Tháng Ba, những cây bằng lăng tưởng như chết tròng (*) giơ những cành xương xẩu huơ lên trời với những trái khô giống xác tổ bọ ngựa. Chỉ còn ít ngày nữa là những mắt mầm sẽ trỗi dậy phun lá lộc, đỏ hồng rực một vùng.
Tháng Ba, cái rét bỗng dưng tràn về. Câu chuyện cổ tích nàng Bân kể vào thời @, đám trẻ cười chun mũi. Sao dở hơi thế, thiếu gì bếp sưởi, điều hòa hai chiều mà phải độn lắm áo quần cho mệt. Thiếu gì cách bày tỏ tình yêu!
Tháng Ba, thời tiết thất thường như đàn bà đến tuổi nhạt trai. Đầu lúc ấm lúc lạnh hay cáu bẳn. Tháng này dễ sổ mũi cảm cúm viêm phổi, người già thì dễ đột quỵ. Còn nhớ xưa các cụ hay dặn: buổi sáng và nhất là khi xâm xẩm chiều, đưa con ra sân thì nhớ đội mũ thóp. Cái lạnh cái nóng tháng Ba rất vô thường, đừng để ốm bệnh vì những chuyện lãng xẹt đó.
Tháng Ba, những đầm sen cuối cùng được tát vét. Người ta nhặt hết con tôm con tép, dọn sạch lá lẩu khô mục cho mầm sen lên. Những con cá hoảng loạn khi đầm nước bỗng dưng cạn đâu hết. Chúng chưa hiểu nguyên nhân thì đã bị túm gáy vứt vào xảo cho kịp buổi chợ.
Tháng Ba, trên rừng người Khơ Mú mở lễ hội có tên “Kin lẩu ló”, tôn vinh cây măng rừng. Có ai biết chuyện người Khơ Mú kể, đem chân giò hầm với hoa ban để chàng rể cắm cúi ăn, mẹ vợ đi qua không thấy mặt. Chân giò hầm hoa ban ngon quá, không những chàng quên để dành cho mẹ vợ, người đáng tôn trọng nhất trong nhà, mà cách ăn cũng mất nết vì ngon!
Tháng Ba, mùa xôi trứng kiến. Người Tày lên rừng vầu tìm tổ kiến đen. Mùa sinh sản, những tổ kiến đen đầy ắp trứng và nhộng non. Bát xôi trứng kiến béo ngậy, ăn một nhớ mười. Bây giờ rừng vầu ít đi, trâu đàn trên rừng không còn mấy, kiến không có phân trâu khô nguyên liệu xây tổ, có lẽ rồi cũng tuyệt giống dần.
Tháng Ba, còn mùa ban nở, hãy lên Tây Bắc xem hoa ban mở hội! Hãy ngồi với cô gái Thái xem cô hái hoa ban về xào với măng lay, vị thơm chát của hoa thấm xuống từng kẽ răng khiến ăn một lần nhớ mãi. Còn màu trắng của hoa ban rừng làm mát lạnh cả không gian miền Tây. Những cô gái Thái cũng theo sắc hoa ban mà làn da trắng như ban rừng, khiến mùa “áp nặm, áp mó” (**) hút mắt bao kẻ tò mò.
Tháng Ba, hoa bưởi viên mãn. Nhiều vùng quê Bắc, người ta hái bưởi ướp hương làm bánh chay cho ngày tết hàn thực.
Tháng Ba còn là mùa hoa xoan nở tím bản làng. Mùa hoa xoan cũng là mùa sinh sản của bọ chó. Những con chó bị bọ quấy rầy ngứa ngáy kinh người, quẩng lên nhay cắn vu vơ, xoay người như chong chóng. Quê tôi vùng trung du, đất đồi hợp với xoan. Nhà nào cũng trồng xoan ven lối đi. Thanh niên 18 tuổi trồng vườn xoan để mười năm sau lấy vợ có xoan làm nhà. Người miền quê sống chậm ngẫm mà hay, nhớ lại mùa hoa xoan thấy tím sậm cả quá khứ.
Tháng Ba còn tháng Thanh minh, tảo mộ. Đặc biệt người Tày đi đâu thì đi, tết có thể không về nhà nhưng Thanh minh thì không thể vắng mặt. Đó cũng là cái đạo lý sống tận nghĩa tình với người đã khuất mà ai cũng cần học, dù cách làm có khác nhau.
Tháng Ba, người làm nông ngóng cơn mưa rào và chờ nghe tiếng sấm đầu mùa hạ cho lúa bốc lá nhuộm xanh ngợp cánh đồng. Cũng là tháng của từng đàn chim én mỗi sáng sà sóng lúa xanh bắt nhưng con bọ, con chấu non - tội phạm phá mùa màng.
Tháng Ba, còn là mùa cá vật! Ngày bé, sắp vào tháng Ba thấy bố chọn sẵn vài chục con chép giống, những con cá cái nần nẫn bụng căng phồng trứng và mấy con cá đực khỏe mạnh mắt chớp sao sa. Mặt ao thả các búi cỏ để cá đẻ trứng ra có chỗ bám. Khi những trận mưa mát lạnh đầu mùa khiến đàn cá hứng tình phát dục, chúng đuổi nhau như đám trẻ con say trò trốn tìm. Từng đôi một, chúng rạch rạch xé nước say mê trong ngày hội tình. Chỉ tháng Ba thôi, vào những ngày nồm nam thổi lây phây, những con chép yêu nhau mãnh liệt vật đẻ đến quả trứng cuối cùng. Sau đó lại trở về cuộc sống bình thường. Khác với con người! Người yêu quanh năm nhưng cá yêu có mùa…
Đất nước ta, tháng Ba còn là tháng của những ngày giỗ trận! Ngày giỗ những tráng sĩ trận vong nơi biên giới phía Bắc cùng những vong linh bị giặc tàn sát dọc sáu tỉnh vùng biên.
Tháng Ba, thật lắm niềm vui và nhiều nỗi nhớ.
......................
(*) chết tròng: là cây chết đứng. Lá rụng hết, cây không vẫn đứng nguyên.
(**) áp nặm áp mó: tắm tiên, thói quen tắm suối ở trần của chị em người Thái.