Tháng lễ hội, coi chừng 'bà Hỏa'

Hiện trường một vụ hoả hoạn tại Hà Nội dịp giáp Tết
Hiện trường một vụ hoả hoạn tại Hà Nội dịp giáp Tết
TP - Theo đánh giá của Phòng cảnh sát PCCC công an TP Hà Nội, nhiều vụ cháy xảy ra vào dịp giáp Tết và trong “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, chủ yếu tại đình chùa và nhà dân. Nguyên nhân chính được xác định là những bất cẩn của người dân khi thắp hương, đốt nến, đèn thờ cúng tổ tiên...

> Khai hội Văn hóa, du lịch

Hiện trường một vụ hoả hoạn tại Hà Nội dịp giáp Tết
Hiện trường một vụ hoả hoạn tại Hà Nội dịp giáp Tết.

Từ nhiều năm nay, cứ sau ngày 23 Tết, các vụ cháy nhà dân có nguyên nhân từ chuyện hương khói, hóa vàng liên tiếp xảy ra. Có vụ hỏa hoạn ngay đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết, dù lực lượng cảnh sát PCCC có nỗ lực đến đâu thì gia chủ cũng phải chịu thiệt hại đáng kể do hỏa hoạn gây ra.

Tập tục của người Việt, vào ngày Tết, trên bàn thờ nhà nào cũng dày đặc đồ lễ gồm tiền âm phủ, vàng mã,... đều là những chất dễ cháy. Tất cả các đồ lễ đều để gần bát hương, đèn nến, nên nguy cơ cháy tại các khu vực thờ tự rất lớn, nhất là ở những gia đình nhà cửa chật chội.

Ngoài ra, việc đốt mã, hóa vàng cũng có thể gây hỏa hoạn. Trong các khu phố cổ, người dân thường đốt vàng mã ngay trên vỉa hè, phía dưới các đường dây điện và xung quanh là hàng hóa, xe cộ. Tại các gia đình biệt lập hoặc khu nhà cao tầng, người dân đốt vàng mã ở ban công, tầng thượng, tàn lửa có thể theo gió bay ra xung quanh và bắt lửa khi có vật dễ cháy.

Tại các đình, đền, chùa, hỏa hoạn cũng luôn rình rập. Mới đây nhất, rạng sáng 27-1, chùa Tảo Sách, 386 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội bị bà Hỏa viếng thăm thiêu rụi toàn bộ gian Tam Bảo có niên đại khoảng 300 năm tuổi. Trong quá trình chữa cháy, 3 chiến sĩ của Phòng cảnh sát PCCC đã bị thương nặng, khi tường của gian Tam Bảo đổ sập.

Trước đó, dịp tết Canh Dần 2010, trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra 2 vụ cháy tại chùa Hoa Quan Tứ (thôn Cầu Thôn, xã Hoàng Mô, huyện Quốc Oai) và chùa Liên Đàn (xã Yên Thường, Gia Lâm). Tại hai ngôi chùa này, nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn được xác định do thắp hương nến và chập điện tại khu vực thờ cúng.

Một nguy cơ gây hỏa hoạn lớn ở các tỉnh phía Bắc thời gian này là việc các thiết bị sưởi ấm bị cháy. Trung tá Ngô Thanh Lâm, Đội Cảnh sát PCCC Ba Đình, Hà Nội cho biết trong đợt rét đậm kéo dài ở miền Bắc, nhiều sự cố cháy xảy ra do bất cẩn của người dân khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm.

Điển hình là vụ cháy nhà 1081 Đê La Thành ngày 13-1. Khi tắm cho cháu nhỏ, gia đình sử dụng lò sưởi điện và người giúp việc sơ suất vắt quần ướt lên lò sưởi gây chập điện, bén cháy xuống sàn gỗ, làm ngôi nhà 2 tầng bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Vụ cháy phòng 416 nhà E tập thể Đền Lừ phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai ngày 18-1 cũng có chuyên nhân chập điện đệm sưởi điện.

Từ các vụ hỏa hoạn do nguyên nhân thờ tự đến sử dụng thiết bị sưởi ấm, cơ quan PCCC khuyến cáo người dân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn sử dụng của các nhà sản xuất thiết bị sưởi điện, thường xuyên kiểm tra ổ cắm, giắc nối vì nếu phần tiếp giáp bị xê dịch hoặc lỏng lẻo dễ gây ra hiện tượng phóng điện làm ổ cắm bị nung nóng cục bộ gây hiện tượng chập cháy.

Đối với việc thờ cúng, cần kiểm tra liên tục, không để các đồ lễ dễ cháy gần nguồn cháy; khi hóa vàng không để tàn lửa bay xung quanh, nên dùng nước tưới vào tro vàng khi cháy hết, đảm bảo không gây hỏa hoạn.

Một ngày xảy ra 3 vụ cháy: 5h14’ ngày 7-2, cháy tại quán cà fê Hoa Sữa, ở 18 đường Lê Quang Đạo, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Thiệt hại ước tính 8 triệu đồng. Nguyên nhân do sự cố điện, gây cháy. 5h23’ ngày 7-2, cháy tại tầng 3 nhà số 213 phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.

Nguyên nhân và thiệt hại đang được làm rõ. 9h57’ ngày 7-2, cháy tại nhà số 216 B3 ngõ 1 khu tập thể Nhà Dầu, Khâm Thiên, quận Đống Đa. Thiệt hại ước tính 10 triệu đồng. Nguyên nhân do thắp hương gây cháy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG