Thành công từ những đột phá

Nguyễn Văn Hùng (giữa) giới thiệu công nghệ chế tạo với các chuyên gia.
Nguyễn Văn Hùng (giữa) giới thiệu công nghệ chế tạo với các chuyên gia.
TP - Không có chặng đường khởi nghiệp nào bằng phẳng, thậm chí đôi ba lần vấp ngã, thất bại nhưng bằng nỗ lực phi thường, 2 doanh nhân 8X người đi đầu trong lĩnh vực cơ khí, người làm chủ những lồng cá trên sông Kinh Thầy đã gặt hái thành công, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.

Từ chạy bàn thành ông chủ công ty

Những ngày này, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Giải pháp Công nghệ CNC, Doanh nhân xuất sắc tỉnh Bình Dương năm 2014 Nguyễn Văn Hùng (SN 1981) bay đi bay lại giữa Hà Nội - Sài Gòn như thoi. Đầu tuần còn gặp anh ở Hà Nội trong bộn bề lịch tiếp khách, quản lý vận hành Trung tâm gia công CNC mới đầu tư, cuối tuần đã thấy anh trở lại Bình Dương, trụ sở chính của CNC Tech. Vị giám đốc sinh năm 1981 có khuôn mặt vuông chữ điền chín chắn và tràn đầy nhiệt huyết khởi nghiệp lần đầu tiên “mổ xẻ” những thất bại, cú ngã nhớ đời của mình với báo chí. Hành trình khởi nghiệp của Hùng thật lạ kỳ!

Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc, nhà có 7 anh chị em thuộc diện nghèo, thi đỗ khoa Cơ khí (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhưng quãng đời sinh viên của chàng trai nghèo hầu như không được dành thời gian cho việc học, phải bươn trải kiếm sống. Hùng làm thêm bất cứ nghề gì, từ bơm, vá xe, đến gia sư, chạy bàn quán ăn để có tiền trang trải cuộc sống. Thậm chí, vì mải làm thêm Hùng từng bị “lưu ban” tới 2 năm vì không thi và trả bài theo quy định. Để “chuộc” quãng thời gian mải làm bỏ học, Hùng trở lại trường với điểm số vượt trội, dành nhiều học bổng của khoa, của trường. Năm 2007, Hùng tốt nghiệp và được Cty của Mỹ trong lĩnh vực hàng không mời làm việc ở vị trí thiết kế, gia công sản phẩm cơ khí chất lượng cao.

Không chỉ đột phá về suy nghĩ, CNCTech liên tục có những đột phá về đầu tư công nghệ cũng như chất xám để tiếp tục phát triển, trở thành một trong những Cty dẫn đầu về lĩnh vực cơ khí chính xác của Việt Nam. CNCTech còn liên tục kết hợp với một số trường đại học, cao đẳng khu vực Đông Nam bộ trao học bổng, tìm kiếm tài năng để đáp ứng nhu cầu lớn hơn của Cty trong tương lai.

Chỉ làm thuê 1 năm, máu kinh doanh, muốn khẳng định sức sáng tạo, làm chủ, năm 2008 Hùng vận động bạn bè mở Cty TNHH Giải pháp công nghệ G7 (lúc đó có 7 người cùng góp vốn, sau đổi tên thành Cty Cổ phần Giải pháp Công nghệ CNC (CNCTech) do Hùng làm giám đốc. Lúc đó Nguyễn Văn Hùng 27 tuổi, chỉ có một năm kinh nghiệm làm kỹ sư thiết kế, lập trình gia công cho máy CNC, xuất khẩu chương trình gia công sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài Cty không nhận được hợp đồng nào. Hùng quyết định chuyển Cty từ Hà Nội vào Bình Dương tìm cơ hội mới.

Một khởi đầu mới bằng những chiếc máy CNC thuê trả tiền theo tháng, Hùng cùng các bạn say mê lao vào công việc. Nhiều báo giá được gửi đi, rồi một số đơn hàng giá trị không cao cũng đã đến. Tuy nhiên, dù rất cố gắng, tìm mọi cách để duy trì nhưng doanh thu cũng không đủ để trang trải chi phí hoạt động của Cty. Cùng đó, những điều tồi tệ vẫn đến, hàng hỏng, hàng lỗi vẫn xảy ra. Đã có thời điểm Hùng phải đối diện với số nợ khủng khiếp. Bản thân Hùng cũng hoang mang định buông xuôi, một số thành viên sáng lập khác thì tìm hướng đi mới. Lần thứ hai Cty đối diện phá sản, nợ nần chồng chất.

Thành quả rồi cũng đến khi anh Hùng quyết định thử sức với những đơn hàng khó, khách hàng đã bị các Cty khác từ chối, không ai muốn làm. “Phải biến khó khăn thành cơ hội và không chùn bước trước mọi thách thức, thành công sẽ đến với người luôn nỗ lực”, Hùng tự vấn. Cuối cùng nỗ lực của toàn thể nhân viên trong Cty được ghi nhận, tạo được uy tín với đơn hàng đến từ những khách hàng lớn như Denso, Toyota, Misumi... và các tập đoàn nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật và các nước châu Âu.

Hiện hệ thống CNCTech đã tạo được công ăn việc làm cho gần 300 lao động, có 5 Cty thành viên với doanh thu năm 2016 dự kiến đạt 200 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh thu toàn hệ thống 2.000 tỷ đồng. Để thực hiện được kế hoạch đề ra, Cty đang đầu tư dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ với tổng đầu tư gần 4 triệu USD tại KCN Đồng An II, tỉnh Bình Dương.

Thành công từ những đột phá ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Hồng Vức tại buổi lễ trao giải Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015. Ảnh: Như Ý.

Ra nước ngoài học nuôi cá lồng

Về thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Hồng Vức (SN 1982) ở Nam Sách, Hải Dương, giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư  ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam không khỏi thán phục.

Dù là tỷ phú nhưng chị Vức ăn mặc rất giản dị, cung cách nói cười vẫn giữ nét thôn quê mộc mạc. Ít ai nghĩ rằng lúc khởi nghiệp, chị Vức từng lúng túng không biết chọn nghề gì. “Tốt nghiệp cấp 3, tôi không có nghề nào trong tay, chỉ có cái bằng trung cấp văn thư lưu trữ. Tôi tự thấy với tấm bằng này thì chưa đủ để có thể bươn chải ra ngoài làm gì to tát, nên quyết định gắn bó với mảnh đất quê hương, tận dụng điều kiện thuận lợi sẵn có tại địa phương”, chị Vức tâm sự.

Từ hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, năm 2010, chị bàn bạc cùng với gia đình chuyển sang thành lập mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy. “Nhận thấy sông Kinh Thầy có tiềm năng về nguồn nước phù hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản nên mình đã thuyết phục gia đình mạnh dạn vay vốn thực hiện ước mơ làm giàu trên chính quê hương. Để thành công, mình đã sang Singapore, Malaysia để học kỹ thuật vì họ nuôi trồng thủy sản trên sông rất thành công”, chị Vức kể.

Được UBND xã Nam Tân tạo điều kiện cho nhận khoán diện tích 7.500m2 bãi bồi trên sông, chị cùng gia đình vay vốn đầu tư 5 lồng cá, xây dựng nhà xưởng để chứa thức ăn và trồng cỏ voi nuôi cá. Khoản tiền lãi hằng năm, gia đình chị “nhịn” mua sắm, tiếp tục đầu tư tổng cộng 60 lồng cá. Chị dành thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường để dành 30 lồng nuôi cá lăng, 20 lồng nuôi cá điêu hồng, 10 lồng còn lại được đầu tư nuôi các loại cá đặc sản như  trắm giòn, cá ngạnh.

Nhờ biết vận dụng đúng những kiến thức từ thực tế và áp dụng khoa học kỹ thuật vào các quy trình làm lồng, chăm sóc, chọn giống nên mỗi lồng cá của gia đình đã cho thu hoạch từ 4-5 tấn; trừ chi phí, cho thu lãi từ 15-20 triệu đồng/lồng. Trung bình mỗi năm, gia đình chị Vức thu nhập từ 1 - 1,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 12 công nhân ở địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Chị Vức được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2015.

MỚI - NÓNG