Mặc dù trong những năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông cho học sinh, thanh thiếu niên đã được quan tâm. Tuy nhiên tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Thậm chí, thời gian gần đây số vụ tai nạn liên quan đến lứa tuổi này còn có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, làm 16 người tử vong và bị thương 60 người.
Đặc biệt, trong tháng 9/2023, lực lượng CSGT tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện, xử lý gần 7.400 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có hơn 1.438 trường hợp là học sinh, sinh viên… bị phạt tiền hơn 1 tỷ đồng, tạm giữ 620 mô tô. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm 982 trường hợp; không có giấy phép lái xe 88 trường hợp; vi phạm nồng độ cồn 54 trường hợp; học sinh sử dụng xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện vi phạm 166 trường hợp; không chấp hành tín hiệu đèn 20 trường hợp; vi phạm tốc độ 20 trường hợp…
Nhằm giảm thiểu tình trạng trên trong năm học 2023-2024, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trật tự an toàn giao thông tại 24 trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh từ bậc tiểu học đến THCS và THPT. Qua đó, giáo viên, học sinh các cấp học đã được cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh và phổ biến các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể như, đi bộ an toàn, không được chở quá số người quy định trên các phương tiện giao thông, đội mũ bảo hiểm theo quy định, các biển báo và tín hiệu đèn giao thông. Các mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông, hướng dẫn cách xử lý các tình huống giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Ngoài sự vào cuộc cơ quan chức năng có liên quan, các nhà trường cũng tích cực tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hoá còn tuyên truyền phổ biến cho phụ huynh không giao xe, để cho các em học sinh tự điều khiển phương tiện đến trường khi chưa đủ các điều kiện theo quy định. Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành giáo dục, các nhà trường, lực lượng cảnh sát giao thông đang tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT tại các tuyến đường tập trung nhiều trường học, các khu vực cổng trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Vệ 2, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Vào đầu mỗi năm học, nhà trường sẽ tổ chức chương trình theo qui định của Ban An toàn giao thông. Với mỗi chương trình an toàn giao thông này các em được học các bài học trên lớp bằng sa hình và thực hành ngoài sân trường để các em nắm vững về an toàn giao thông".
Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hoá hiện đang xây dựng kế hoạch tăng cường tổ chức chương trình hướng dẫn kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như xử lý tình huống tham gia giao thông an toàn cho học sinh đang tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe đạp điện, xe máy có dung tích dưới 50 phân khối. Mục đích nhằm góp phần ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn ở lứa tuổi này.
Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hoá phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong trường học. |
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn Phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Việc hướng dẫn kỹ năng chắc chắn sẽ tạo được ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn đối với học sinh đã đủ 16 tuổi trở lên khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy điện và xe máy dưới 50 phân khối theo qui định của pháp luật".
Việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trật tự giao thông, tuân thủ nghiêm quy định của Luật Giao thông cho học sinh ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường là hành trang bảo vệ an toàn cho chính bản thân các em và góp phần xây dựng văn hóa giao thông, phòng ngừa tai nạn.