Bộ TN&MT vừa phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, Thái Bình với tổng diện tích 6.560ha, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 1.500 ha, phân khu phục hồi sinh thái 4.800 ha và phân khu dịch vụ, hành chính 260 ha.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, khu bảo tồn là đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng, chứa trong mình vùng đồng bằng châu thổ, được hình thành giữa động lực sông và biển, có các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những cồn cát chắn.
Khu vực này ghi nhận hơn 1.000 loài động vật sống trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ, là nơi tập trung các loài chim di cư từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau với số lượng hàng vạn con. Trong đó một số loài bị đe dọa trên toàn cầu như cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, rẽ mỏ thìa, quắm đầu đen…
Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn chim di trú nên vùng đất ngập nước huyện Thái Thụy còn được công nhận là một trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam. Bên cạnh đó, khu bảo tồn cung cấp nguồn sống cho khoảng 50.000 dân sống tại 8 xã ven biển huyện Thái Thụy và các địa phương lân cận.
Việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy sẽ giúp bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái ở vùng đất ngập nước ven biển, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững, thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Khu bảo tồn này sẽ trở thành phòng thí nghiệm thiên nhiên về đất ngập nước ven biển cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học, sinh học, sinh thái học và bảo tồn, đặc biệt là quan trắc, bảo tồn các loài chim di trú đông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường và thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái.