Thanh Hóa : Vỡ đập; Ninh Bình : Di dân để xả lũ

Thanh Hóa : Vỡ đập; Ninh Bình : Di dân để xả lũ
Hôm nay 5/10, 100m đập chính hồ Cửa Đạt (nơi đang xây thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt) đã bị vỡ, cuốn trôi 600.000m3 đá, ước thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Trong khi đó, ngay đêm nay Ninh Bình sẽ di dời khẩn cấp 14.000 dân huyện Nho Quan để xả lũ cứu đê Tả sông Hoàng Long.

>> Công điện khẩn gửi BCH Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa : Vỡ đập; Ninh Bình : Di dân để xả lũ ảnh 1

Di dời dân vùng bãi ngoài đê sông Mã ở xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa vào nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Hà- TTXVN

Nước sông Chu dâng cao, khiến hơn 2.300 nóc nhà với 12.386 khẩu của 7 xã ven sông của huyện Thọ Xuân là Xuân Lai, Xuân Thiên, Xuân Thọ, Xuân Hải, Xuân Hoà, Xuân Yên và Xuân Vinh chìm trong biển nước, có nơi sâu tới trên 8, 35m.

Ông Trương Quốc Đỉnh, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Tối 4/10, đã có 1 người chết do đi vớt củi trên sông, 1 người khác cũng thiệt mạng vì cứu người bị nạn. Ngay trong tối 4/10 và sáng 5/10, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB Thanh Hoá đã huy động 100 công an, 400 bộ đội, 13 ca nô, xuồng máy hoạt động liên tục đưa hơn 8.000 dân lên chỗ tránh trú lũ an toàn; đồng thời huyện Thọ Xuân cũng đã trích 50 triệu đồng từ ngân sách mua mì tôm cung cấp cho 7 xã.

Đến 15 giờ chiều nay, sông Chu đã đạt đỉnh lũ và vượt báo động 3 0,65m tại Xuân Khánh, tương đương lũ lịch sử năm 1968. Đến giờ này mực nước đã đứng do mưa đầu nguồn giảm dần. Trong khi đó, lũ sông Mã và sông Bưởi vẫn tiếp tục lên nhanh, mực nước sông Mã tại Lý Nhân 12,08 m, đạt báo động 3. Sông Bưởi đã vượt báo động 3 là 0,51 m, tương đương lũ lịch sử năm 1996.

Thanh Hóa : Vỡ đập; Ninh Bình : Di dân để xả lũ ảnh 2

Nước ở đập Cửa Đạt trên sông Chu (Thường Xuân) đã tràn đập chính. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tổ chức ứng cứu di dời dân vùng bị ngập lũ vùng bãi ven sông Mã ở xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa Ảnh: Ngọc Hà -TTXVN

Hiện trên địa bàn Thanh Hoá vẫn mưa to, dự kiến sông Bưởi có khả năng phải phân lũ tại huyện Thạch Thành. Nước sông Mã lên cao kéo theo mực nước các sông Lèn, sông Lạch Trường cũng đang dâng cao từng giờ, đe doạ nghiêm trọng hệ thống đê tại các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá... trong đó đê tả sông Mã đã có 3 điểm bị sạt lở mái đê, nhiều điểm tại các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Lộc) đang phải xử lý chống tràn đê.

Quân khu IV đã huy động thêm 1.000 cán bộ, chiến sĩ về giúp các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hoá và Thiệu Hoá bảo vệ đê sông Mã và đê sông Bưởi. Theo số liệu thông kê sơ bộ, mua lũ do ảnh hưởng hoàn lưu báo số 5 đã làm ngập úng hơn 12.000 ha lúa, màu, làm hư hỏng nhiều nhà ở, công trình xây dựng, ước thiệt hại trên 352 tỷ đồng.

Thanh Hóa : Vỡ đập; Ninh Bình : Di dân để xả lũ ảnh 3

Nước ở đập cửa Đạt đã tràn đập chính. Tỉnh Thanh Hóa đã huy động bộ đội, thanh niên di dời 24.000 dân sống ven bãi các sông trên đến nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Hà -TTXVN

Ninh Bình khẩn cấp di dời 14.000 dân tại Nho Quan trong đêm nay

Ông Lê Văn Dung, Bí thư Huyện uỷ Nho Quan (Ninh Bình) cho biết: Khả năng trong đêm nay (5/10), huyện phải di dời 14.000 dân các xã Đức Long và Lạc Vân để phục vụ việc xả lũ nhằm bảo vệ đê Tả sông Hoàng Long.

Do mưa lớn đê Lợi Hà thuộc huyện Nho Quan đã ngập với mực nước cao 4,3m, buộc hàng ngàn hộ dân các xã Gia Lâm, Gia Thuỷ, Gia Tường, Gia Sơn và Xích Thổ của 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan đang phải đi lại bằng thuyền.

Mặc dù huyện Nho Quan đã xả tràn, mở hàng chục cống để cân đối với nguồn nước bên ngoài bảo vệ cho các tuyến đê, nhưng hàng ngàn người già và trẻ em và gia súc gia cầm ở đây vẫn phải sơ tán lên vùng cao.

Nước lụt dâng cao đã làm thiệt hại 1.000 ha cây vụ đông, 100 ha lúa mùa, 2.000 ha nuôi cá nước ngọt bị ngập. Huyện đang tổ chức lực lượng ứng cứu cấp thuốc, hoá chất để hạn chế dịch bệnh và xử lý nước cho bà con trong vùng.

Mưa lớn gây ngập sâu ở nhiều địa phương

Lũ các sông Bắc bộ đang lên nhanh

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Lũ sông Đà đang xuống; lũ sông Hoàng Long, sông Thao và hạ du sông Hồng, sông Thái Bình đang lên nhanh.

Lúc 16 giờ, ngày 5/10, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình là 9.000m3/s; mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,49 m, trên báo động 3 là 0,49m; trên sông Thao tại Yên Bái là 31,32m, trên báo động 2 là 0,32m, tại Phú Thọ là 17,99 m, dưới báo động 2 là 0,21m; hạ du sông Hồng tại Hà Nội là 7,70m; hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại là 2,88m.

Dự báo: lũ sông Đà tiếp tục xuống. Lũ trên sông Hoàng Long, sông Thao, hạ du sông Hồng và sông Thái Binh tiếp tục lên nhanh.

Đêm nay, sáng mai, ngày 6/10, mực nước tại Đến Đế sẽ lên mức đỉnh là 5,1m, trên báo động 3 là 1,1m.

Đêm nay, ngày 5/10, mực nước tại Yên Bái lên mức đỉnh là 31,6m, dưới báo động 3 là 0,4m; sáng mai, ngày 6/10, mực nước tại Phú Thọ đạt đỉnh là 18,9m, ở mức báo động 3.

Trưa 6/10, mực nước tại Hà Nội sẽ lên mức 10,2m, dưới báo động 2 là 0,3m với điều kiện hồ Hòa Bình sẽ đóng cửa xả đáy số 6 vào lúc 17 giờ hôm nay.

Đêm ngày 6/10, mực nước tại Phả Lại sẽ lên mức 4,0m, dưới báo động 2 là 0,5m.

Do mực nước tăng nhanh, có khả năng gây nguy hiểm cho các hoạt động trong khu vực lòng sông và bãi sông hạ du sông Hồng và sông Thái Bình, đặc biệt trên đoạn sông từ hạ du đập Hòa Bình đến Sơn Tây.

Đề phòng có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối miền núi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu...

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, liên tiếp trong những ngày vừa qua mưa lớn đã xảy ra ở nhiều địa phương, thậm chí có nơi mưa rất to, làm cho một số vùng ở Nghệ An, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Nam bị ngập sâu.

Tại tỉnh Nghệ An, ở các huyện miền núi Tây Bắc thuộc tuyến quốc lộ 48 (Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn) đã có mưa to và rất to. Lượng mưa đo được trên 340 mm đã gây nên lũ lớn trên hệ thống sông Cả, sông Hiếu. Tuyến quốc lộ 48 tại các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn bị ngập nhiều đoạn. Giao thông đoạn từ Nghĩa Đàn lên Quế Phong bị đình trệ, nhiều đoạn bị cắt đứt hoàn toàn.

Nhân dân tại các xã Châu Hội, Châu Bình, Châu Thắng, Châu Nga, thị trấn Quỳ Châu, Châu Tiến phải di dời lên các vùng cao. Trước tình hình trên, ngày 4/10, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã lên trực tiếp chỉ đạo sơ tán dân ra khỏi vùng các vùng nguy hiểm.

Ngay từ chiều 4 và sáng 5/10, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều 2 tàu cao tốc 600 CV phối hợp cùng Sư đoàn 324 đưa xe lội nước cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến giúp sơ tán dân. Đến thời điểm này, trên toàn khu vực bị ngập đã có 2 người mất tích, 2 người chết và 5 người bị thương do nước cuốn, cây đổ. Tỉnh Nghệ An đang tập trung lực lượng, phương tiện cứu dân, khắc phục hậu quả trên các khu vực bị lũ ngập.

Tại tỉnh Hòa Bình đã có 1 người ở xã Quy Mỹ (huyện Tân Lạc) bị chết do lũ cuốn trôi, nhiều ngôi nhà dân ở thành phố Hòa Bình và huyện Mai Châu bị ngập sâu. Tại huyện vùng cao Mai Châu có 2 ngôi trường bị đổ tường, 1 nhà mẫu giáo bị sạt.

Điều đáng quan tâm là hiện nay, nhiều hồ đập ở Hòa Bình đang bị đe dọa trầm trọng. Hồ Chát ở huyện Lạc Sơn đã bị vỡ và các hồ: Rộc Cọ (xã An Bình-Lạc Thủy), Chùa Bụa, Vưng, Bông Canh, Nà Ai (huyện Tân Lạc), Rộc Trung (xã Vĩnh Đồng-Kim Bôi), Rảy (xã Phú Lương-Lạc Sơn) có nguy cơ bị vỡ cao. Mương Bước, mương Nà Cờ của huyện Mai Châu đã bị sạt lở một khối lượng lớn. Nhiều đoạn đường sạt lở, nước ngập, trong đó quốc lộ 6 bị sạt lở nhiều đoạn: Dốc Cun, dốc Quy Hậu, dốc Tòng Đậu. Quốc lộ 15 ngập ngầm Chiềng Châu; quốc lộ 12B ngập đoạn Km 30-43; quốc lộ 21 ngập km 71.

Nhiều diện tích lúa trong tỉnh bị ngập úng trên diện rộng. Huyện Yên Thủy thiệt hại 200 ha ở các xã: Yên Lạc; Yên Trị; Ngọc Lương; Phú Lai. Diện tích lúa ngập ở huyện Kỳ Sơn là 25 ha, Mai Châu là 25 ha.

Tại Yên Bái, hiện nay tuyến quốc lộ 32, tỉnh lộ Nghĩa Lộ đi huyện Trạm Tấu đã bị tắc nghẽn và có 7 nhà dân bị sập do ảnh hưởng của cơn bão số 5; rất may không có thiệt hại về người. Điểm trọng yếu nhất là đoạn đèo Khau Phạ và các điểm Km 270 +80, Km 261 + 400 đã bị tắc từ đêm 4/10 đến nay. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và một số công trình trình thủy lợi ở huyện Trạm Tấu cũng bị hư hỏng nặng.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Các lực lượng Công an, Bộ đội, dân quân tự vệ đã được huy động để di dời dân, thường trực canh gác ở các điểm giao thông trọng yếu, nguy hiểm.

Tại Hà Nam, mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều nơi bị ngập. Các con đường như Quy Lưu, Biên Hòa, Trần Hưng Đạo... thuộc thị xã Phủ Lý có chỗ ngập tới 80 - 90 cm, làm cho nhiều xe môtô chết máy. Hơn 10.000 ha lúa mùa đang độ cho thu hoạch cũng bị đổ dạt xuống mặt ruộng và ngập nước, có nguy cơ giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, hàng ngàn ha cây vụ đông như đậu tương, ngô, khoai...mới gieo trồng cũng bị ngập nước. Cụ thể: huyện Kim Bảng có trên 700 ha cây vụ đông bị ngập úng, chủ yếu là đậu tương và ngô; huyện Duy Tiên có 750 ha cây vụ đông bị ngập úng.

Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh bơm tiêu nước cho đồng ruộng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của nông dân; đồng thời chủ động chuẩn bị giống, vật tư, huy động các nguồn lực cần thiết để sau thời điểm mưa úng sẽ nhanh chóng gieo trồng đúng khung thời vụ.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.