Thanh Hóa cấm biển, đóng cửa sân bay ứng phó với bão số 7

Thanh Hóa cấm biển, đóng cửa sân bay ứng phó với bão số 7
TPO - Tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu cấm biển cho đến khi bão số 7 suy yếu và tan dần, toàn bộ các lực lượng, cơ quan, chính quyền địa phương đã sẵn sàng để ứng phó trước khi bão số 7 đổ bộ.

Theo ghi nhận, trong sáng nay 14/10, do ảnh hưởng của bão số 7, tại các huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa đã có gió to, sóng biển mạnh, mưa lớn, nước ở sông hồ một số địa phương dâng cao.

Các địa phương này đã thực hiện nghiêm việc cấm biển. Ngư dân đã cho tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, người dân đã chằng chống nhà cửa trước khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền.

Bão số 7 gây mưa to, gió lớn trên diện rộng tại các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều căn nhà được dựng tạm của người dân ven biển bị gió thổi bay mái, đổ nghiêng ngả.

Tại thành phố Sầm Sơn, các tàu thuyền công suất lớn được đưa vào Lạch Hới neo đậu, còn những chiếc thuyền hay bè mảng nhỏ thì người dân đẩy lên bờ, cách xa mép nước. Hàng trăm chiếc thuyền và bè mảng cùng ngư lưới cụ đã được ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) đưa lên bờ và đường Hồ Xuân Hương trước khi bão đổ bộ.

Thanh Hóa cấm biển, đóng cửa sân bay ứng phó với bão số 7 ảnh 1 Sóng lớn tại biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Ngư dân Viên Đình Lâm, khu phố Thành Thắng, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn cho biết: "Được nghe thông tin kêu gọi của chính quyền địa phương, ngư dân chúng tôi không chủ quan và chấp hành ngay. Hiện tàu của tôi đã vào âu thuyền tránh bão an toàn, tôi cùng thuyền viên trên tàu đang tiến hành chằng dây cố định tàu, tránh va đập, bao bọc ngư lưới cụ".

Thanh Hóa cấm biển, đóng cửa sân bay ứng phó với bão số 7 ảnh 2 Mưa lớn làm mực nước sông hồ dâng cao (trong ảnh: nước dâng tràn qua đường đi cạnh hồ tại thôn Đà Sơn, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung).

Còn tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), đến trưa 14/10 tất cả các tàu bè đã neo đậu an toàn. Nhà cửa được người dân chằng chống cẩn thận trước khi bão đổ bộ.

Tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu cấm biển từ 19h tối qua (ngày 13/10) cho đến khi bão số 7 suy yếu và tan dần. Đặc biệt tỉnh chỉ đạo các địa phương không được để người dân ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc các huyện ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển. Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ đạo đóng cửa sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) từ 12 giờ đến hết 21 giờ ngày 14/10.

Thanh Hóa cấm biển, đóng cửa sân bay ứng phó với bão số 7 ảnh 3 Một số người dân tranh thủ dọn củi và ngư lưới cụ trưa 14/10 trước khi bão đổ bộ.
Thanh Hóa cấm biển, đóng cửa sân bay ứng phó với bão số 7 ảnh 4 Nhà hàng, khách sạn khu du lịch Hải Tiến đóng cửa tránh bão

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đến cuối giờ chiều ngày 13/10, toàn tỉnh có 7.211 phương tiện nghề cá với 26.616 lao động. Hiện nay, có 7.194 phương tiện/26.532 lao động đang neo đậu tại bến; còn lại 17 phương tiện/84 lao động đang hoạt động trên vùng biển Thanh Hóa, các phương tiện đều nắm được thông tin, diễn biến của bão số 7 và giữ liên lạc với bờ bình thường.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.