Thành đạt: Lý do trầm cảm mới của phụ nữ phương Tây

TP- Nữ nhà văn Mỹ Allison Pearson gần đây vừa ghi tên mình vào danh sách những người phụ nữ nổi tiếng thừa nhận mắc bệnh trầm cảm. Thoạt nhìn tất cả họ đều viên mãn và hạnh phúc. Vậy thì rắc rối nằm ở đâu?

Trong cuốn sách “Tôi không biết, chị ấy làm việc này thế nào”, Allison Pearson đã mô tả cuộc rượt đuổi cuộc sống lý tưởng. Tiểu thuyết kể về câu chuyện một nữ chủ tịch quỹ tín dụng nguy cơ rủi ro cao. Ngoài giờ làm việc, chị còn phải chăm sóc hai con nhỏ. Cuộc sống của chị đầy ắp nỗi sợ hãi – cho dù gia đình có người giúp việc, ông chồng không chỉ kiếm được khá nhiều tiền, mà còn có tài nấu nướng. Chị chỉnh sửa, để những kẹp bánh mỳ có sẵn thức ăn mua ở siêu thị trông giống sản phẩm của gia đình, trước khi gói cho con mang đi học. Những tình huống mô tả trong sách bị cắt ra nhiều đoạn, mặc dù vậy Pearson vẫn có đông đảo người hâm mộ. Nữ nghệ sĩ Opah Winfrey so sánh cuốn sách như “kinh thánh của người mẹ lao động”.

Allison Pearson, nữ tác giả cuốn sách về người phụ nữ hiện đại thành đạt, bản thân trở thành nạn nhân lối sống do chính mình quảng bá.

Ngoài đời Pearson rất giống nhân vật chính tác phẩm của mình. Chị là nhà báo giỏi, là chủ nhân của vài ba giải thưởng quốc gia, chồng Pearson – nhà văn Anthony Lane thường xuyên có bài trên tuần báo “The New Yorker”, hai người cũng nuôi dưỡng hai con nhỏ. Cho đến cách đây không lâu, ai cũng nghĩ, tiểu sử của chị là chuyện thần thoại, thế nhưng đến cuối tháng Tư vừa rồi sự thật mới vỡ lở. Trên nhật báo “The Daily Mail” - ấn phẩm đã nhiều năm chị giữ một chuyên mục, Pearson tuyên bố, chị buộc phải ngừng viết, vì mắc bệnh trầm cảm. Chị mô tả bản thân như một trong nhiều phụ nữ đang rơi vào ngõ cụt cuộc đời. Là một trong số những bà mẹ đã chờ cùng con cái đến tuổi 30, để sự nghiệp của chúng có thể lấy đà phát triển. Còn giờ đây họ đành phải chấp nhận nghĩa vụ nuôi dưỡng con nhỏ và chăm sóc bố mẹ đã luống tuổi ốm yếu. Nếu thêm vào đó công việc đòi hỏi yâu cầu cao, sẽ không có cách nào tránh khỏi stress và lao lực. “Liệu có phải những phụ nữ này đã phát điên, hay chính xã hội điên loạn? Chúng tôi từng linh cảm rằng, sẽ có ngày bản thân phải trả giá cho thực tế được sở hữu mọi thứ. Song không ai nghĩ, cái giá phải trả lại là sức khỏe tâm lý” – Pearson bộc bạch.

Tác dụng phụ của giải phóng phụ nữ

Trong vài năm qua nhiều phụ nữ nổi tiếng khác, những người bên ngoài vẫn tưởng viên mãn và hạnh phúc, đã công khai thừa nhận thất vọng. Trên trang Internet của mình, nữ nhà văn Ailen Marian Keyes đã mô tả, trầm cảm hủy diệt chị thế nào: “Tôi không thể ăn, ngủ, viết cũng như trò chuyện bình thường với mọi người”. Tháng 10 năm ngoái nữ nhà văn nổi tiếng Susan Morgan đã tự tử vì cùng lý do. Trong bài trả lời phỏng vấn đài BBC tháng Ba năm nay, nữ ngôi sao điện ảnh Emma Thompson thừa nhận đã từng bị trầm cảm vào giữa thập kỷ 90, sau vụ ly hôn với Kenneth Branagh.

Sally Brampton, cựu tổng biên tập tạp chí “Elle” và “Red”, đã viết cuốn sách “Shoot the Damn Dog”, là cuốn nhật ký thoát khỏi trầm cảm. Biên tập viên tuần báo “The Observer” Lorna Martin cũng tường thuật liệu pháp của mình trong cuốn sách “Woman on The Verge of a Nervous Breakdown”. Stephanie Merrit trưởng ban văn hóa tuần báo “The Observer”, đau khổ mô tả trong “The Devil Within”. Nữ nhà văn Mỹ Daphne Merkin đã phản ánh trung thực tinh thần của tất cả tác phẩm đó trong bài tổng kết dài, chân thật được công bố trên “New York Times”: “Trầm cảm là nỗi buồn chảy dưới bề mặt cuộc sống thường nhật. Giống như dòng máu thẩm thấu nhỏ giọt, để cùng vỡ thời gian võ tung thành dòng thác và làm vấy bẩn tất cả”.

Không nên ngạc nhiên với dòng thác những vụ việc trên. Kết quả những nghiên cứu tiến hành trong vài chục năm qua đều rút ra kết luận: tỷ lệ phụ nữ ngã bệnh trầm cảm hai lần cao hơn nam giới. Một trong số đó chứng minh rằng, tỷ lệ này duy trì tại 10 quốc gia và không phụ thuộc vào nền văn hóa hay khía cạnh kinh tế. Tuy nhiên Merrit cho rằng, trong thực tế mức độ chênh lệch có thể nhỏ hơn: “Việc lạm dụng rượu và ma túy trong nam giới có thể là dấu hiệu của trầm cảm. Tuy nhiên bản thân họ không thú nhận sự thật hoặc thậm chí không hề ý thức được, có chuyện gì đó bất ổn”.

Không có gì nghi ngờ, khi khẳng định, trầm cảm là vấn đề nghiêm trọng của phụ nữ. Có tới 11,2% tổng số phụ nữ rơi vào tình trang trầm cảm vào thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tệ hơn, tình hình có xu hướng ngày càng xấu. Kết quả điều tra của Bô Y tế Vương quốc Anh tiến hành năm 2009 cho thấy: trong những năm 1993-2007 số phụ nữ lứa tuổi 45-64 bị trầm cảm tăng 20%. Trong số dân cư trên 75 tuổi, tỷ lệ phụ nữ trầm cảm hai lần cao hơn nam giới. Trong nghiên cứu khác thực hiện với nhóm tuổi 15 tại Scotlen, thấy rõ tỷ lệ mắc trầm cảm trong các bé gái tăng từ 19 - 44% vào thời kỳ 1987 – 2006 (trong các bé trai tỷ lệ này chỉ xấp xỉ 21% vào năm 2006). Hai nhà khoa học Mỹ, GS Betsey Stevenson và GS Justin Wolfers soạn thảo bản tường trình nhan đề “Sự phi lý phụ nữ bất hạnh” trong đó đã nhấn mạnh: “Trong khi theo những tiêu chuẩn khách quan, chất lượng cuộc sống của phụ nữ Mỹ trong 35 năm qua đã cải thiện đáng kể, đánh giá chủ quan của họ - theo những nghiên cứu của chúng tôi, lại suy giảm thảm hại”.

Nhiều nhà khoa học lập luận rằng, những nghiên cứu trên chứng minh: phong trào giải phóng phụ nữ giai đoạn hai không mang lại lợi ích cho phụ nữ - trái lại, còn hủy diệt họ. Phụ nữ không nên theo đuổi sự nghiệp công danh, lẽ ra họ cần quay về với chức năng nội trợ và nuôi dưỡng con cái truyền thống. Thế nhưng rắc rối lại náu mình ở chỗ: cuộc sống trong bốn bức tường cũng gây trầm cảm. Có thể đọc được điều đó qua tự truyện “Giấy dán tường bằng vàng” của thần tượng Charlotte Perkins hay “ Bí ấn đàn bà” của Betty Friedan hoặc qua bộ phim “Những người vợ vùng Stepford”. Chắc chắn tất cả phụ nữ đã sống ở Mỹ những năm 50 thế kỷ trước đều nhất trí với kết luận trên.

Bên trong bốn bức tường

Trầm cảm có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân: ly hôn, bị mồ côi, chấn thương tinh thần từ tuổi ấu thơ. Từ ngàn xưa tất cả những vấn đề đó đã gắn liền với con người. Vậy thì cái gì đứng đằng sau sự gia tăng đột biến phụ nữ trầm cảm?

- Trong những năm 80 người ta dạy chúng tôi rằng, các rối loạn hoóc-môn là nguyên nhân trầm cảm. Thế nhưng không có chứng cứ nào xác nhận giả thiết như vậy. Trong thời gian đó chúng ta từng chứng kiến suy thoái kinh tế trầm trọng. Hàng ngàn nam giới bị mất việc làm. Những người vợ của họ buộc phải kiếm tiền bằng chân nhân viên bán hàng và nữ thư ký, còn nam giới trông nom nhà cửa và nuôi dạy con cái. Bỗng chốc xuất hiện vô số trường hợp nam giới trầm cảm. Điều đó thật đơn giản. Một khi ngồi trong bốn bức tường và mọi người nhìn bạn bằng nửa con mắt, bạn sẽ rơi vào trầm cảm – GS Dorothy Rowe, nữ chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực trầm cảm giải thích. Nhà khoa học cũng cho sức ép xã hội là nguyên nhân của trầm cảm. – Phụ nữ thời nay cùng lúc phải thỏa mãn ba nhóm đòi hỏi rất khó hoàn thành: là người mẹ mẫu mực; thành đạt trong nghề nghiệp và người vợ xinh đẹp hết lòng vì chồng.

Những người tiên phong thất vọng

Lorna Martin tự cho mình là một trong những người như vậy. Bản thân chị đã từng trải nghiệm trầm cảm, thời ba mươi tuổi. Chị đã uống thuốc chống trầm cảm và thực hiện quá trình chữa trị dài ngày. “Sức ép của môi trường cực lớn. Bạn phải kiếm được nhiều tiền và phải hoàn thành mỹ mãn trách nhiệm. Là người mẹ lý tưởng, quan tâm hình thức của mình và còn phải tìm ra thời gian, để nghỉ ngơi. Dù sớm hay muộn, cuối cùng bạn sẽ hụt hơi, không thể dậy sớm đi làm” – Martin nhấn mạnh và đặt tiếp giả thiết, chính xã hội tiêu thụ hiện đại là thủ phạm dẫn đến mọi tai họa phụ nữ. “Lúc nào chúng ta cũng phải phụng sự cái gì đó, chinh phục những danh hiệu và nhiệm vụ tiếp theo. Ngoài ra họ còn thuyết phục phụ nữ rằng, buồn phiền là chuyện tự nhiên, rằng cần thiết chữa trị biểu hiện yếu đuối hoặc mất tập trung tâm lý. Sự thật không phải như vậy, buồn phiền là thành phần nội tại cuộc sống của phụ nữ. Là một trong những tình cảm khó chịu có thể xuất hiện trong mỗi cá thể. Ai cũng có thể là nạn nhân, giống như cảm giác mất mát, triển vọng cái chết không thể né tránh hoặc cảm giác sợ hãi. Đẩy buồn phiền ra khỏi cuộc sống thường nhật, sẽ đến lúc chúng ta rơi vào trầm cảm. Lối thoát hợp lý là thuần hóa buồn phiền, học cách sống chung với nó”. Tuy nhiên Marin biết rằng, việc đó không dễ làm. “Nếu như bốn năm trước có ai khuyên tôi, hãy chấp nhận thất vọng, tôi chắc mình đã lao đầu vào toa xe lửa”.

Nữ nhà văn Anh Marghet Drabble cho rằng, phụ nữ hiện đại là một dạng lính tiên phong. Lối sống của họ thay đổi đột biến trong 30 năm qua. Ngày nay đã không ai ngạc nhiên trước hình ảnh nữ doanh nhân có mức thu nhập kỷ lục có vị trí cao trên nấc thang xã hội. Lẽ ra sự thay đổi này phải kéo theo không ít biến đổi khác, kể cả lối sống nam giới.

Tiếc rằng trước phụ nữ đã mở ra những khả năng trước đây không thể vươn tới, song gần như toàn bộ gánh nặng quản lý nhà cửa vẫn đặt lên vai người phụ nữ. Đó là chưa kể “nghĩa vụ” đáp ứng không ít đòi hỏi phi lý của chủ nghĩa tiêu thụ hiện đại. Allison Pearson đã viết về hiện tượng này trong cuốn sách của mình: “Liệu có phải ngẫu nhiên, khi so với thế hệ đi trước, phụ nữ ngày nay phải dành nhiều thời gian hơn để quản lý gia đình, đồng thời thời gian ở nhà ngắn hơn đáng kể? Hoặc tại sao chăm sóc con cái được coi là nghĩa vụ của người mẹ, trong khi vẫn phải có nhiệm vụ kiếm tiền cho gia đình?”.

ảnh 1- Allison Pearson, nữ tác giả cuốn sách về người phụ nữ hiện đại thành đạt, bản thân trở thành nạn nhân lối sống do chính mình quảng bá.

ảnh 2-3-4-5 (từ trên xuống): Nữ tác giả Vương quốc Anh Susan Morgan đã tự sát vì trầm cảm. Nữ nhà văn Marian Keyes thừa nhận đang chiến đấu với trầm cảm.

- Dorothy Rowe, chuyên gia về các vấn đề trầm cảm cho rằng, lỗi của mọi thảm kịch là những đòi hỏi vô lý, mà phụ nữ cố gắng hoàn thành.

- Trong bộ phim “Những người vợ ở Stepford”, cuộc sống lý tưởng của phụ nữ té ra là nỗi kinh hoàng.

Minh Anh (theo Zycie số 24/06)

Theo Đăng lại