Thanh Hóa: Dân đối mặt với bệnh tật, đói khát

Thanh Hóa: Dân đối mặt với bệnh tật, đói khát
TP - Hôm qua (8/10), nước sông Bưởi đang rút rất chậm, nắng nóng hơn 30 độ C, mùi hôi tanh của xác động vật, nước bẩn bốc lên. Hàng nghìn hộ gia đình ở Thanh Hóa vẫn đang sinh sống trên các vùng đồi, đê, mô đất cao sau nhiều ngày tránh lũ dữ.

Trong những ngày qua, nước lũ cũng làm cho người chết không có nơi yên nghỉ. Tại xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc), ngày 7/10 xác anh Nguyễn Văn Tiến mới tìm thấy giữa cánh đồng Bái Yển (sau 3 ngày mất tích) và bà Nguyễn Thị Quyến (45 tuổi) ở thôn 9, thì bị chết khi đang tránh lũ trên gác mái nhà, đã được thuyền cứu hộ đưa lên đồi Còng để chôn cất.

Đám ma trong nước lũ ai oán, tang thương đầy nước mắt. Người chết vất vả đến lúc xuống mồ, người còn sống thì đang bị đe dọa bởi dịch bệnh sau lũ, đói khát và nợ nần.

Trên quả đồi Quán Hạt, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, ngồi đun ấm nước nấu mì tôm cho bữa trưa, anh Phạm Văn Thành cho biết: Cứ nhìn chân, tay tôi là mọi người có thể biết nước bẩn đã ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người dân đang tránh lũ. Nhiều người đã bị ngứa, nổi nốt sần suốt mấy ngày qua…

Vác trên vai hơn 20 lít nước sạch xin ở trên đồi, anh Hoàng Văn Vẻ (42 tuổi) ở thôn Tân Phúc, xã Vĩnh Phúc vừa đi vừa hổn hển nói: “Gia đình tôi vẫn tránh lũ ở gác trên nhà, mấy hôm nước to nên phải sử dụng nước bẩn, uống vào là bị đau bụng đi ngoài ngay.

Mấy đứa nhỏ bị tiêu chảy mấy hôm nay rồi. Hôm nay, nước lũ đã rút bớt, tôi lên đồi xin nước sạch rồi bơi qua ruộng ngập nước này, mang về nhà dùng cho an toàn”. Ngoài các bệnh ngoài da, một số loại bệnh như đường ruột, cảm sốt đã xuất hiện ở những người dân trong vùng lũ.

Bữa cơm ngày mai chưa kịp lo xong, người nông dân lại nặng lo những gánh nợ nần, bởi số vốn vay để xoá đói, giảm nghèo của nhiều người đã bị mất trắng.

Ngồi trong lều tạm của gia đình trên đồi Quán Hạt, mặc cho vợ mình than thở rau xanh, mì tôm ngoài chợ đều tăng giá, ông Nguyễn Văn Nghĩa (49 tuổi) ở thôn Cổ Đệp, xã Vĩnh Phúc ngồi bần thần, lo lắng ca cẩm với chúng tôi: “Gia đình tôi còn 5/8 sào lúa chưa thu hoạch được đã bị ngập nước 1 tuần nay rồi.

Vốn liếng của gia đình đổ hết vào ao cá chép, cá mè. Lứa cá nuôi gần đến thời điểm thu hoạch để bán, vậy mà nước lũ đã cuốn trôi sạch. Tháng 11/2007, là đến kỳ hạn trả nợ 5 triệu đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội, mà trong tay chẳng còn đồng nào nữa”.

Không biết, những người dân tránh lũ ở đồi Quán Hạt đến bao giờ mới được về nhà. Phần nhiều, họ vẫn không hay biết ngôi nhà thân yêu của mình còn hay đã bị trôi, sập trong lũ dữ?

Nợ nần làm sao trả?

Chúng tôi quyết định vào thăm làng Bưởi, xã Vĩnh Hưng trên chiếc xuồng nhỏ của bà Lê Thị Thông (49 tuổi) vừa đi xin nước sạch trên đồi về. Toàn làng Bưởi hiện vẫn còn biệt lập với bên ngoài khoảng 3 km đi trên mặt nước.

Bà Thông bùi ngùi kể lại trong nước mắt lưng tròng: “Tháng 2/2006, gia đình tôi vay Ngân hàng chính sách xã hội 10 triệu đồng để đầu tư vào 500m2 diện tích ao cá, chăn nuôi lợn, bò. Chưa kịp bán lứa cá, lợn nào thì nước lũ đã cuốn trôi mất sạch.

Được biết, trong những ngày qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hoá đã nhận được hơn 600 triệu đồng và hàng chục tấn mì tôm, lương khô, bánh mì cấp cho đồng bào vùng lũ các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thiệu Hoá…

Ngay trong chiều 8/10, Tổng Cty cổ phần Mai Linh phía Bắc đã trao cho UBND tỉnh Thanh Hóa 200 triệu đồng để ủng hộ đồng bào vùng lũ.

Nhiều người dân làng Bưởi cũng vậy, họ vay vốn xoá đói giảm nghèo đầu tư vào nuôi, trồng, rồi bây giờ mất trắng. Như gia đình anh Lưu Văn Dương bị mất cả 3 con trâu to. Cả làng đều chung cảnh ngộ, biết than thở với ai? Khốn khổ lắm chị ạ.

Mấy tháng trước mắt, gạo ăn không có, sách vở cho đám trẻ con cũng không lo được, thật khốn khó vô ngần”.

Trên đồi Mang Mang, đồi Còng ở xã Vĩnh Hưng, những người dân đi tránh lũ vẫn góp chung nhau gói mì tôm được cấp để nấu ăn cùng với tinh thần tương thân, tương ái. Tình làng nghĩa xóm lúc khó khăn, vất vả mới ấm áp làm sao.

Những con trâu, con bò còn sót lại của làng cũng được cột một chỗ để ăn chung những mớ rơm, rạ. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Ninh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ y, bác sĩ đến từng vùng hướng dẫn người dân phòng các loại dịch bệnh, thu gom phế rác thải, hướng dẫn và phát hoá chất xử lý nước sinh hoạt.

Tiến hành khám bệnh và cấp miễn phí một số loại thuốc ngoài da, đau mắt, đường ruột cho nhân dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tiến hành phun hoá chất phòng dịch bệnh ở các xã. Hiện nay, huyện đã và đang tiến hành công tác cứu trợ sau lũ cho đồng bào các vùng khó khăn, để nhân dân không bị mất bữa.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng cứu trợ vẫn không đủ cho người dân như thuốc chữa bệnh ngoài da. Một số xã như Vĩnh Khang, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hòa… vẫn bị cô lập trong nước lũ, nên đồng bào đang bị thiếu lương thực và nước sạch trầm trọng.

Trước mắt, chúng tôi tiếp tục đi kiểm tra tình hình của nhân dân trong vùng lũ và nhân dân đã trở về nhà để có kế hoạch cứu trợ cụ thể. Về lâu dài, huyện sẽ có kế hoạch làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội để giãn nợ, khoanh nợ đối với các hộ nông dân vay vốn xoá đói, giảm nghèo bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ này”.

Lũ dữ qua rồi, nhưng không biết đến bao giờ gần 50.000 học sinh các cấp ở các vùng ngập lũ nặng của Thanh Hoá mới được trở lại mái trường thân yêu để tiếp tục học tập?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.