Tháng 2 năm 1979 trong ký ức một cựu binh

TPO - Khép lại quá khứ để hướng tới tương lai, chúng ta không tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm ngày 17/2, nhưng các hoạt động hội thảo, viết bài kỷ niệm, lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ... nên được tổ chức thường xuyên, cuộc chiến hào hùng và đau thương đó cần được đưa vào sách giáo khoa lịch sử.

Khi chiến tranh biên giới tháng 2/1979 nổ ra thì chúng tôi đang là sinh viên năm cuối của khoa Trung, Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Những bài ca như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”… thôi thúc cánh sinh viên chúng tôi tình nguyện lên đường đi chiến đấu.

Ngày ngày chúng tôi náo nức chờ thông tin từ mặt trận truyền về, háo hức chờ đợi được lên đường ra mặt trận để tham gia chiến đấu chống quân xâm lược... Chúng tôi lên Khoa, lên Trường để đề đạt nguyện vọng, nhưng đều được trả lời: “Cứ yên tâm học và chờ đợi, khi nào tổ chức yêu cầu thì sẽ xem xét”.

Chiến tranh biên giới kết thúc sau hơn 1 tháng sục sôi. Nhưng vẫn còn đâu đó thông tin về một cuộc chiến tranh tổng lực lại sắp nổ ra, về những đoàn cán bộ quân đội vào trường tuyển quân, về những đợt tái ngũ, trở lại phục vụ quân đội. Và nguyện vọng của chúng tôi cũng được xem xét! Một đoàn cán bộ của Cục Nghiên cứu, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nghiên cứu hồ sơ và gọi nhập ngũ 15 sinh viên theo tiêu chuẩn “học giỏi, lý lịch tốt”.

Chúng tôi nhập ngũ, sau ba tháng huấn luyện, được phong hàm sĩ quan và đúng như ý nguyện, sử dụng tiếng Trung vào việc phục vụ chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu.

Tháng 2 năm 1979 trong ký ức một cựu binh ảnh 1

Ảnh được chụp trên chốt H2 thuộc khu vực Bốn Hầm, Vị Xuyên vào sáng sớm ngày 1/8/1987 ở ngay cửa Hầm tai mèo giữa "Lò vôi thế kỷ". Những đồng đội chụp cùng tác giả là các chiến sĩ thuộc sư đoàn 356 đang phòng ngự khu vực này. 

Đối mặt với chúng tôi lúc đó không phải là những tên lính hung hăng, tàn bạo trên chiến trường, mà là những gương mặt thất thần, bạc nhược bị bắt làm tù binh khi họ âm mưu xâm nhập biên giới, hoạt động phá hoại, trinh sát...

Họ thuộc lòng và ra sức biện bạch cho hành động tội ác gây chiến tranh xâm lược, phá hoại những công trình công cộng, nhà dân ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.

Đối diện với nhóm người này luôn đòi hỏi những màn đấu trí căng thẳng. Tuy nhiên, họ thường cúi đầu mỗi khi bị hỏi: Trung Quốc lấy tư cách gì mà đòi trừng phạt nước khác? Các anh xưng danh “quân giải phóng nhân dân” sao lại giết hại dân thường? Các anh nói kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi, sao lại đặt mìn phá hoại di tích hang Pac Bó?

“Đối mặt chúng tôi lúc đó không phải là những tên lính hung hăng, tàn bạo trên chiến trường, mà là những gương mặt thất thần, bạc nhược bị bắt làm tù binh khi đang hoạt động xâm nhập ám sát, phá hoại, trinh sát...”

Rồi cuộc chiến tranh lấn chiếm biên giới nổ ra, đầu tiên là ở Yên Minh, Mèo Vạc, sau lan ra Bình Độ 400 (Lộc Bình, Lạng Sơn) và đỉnh điểm là cuộc chiến đẫm máu, dai dẳng kéo dài suốt từ tháng 4/1984 đến tận cuối năm 1989 ở các cụm cao điểm 1509, 772...  ở Vị Xuyên (Trung Quốc gọi là “Lão Sơn”), cụm cao điểm 1250 ở Yên Minh (Trung Quốc gọi là “Giả Âm Sơn”).

Chúng tôi lao vào cuộc chiến mới, làm đủ mọi công việc từ thu thập tin tức, làm và rải truyền đơn, nhập mạng thông tin để tuyên truyền vận động địch, viết và phát loa địch vận... đến quản lý, khai thác tù binh phục vụ chiến đấu và đấu tranh ngoại giao.

Tháng 2 năm 1979 trong ký ức một cựu binh ảnh 2

Trung Quốc chụp khu vực cao điểm 685, một phần trong khu vực được gọi là “Lò vôi thế kỷ”.

Chúng tôi nhiều lần lăn lộn cùng anh em ở chiến hào, hứng chịu mưa đạn pháo của địch, cùng nằm trong các “hầm tai mèo” chất bằng rọ đan bằng lưới sắt đựng đá hộc ở khu Bốn Hầm – “Lò vôi thế kỷ”, suốt đêm thức cùng lính, kể chuyện tiếu lâm, uống rượu tự cất từ cơm thừa bằng... mặt nạ phòng độc và nếm trải cảnh bị chuột gặm chân, ngửi mùi xác lính địch bỏ lại trước trận địa phòng ngự, rơi nước mắt khi vận chuyển thi hài đồng đội về phía sau trên xe tải, thét lên vui sướng khi nắm và thông báo những thông tin được báo chí đối phương tiết lộ về những thiệt hại trong những trận đánh từ sau tháng 8/1985.

Có những chuyện, những việc làm không thể nói ra, nhưng chúng tôi tự hào vì mình đã góp một phần công sức, máu, mồ hôi và nước mắt vào cuộc chiến đấu hào hùng những năm tháng biên giới ấy.

Chiến tranh đã qua đi, nhiều anh em trong chúng tôi lại góp công sức vào việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, khôi phục tình hữu nghị. Nhưng, lịch sử là lịch sử, lịch sử không cho phép chúng tôi quên đi một cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc đầy hào hùng ấy.

Để tiến hành cuộc chiến tranh 17/2/1979, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng khổng lồ gồm những quân đoàn chủ lực tinh nhuệ, được coi là thiện chiến nhất khi đó. Theo thông tin chính thức trên báo chí Trung Quốc thì việc tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” được Trung Quốc quyết định tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 7/12/1978 và mệnh lệnh được ban hành vào ngày 8/12.

Cánh quân phía Quảng Tây do Hứa Thế Hữu chỉ huy gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149); cánh phía Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy gồm các quân đoàn 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 và lực lượng biên phòng, dân binh với tổng số quân hơn 500.000, số tràn qua biên giới là 202.000.

Theo số liệu của báo chí Trung Quốc, Chiến tranh tháng 2/1979 chỉ kéo dài 1 tháng (từ ngày 17/2 đến 16/3/1979), nhưng tổng cộng họ đã tiêu hao 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn, 268 xe quân sự (48 xe tăng) bị phá hủy, hư hỏng; bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bị bắt làm tù binh 238, bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến. 

MỚI - NÓNG