nghệ thuật là điều rất không nên. Dù về mặt luật pháp có thể họ không chịu bất cứ hình phạt cụ thể nào, nhưng với tư cách là nghệ sĩ, ít nhất họ cũng nên dừng tham gia nghệ thuật trong một khoảng thời gian nhất định.
Đó là một cách giáo dục nghệ sĩ để họ có kinh nghiệm về việc những gì được làm/không được làm, nên làm/không nên làm khi họ là người của công chúng, được công chúng mến mộ, có khả năng ảnh hưởng đến nhận thức, thị hiếu và lối sống của công chúng. Đó cũng là cách các nhà sản xuất chương trình, sự kiện tôn trọng khán giả - những khách hàng quan trọng của họ - đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội và đồng hành cùng với xã hội làm trong sạch môi trường nghệ thuật”, PGS.TS, Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.