Thăng trầm “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn”

TP - Năm 1906, Bắc Kỳ - thủ phủ của Đông Dương được người Pháp biết đến nhiều qua bài hát nổi tiếng «Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn». Bài hát một thời được nhiều ca sĩ danh tiếng trình diễn trên sân khấu Paris, Marseille và nhiều thành phố lớn. Giờ đây bài hát ít ai biết đến, nhưng nó là dấu vết lịch sử thực dân được nhiều nhà nghiên cứu phê bình quan tâm.
Thăng trầm “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn” ảnh 1

Cô gái Bắc Kỳ đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu.

Cách đây một thế kỷ,  Đông Dương đã trở thành cảm hứng của nhiều nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ Pháp. Xuất xứ của bài hát rất đặc biệt. Bắt nguồn từ nhà thơ đồng thời là nhạc sỹ Georges Lacombe, còn gọi là?Georges Villard, sinh ở Marseille 1879. Marseille là thành phố cảng nổi tiếng nơi nhiều thủy thủ xuất phát từ đây sang các nước thuộc địa của Pháp như Algérie, Maroc, Đông Dương… G. Lacombe lớn lên giữa thời kỳ hoàng kim thuộc địa của Pháp. Năm 1905, ông sáng tác bài thơ «?Người ra khơi »? để kỷ niệm những chuyến tàu của lính hải quân rời cảng Marseilles đi đến các thuộc địa. Lời bài thơ mộc mạc, đơn giản: “Tôi không phải là diễn viên lớn, tôi lang thang trên biển, tôi biết rõ châu Mỹ, cũng như châu Phi, và nhiều nơi khác. Nhiều miền đất vui vẻ, nhưng chính nước Pháp là tôi yêu nhất …”. 

Bài thơ được nhạc sĩ trẻ Vincent Scotto phổ nhạc. Scotto thường sáng tác nhạc riêng cho ca sĩ Polin hát. Scotto đưa cho Polin (tên thật là Paul Marsalés) thử trình diễn. Polin thường hát theo phong cách vui nhộn và khá nổi tiếng trên sân khấu Marseille. Xem xong bài hát, Polin chỉ thích phần nhạc nên đã đề nghị người bạn Henri Christiné viết lời mới. Henri Christiné (1867-1941), sinh ở Thụy Sĩ, lớn lên ở Pháp, là nhạc sỹ sáng tác nhiều bài hát, nhạc kịch và các tiểu phẩm nhỏ như “Tình cười”,  “Tình”…

Thời gian đó, nước Pháp đang say sưa hưng phấn với hương vị ngoại lai xứ nhiệt đới. Christiné đã thay đổi lời bài hát cho hợp thị hiếu đương thời.  Bài hát được đổi tên “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn”. Polin trình diễn bài này đầu tiên ở sân khấu Marseille, được khán giả yêu thích, vỗ tay nồng nhiệt.

Thăng trầm “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn” ảnh 2 Bìa cuốn sách “Cô gái Bắc kỳ nhỏ”.

Để tôn trọng quyền tác giả, lời bài hát được coi như đồng tác giả Villard-Christiné, nhưng bài hát thực sự nổi tiếng và hấp dẫn nhờ lời mới của Christiné.?Mới hay ngay từ đầu thế kỷ 20 người Pháp đã rất tôn trọng quyền tác giả. Christiné đã thay lời diễn tả tâm trạng người lính yêu một cô gái Bắc Kỳ hết thời hạn phải trở về Pháp. Lời bài hát nhiều từ ngữ thô để gây vui nhộn.

“Tôi đi nghĩa vụ qua Bắc Kỳ

Ôi đất nước này đẹp lắm

Thiên đường của những người đàn bà nhỏ nhắn

Những người đàn bà đẹp và thủy chung.

Tôi trở thành tình nhân trên đất nước này

Nàng tên là Mélaoli (ở đây chơi chữ: vừa có nghĩa là nhạc êm dịu, cũng có nghĩa là hãy đặt nàng lên giường)

Tôi đang “xơi” một cô gái nhỏ

Đó là cô bé An… An… An Nam

Cô bé rất sinh động và hấp dẫn

Như con chim hót (chơi chữ : chim còn có nghĩa là cu)

Tôi gọi nàng là tiểu thư

Tiểu thư Bắc Kỳ của tôi (chơi chữ: gọi chó cún)

Nhiều phụ nữ nhìn tôi âu yếm

Nhưng chỉ có nàng là tôi yêu nhất.

Tối ngồi nói chuyện với nhau, biết bao điều,

Trước khi lên giường

Tôi học được địa lý về Trung Quốc và Mãn Châu,

Về biên giới, sông vàng, sông xanh, về tình yêu,

và tò mò về đế chế Tam Giác Vàng (chơi chữ, nói lóng)

Điệp khúc

Thật dễ thương, cô con gái của một vị đại thần nổi tiếng

Vì thế mà giữa ngực có hai quả quít xinh xinh (chơi chữ?: quít cũng là vị đại thần)

Rất ham ăn, Nàng không đòi hỏi

Khi chúng tôi cùng xơi cả hai quả quít và một quả chuối quý

Tôi tặng nàng thoái mái khi nào nàng muốn xơi.

Điệp khúc

Nhưng tất cả đều trôi đi,

Tất cả đều tan vỡ

Tôi phải quay về Pháp

Trái tim tôi buồn rầu

Hồn tôi nặng trĩu

Hoàng hậu bé nhỏ của tôi

Trước khi chia tay, chúng tôi làm tình và tôi nói

Đừng khóc em, khi anh phải xa em

Cô bé An Nam nhỏ nhắn

Em đã trao cho anh cả tuổi trẻ, tình yêu và trìu mến

Cô bé Bắc kỳ của anh

Trong trái tim anh luôn có kỷ niệm của tình yêu chúng ta”*

Nhiều ca sỹ nổi tiếng thời đó như Esther, Lekain, Mensuelle, Pauk Lack, Mistinguell đã trình diễn ở Paris rất đắt khách với bài này. Gần 20 năm sau Joséphine Baker lại nổi tiếng nhờ bài này và cho ra đĩa “Tạp chí đen” rất ăn khách.

Thăng trầm “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn” ảnh 3

Ca sỹ Baker.

Bản nhạc được Joséphine Baker hát và Christiné ghi âm, nhà xuất bản âm nhạc Salabert - Paris 11 rue chauchat, quận 9 phát hành đĩa này. Năm 1906, bài hát được dịch ra tiếng Anh do Fragson biểu diễn dưới cái tên “Nào cạn ly”.  Anna Held cũng mô phỏng bài này thành bài hát tiếng Anh lấy tên “Tuyệt vời khi kết hôn” được Louise Reiner hát một đoạn trong phim “Ziegfeld vĩ đại” (1936). Sau đó, Thesodore Botrel viết lại lời với nội dung mối tình người chinh chiến nhưng vẫn giữ nhạc. Bản nhạc này còn dùng trong phim hoạt hình “Giữa đống việc” của Burton Gillet (do Walt Disney sản xuất).

Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn cũng đã tạo cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Albert Willemets đã dùng lại tên bài hát cho tên nhạc kịch của ông. Năm 1986, nhà văn Suzanne Prou đã lấy tên bài hát này làm tựa đề cho tiểu thuyết (nhưng nội dung tiểu thuyết không liên quan gì đến bài hát).

Bài hát ngày nay đã trở thành một tư liệu, một nhân chứng lịch sử về chế độ thực dân Pháp ở các nước thuộc địa. Lời bài hát được nhiều nhà chính trị, phê bình, nghiên cứu bình luận. Đó là một trong những bài hát của thời thực dân phản ánh mối quan hệ phụ nữ bản xứ với người lính xa xứ ham nhục dục, phụ nữ trở thành gái làng chơi để “những kẻ mang danh đi khai sáng” giải khuây, tiêu khiển. Họ bị diễu cợt qua bản nhạc vui nhộn gây cười tục tĩu. Hương thơm, của lạ hấp dẫn đám đàn ông thực dân, trở thành động lực để họ đi xâm lược. Nhà sử học Alain Ruscio (Pháp) đã nhận xét “Lời bài hát là một bằng chứng ông cha chúng ta đã biến các cô gái bản địa thành nô lệ và đã bỏ họ lại khi xài chán”.

Thăng trầm “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn” ảnh 4

Bản tiếng Anh “Cạn ly” do Fragson hát.

Lời bài hát lộ rõ mặt trái của viễn cảnh “thực dân huy hoàng”. Hầu hết những kẻ đi khai phá đầu tiên là những người đàn ông độc thân thích phiêu lưu nơi xứ lạ, và bị cuốn hút trước vẻ đẹp của những người phụ nữ Đông Dương. Theo Emmanuel Mansutti, những cuộc phiêu lưu trong ái tình kiểu này thường rất phù du, rất hiếm cuộc tình nào đi đến kết thúc bằng một cuộc hôn nhân. Phụ nữ bản xứ chỉ được coi là thổ dân và miễn cưỡng phải chấp nhận những người đàn ông thực dân và những mối tình giả dối để tồn tại.

 

Theo các nhà nghiên cứu, bài hát này phản ánh một thứ tình cảm quái gở của kẻ thực dân, một nhân chứng lịch sử, một bức ảnh sống về văn hóa một thời ở các nước thuộc địa.

* Lời bài hát có đổi một đoạn nếu ca sỹ nam hay nữ hát, và có chút dị bản khác, ở đây tạm dịch qua nam ca sĩ Chevalier trình diễn.


MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.