Mà gượm! Của ai? Của lão Thánh chém Peter Pho. Ông bạn buông thõng…
Vậy được! Thì đi.
Chà, thánh chém. Lão Peter Pho, Phó Đức An.
Thời buổi điệp trùng tít tắp hỗn mang trận đồ những trang phây (Facebook). Chừng như hãm bớt cái sự hoa mắt, một ngày đẹp giời, đám bạn đã chỉ cho một phây có tên Peter Pho.
Cái tên là lạ. Chả gây ấn tượng gì. Nhưng bập vào thấy khó dứt!
Bởi đọc lão này, đôi lúc hoang mang. Phải ngó lại số lượng viu (view) những trăm, những ngàn like hiển thị kèm bài thấy phây của lão Peter Pho này níu mắt thiên hạ cũng khơ khớ?
Peter Pho tự nhận mình là “Thánh chém” là “chém theo chiều gió”. Peter Pho, tác giả được ưa thích trên mạng xã hội. Thánh chém âm thầm quyết liệt làm nên gò đống, điểm nhấn cho mặt bằng đọc. Từ mạng ảo tới sách thực. Vậy mà sách bán chạy! Lão đã có 5 cuốn sách do NXB Dân tríin. Bữa ấy, ngày 13/11, Trung tâm cà phê Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng ràn rạt người. Đương xôm tụ việc giới thiệu cuốn thứ 5 có tên Rong chơi một kiếp người.
Xin trích ít dòng về cuốn sách của TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam:
“Văn phong anh mộc mạc, chân tình, như mạch nguồn trào tuôn ra từ ngọn núi mây tuyết nơi thâm sơn cùng cốc, trong lành, không màu mè nhiêu khê, không cố tình chau chuốt đánh bóng nhưng vẫn hiền hòa, lộng lẫy và dễ hiểu. Chính xác là từng tút trên facebook có ma lực khó cưỡng, ám ảnh người đọc, dẫn dụ người đọc, lôi kéo độc giả vào con chữ của mình, tựa như ma thuật.
Viết không cần khoe mẽ, viết ra dòng nào là ở đó có sự tận cùng của những trải nghiệm, của từng bước đi, sờ tận tay, nghe tận tai, cảm tận tim.
Kiểu viết không cần logic bài bản mà bằng con tim. Ngay cả việc thỉnh thoảng chèn vào những từ ngữ nói tục suồng sã thì anh vẫn hồn nhiên buông thả mà không né tránh, tục nhưng lại vẫn thanh, làm hoan hỉ cả thế gian bạn đọc vì sự chân thật, vì tấm lòng ấm áp chân tình...". (Hết trích).
Hình như lão Peter Pho này đã chọn đã nêu được câu của tiền nhân trong “Luận ngữ” - Du ư nghệ (chơi trong cái nghề của mình). Chơi được, vui được trong cái nghề của mình?
Lẩn mẩn nghĩ, đó là một triết trí, một phương thức sống khôn ngoan để cân bằng để có ý nghĩa trong đời sống ta bà vốn bất trắc vô thường? Có được lối sống và kiểu sống như vậy cũng chả phải nhiều người? Hình như chả phải tất bật vất vả chọn lựa tranh đua này khác mà là cái số, cái duyên?
Thường một lộ trình một lập trình một kế hoạch tất tả. Người ta phân kỳ giai đoạn này, mình phải làm ngần này việc, kiếm cho được ngần này rồi mới tính đến chuyện nghỉ ngơi. Còn việc chơi đồng nghĩa với thư giãn thì hầu như ít kiếp nhân sinh tính đếm đến. Và đùng cái, nhoáng cái, bóng câu qua cửa. Bệnh tật, tuổi già ập đến. Cái đích chơi, cái sự nghỉ ngơi thoắt thành tít tắp vô vọng?
Đọc hàng trăm bài viết trên Fb của Peter Pho, với phương châm Du ư nghệ, lão đã kịp tiêu dao, tiêu sái đồng hành cái sự chơi từ thuở bắt đầu kiếm sống hằng sống của lão. Sự chơi ấy như một thứ cân bằng làm nên chất lượng sống song hành với việc kiếm sống hằng sống của lão? Vậy nên lão thống kê bao việc đã làm đã can dự để kiếm sống và kiếm tiền nào có thấy cái hơi hướng rên rẩm kể khổ kể nhục đâu? Có vô số thứ công việc nhuốm đẫm mồ hôi cùng nước mắt cùng tai ương, nhưng lão đã biết giảm tải và vượt thoát bằng cái cười thản nhiên ngạo nghễ. Và bằng cả trí lự của Dịch biến coi sự vui sống là thứ lãi lời cao nhất!
Peter Pho trong buổi ra mắt sách Ảnh XB |
Tài sản qua bao năm làm lụng ở xứ người của nhà đầu tư Phó Đức An chẳng rõ là bao nhiêu? Nhưng tôi đồ rằng thứ giàu có của lão là chồng hộ chiếu với những nhan nhản các lần xuất nhập cảnh khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ. Chồng hộ chiếu ấy là thứ chứng chỉ là thứ tiêu chí đo lường tài sản, tiền bạc và cái sự chơi khoát hoạt thong dong của lão? Nó cũng bầu lên một Thánh chém Peter Pho quá lục tuần mà vóc dạc quá ư là phong độ ngon nghẻ. Những lần gặp vội mà bao giờ tôi cũng thoáng thấy ánh mắt đằm thắm của Thúy Hoàn quấn quýt bên lão, người vợ trẻ xinh gắn bó hơn 15 năm nay mà lão luôn gọi là ca nương rồi xưng tụng là cô Tấm.
Phải là hiểu nhau cảm nhau đến độ thế nào để một bận lão đùa nhả trên phây rằng cô Tấm là tuyệt vời từ tính cách đến… thân thể. Và trời ạ, lão lấp lửng cũng trên cõi mạng rằng sẽ có một dịp lão thuyết phục được cô Tấm cho đám bạn bè thân thích thưởng lãm như tiết mục áo tắm của cuộc thi hoa hậu!
Có một tiết mục buổi ra mắt sách là lão Peter Pho viết thư pháp rồi đấu giá để lấy tiền tặng trẻ vùng cao. Nhà văn kiêm họa sĩ Trần Thị Trường cứ rên lên rằng đánh nhoáng cái không đến 5 phút mà lão hoàn tất hai bức thư pháp qua đấu giá được trên 60 triệu. Cánh họa sĩ chúng tôi ngồi toét mắt gù lưng hàng buổi, nếu may mắn bán được tranh cũng chỉ được góc nhỏ trong số đó.
Chuỗi cười dài rộ lên chắc cũng để đồng cảm sẻ chia thứ lao động đặc thù của thư pháp. Lão Peter Pho đây chắc đã từ hồi trẻ khổ công rèn từng nét bút đậm nhạt. Có đến hàng vạn những nét đã phải bỏ phải hủy. Buổi lại buổi ngày lại ngày. Cứ là phải cần mẫn kiên trì tích tụ như thế để bây giờ rút từ nội lực từ gan ruột cứ như là chơi là đùa để có thứ rồng bay phượng múa như này?
Peter Pho, gọi lão là gì nhỉ? Nhà văn, nhà báo, nhà du ký, học giả? Cũng được! Cũng trúng. Nhưng có lẽ tạm gọi lão là một tay chơi, tay chơi phây có số má?
Lão tên thật là Phó Đức An, sinh ra ở Hà Nội, sang Mỹ năm 1979, lăn lộn bôn ba đủ nghề ở nước ngoài, bắt đầu bằng công việc làm thuê, dần dần xây dựng cho mình sự nghiệp kinh doanh riêng. Hiện, lão là một nhà đầu tư tại Mỹ và Hong Kong, đồng thời là một cây bút viết bình luận quốc tế và tạp văn.
***
Họ Phó ở xứ mình có nguồn từ bên Triết Giang Trung Quốc. Họ Phó có mặt ở Việt Nam từ đời Lê sơ. Dường như tất cả những vị họ Phó ở miền Bắc đều có cái gốc từ làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Một số chi của họ Phó đã dạt lên Hà Nội kinh doanh ngành thuốc Bắc. Họ đã mua nhà, mở hiệu ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) và phố Hàng Cân ở bên cạnh.
Tôi không tường lắm Phó Đức An có hân hạnh pha trộn ba dòng máu Việt - Trung - Hoa Kỳ? Và lão thuộc chi phái nào của họ Phó đất tổ Đa Ngưu? Mà lão có dây mơ rễ má như nào mà gọi nhạc sĩ Phó Đức Phương là bậc anh con đằng ông bác?
Nhưng ngồi với lão đôi lúc cảm được khi đậm khi nhạt khí chất lãng mạn kiêu hùng khi bàng bạc khi nồng nàn trong huyết quản dòng họ Phó này? Như lão bộc bạch về người anh Phó Đức Phương của mình:
Tôi là người duy nhất hiểu Phó Đức Phương rõ nét nhất về con người và nghệ thuật. Nhiều lúc, không dám động đến sự thiêng liêng toả sáng trong tác phẩm của anh, một phần nói ra sợ dùng nhầm từ khiến anh chạnh lòng. Anh cấm tôi dùng những từ như "thiên tài âm nhạc", như "đỉnh cao nghệ thuật", như "thánh thiện", như "nhập hồn"... Bởi anh chỉ muốn mình bình thường, như hơi thở cuộc sống, như cỏ, như cây, như hoa, như nước. Tôi muốn mọi người được uống từng giọt nhạc được vắt ra từ con tim "khùng" hiếm hoi của anh tôi. (Hết trích).
Lại nữa, dứt khoát lão Phó Đức An này thể nào cũng có chút huyết thống với cụ Phó Đức Chính một yếu nhân của Quốc dân Đảng cánh tay mặt của lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Ngoan ngạnh! Bây giờ từ ấy ít dùng nhưng có lẽ phải vận vào tính cách phẩm chất của Phó Đức Chính.
Nhà báo Pháp Louis Roubaud trong cuốn “Vietnam - la tragédie indo-chinoise” (Việt Nam — tấn thảm kịch Đông Dương) đã phải dùng ngữ nghĩa tiếng Pháp Droit et Vertu – ngay thẳng, đạo đức để nói về cái tên Việt Phó Đức Chính.
Thuở 18 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng công chính Đông Dương, Phó Đức Chính thường nói với bạn bè câu châm ngôn về cuộc sống cũng là bộc bạch cái chí cương cường tiết tháo của mình:
“Tố nhân bất khả hữu cao ngạo thái
nhiên bất khả hữu cao ngạo cốt”.
(Làm người không thể có thái độ cao ngạo (với mọi người), tuy nhiên không thể không có cốt cách cao ngạo), (dẫn theo Nguyễn Vinh Phúc trong cuốn Kể thêm về Phó Đức Chính).
Cốt cách ấy nên năm 23 tuổi, trang thanh niên tuấn tú lãnh tụ quốc dân Đảng Phó Đức Chính hiên ngang ra pháp trường. Phó Đức Chính đã đề nghị với viên cố đạo một đặc ân là xin được là người cuối cùng trong số 12 người bị hành hình!
Những người có mặt trên pháp trường Yên Bái buổi ấy chứng kiến hình ảnh Phó Đức Chính khước từ mảnh vải đen bịt mắt. Vậy nên Louis Roubaud đã từng viết Phó Đức Chính đã trải qua 12 lần chết!
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều có nán đến cuối buổi giới thiệu sách. Tôi phải cố vượt thoát cảm giác ma mị khi ông bộc bạch rất hay sự đồng cảm, sẻ chia như thứ đồng bệnh tương lân với lão Peter Pho ra sao… Để mà loáng thoáng lĩnh hội được một thông điệp mà ông Chủ tịch hội đang truyền đi rằng, người viết bây giờ, nhà văn Việt nên học lão Peter Pho này để truyền tải để lây lan và hiệu suất hơn những ý tưởng nhân văn khi sử dụng thứ công cụ như Facebook.