‘Thần y’ xứ Thái và bài thuốc gia truyền chữa bỏng kỳ diệu
> Nam sinh chữa bệnh bằng ...vả mồm, rút lưỡi
> Nữ sinh lớp 11 hóa ...'thánh cô' chữa bách bệnh?
Chỉ với một loại lá cây mọc dại trong rừng, gần 100 năm qua, gia đình ông Lữ Văn Thính đã giành lại mạng sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị tai nạn bỏng.
Từ lâu, người dân nơi miền sơn cước này vẫn yêu kính gọi ông bằng cái tên trìu mến “thần y” xứ Thái. Bởi ông luôn mang tâm cứu chữa cho người bệnh với tấm lòng thiện nguyện “làm phúc cứu người” chứ không màng đến danh lợi bản thân.
Cứu hàng nghìn ca bỏng từ lá cây rừng
Trong chuyến công tác về tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tình cờ được làm quen với một người đàn ông từ thành phố lặn lội quãng đường hàng trăm km lên miền núi xa xôi thăm lại ân nhân cứu mạng trong một tai nạn bỏng rất nặng cách đây vài tháng. Ông rút tấm danh thiếp trong tập dày cộm đưa cho phóng viên, nhã nhặn giới thiệu rằng những tấm danh thiếp này, ông làm tặng ân nhân là ông Lữ Văn Thính, người được mệnh danh là “thần y”, truyền nhân nắm giữ bài thuốc gia truyền chữa bỏng hiệu nghiệm. Chỉ bằng một loại lá cây rừng, ông Thính đã cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân bỏng. Thậm chí ông còn đón người bệnh đến nhà tận tâm chữa trị mà không lấy một đồng tiền công nào.
“Thần y” Thính đang chia sẻ về bài thuốc gia truyền. Ảnh: T.G. |
Tò mò lần theo địa chỉ ghi trên danh thiếp, chúng tôi có mặt tại bản Đá (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) khi trời đã ngả chiều. Trong khuôn viên ngôi nhà sàn nhỏ nằm sát vách núi, ông Thính dáng người thấp nhỏ đang ngồi ngồi thu nốt mẻ lá thuốc phơi ngoài sân. Biết phóng viên đến hỏi thăm, ông cở mở tiếp chuyện: “Bài thuốc này vốn là thuốc gia truyền của gia đình. Cách đây gần 100 năm, nhà tôi có người bị bỏng nặng, bà nội phải lặn lội sang tận bên nước bạn Lào xin thuốc. Vì đường rừng hiểm trở, xa xôi nên thầy thuốc thương tình đã truyền cho bài thuốc quý. Từ đó, gia đình lưu giữ bài thuốc và truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến nay, bài thuốc đã được truyền đến đời thứ ba”.
Ông Thính không ngần ngại chia sẻ về bài thuốc của gia đình. Bài thuốc này chỉ làm từ một loại lá cây rừng duy nhất. Theo tiếng Thái gọi là “bơ Phông phay” (tiếng Kinh nghĩa là cây bỏng, loại cây có lá giống cây chè). Khi hái lá thuốc về, chỉ cần rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng bị bỏng. Với những trường hợp bỏng nặng hoặc các cháu nhỏ thì vắt lấy nước, bỏ bã, sau đó dùng bông để thấm bôi thuốc lên vùng đau. Những người ở xa có thể dùng lá bỏng phơi khô, hãm đặc, cho vào vải màn sạch vắt lấy nước rồi thấm vào vết bỏng”. Ông cũng nói thêm, mặc dù bài thuốc chỉ làm bằng một loại lá cây nhưng lại đem lại hiệu quả cao trong chữa trị tất cả các dạng bỏng, từ vết bỏng nước, bỏng xăng, bỏng điện cho đến bỏng vôi…
Với kinh nghiệm nhiều năm chữa bỏng, ông lí giải về bài thuốc gia truyền của gia đình mình: “Khi bị bỏng, vùng bị thương sẽ rất nóng và đau rát. Vì thế, việc đầu tiên là phải nhanh chóng làm mát tại vùng bỏng để làm dịu cơn đau. Lá bơ Phông phay có tính hàn, sau khi bôi, thuốc ngấm vào trong sẽ làm cho toàn bộ vùng bị bỏng hết đau và khô nhanh chóng. Hơn nữa, lá thuốc này còn có tác dụng sát khuẩn, kích thích quá trình tái tạo tế bào. Với những vết bỏng tổn thương ở vùng da, thịt, (độ I, II, III) chỉ cần 10, đến 20 ngày là có thể khỏi hẳn. Nếu bỏng sâu đến gân, xương, (độ IV, V) thì cũng phải mất 1, đến 2 tháng mới có thể lành lặn được”.
Lá thuốc quý có khả năng chữa bỏng và liền sẹo hiệu nghiệm. Ảnh: T.G. |
Điều kì diệu của bài thuốc gia truyền khiến người dân khắp nơi tìm đến nhờ vả “thần y” này không ở cách chữa trị đơn giản, hiệu quả nhanh chóng, mà còn bởi khả năng liền sẹo. “Để vết bỏng lành lặn như ban đầu sau tổn thương là điều rất khó. Bởi vậy, bản thân nạn nhân phải kiêng kị một số thức ăn tanh, nóng như, trứng, cua, ốc, tôm, thịt chó, và một số thực phẩm có chứa bột nếp. Nếu trong quá trình tái tạo tế bào da, người bệnh ăn các thức ăn trên sẽ làm hình thành những mảng loang lổ màu trắng, và nhăn nheo trên bề mặt da. Còn gạo nếp sẽ làm cho vết thương bưng mủ, lan rộng và lâu lành hơn”, vị “thần y” chữa bỏng cho biết.
Cứu người là niềm vui, là hạnh phúc
Với bài thuốc chữa bỏng gia truyền, cùng tâm nguyện làm phúc cứu người 27 năm qua ông đã giành giật lại mạng sống cho hàng ngàn nạn nhân bị tai nạn bỏng mà không đòi hỏi một đồng tiền công nào. Thậm chí với những ca bệnh nặng, ông còn đón đến tận nhà để tiện bề chữa trị. “Người bị bỏng khắp nơi đến xin thuốc, người đến tận nhà tôi ở cũng không ít, người ở xa tôi gửi thuốc đi cũng có, tính cả cũng lên đến hàng nghìn người, tôi chẳng ghi chép tên tuổi, địa chỉ bao giờ, nhớ làm sao hết được”, vị “thần y” cười phúc hậu cho biết. Cũng bởi y đức cao đẹp ấy mà người nghèo khắp trong, ngoài xã đều đến gia đình ông nhờ vả mỗi khi có ai bị bỏng, “cả cái xã này ai cũng tin tưởng bài thuốc của ông Thính, hễ ai bị bỏng là chạy đến xin thuốc. Người lạ khắp nơi nghe tiếng cũng tìm về đây, ông Thính chẳng bao giờ kể công, tính tiền, ai xin thì lấy thuốc làm phúc thôi”, ông Lò Phúc Hiêm, trưởng bản Đá khẳng định.
Nhắc đến Thần y Thính với bài thuốc chữa bỏng, người dân bản Đá vẫn nhớ như in câu chuyện về cháu Lữ Thi Vân bị bỏng nặng cách đây 5 năm. Khi ấy, cháu Vân chưa tròn hai tuổi, mới chập chững biết đi, chẳng may ngã vào nồi cám đang sôi sùng sục khiến toàn thân cháu bỏng nặng. Lúc ấy, mẹ Vân vội bế xốc con chạy xuống nhà ông Thính kêu cứu. May mắn được ông kịp thời cứu chữa, chỉ một thời gian ngắn, cháu Vân đã là lành lặn. “Lúc ấy, người cháu nóng như hòn than, da đỏ xám, đau đớn quằn quại cứ khóc thét lên. Thế mà bác Thính bôi thuốc vào được 20 phút, thì cháu nín hẳn”, mẹ Vân nhớ lại.
Anh Hà Văn Chinh, nạn nhân bị bỏng vôi đã lành lặn sau vài tháng chữa trị. Ảnh: T.G. |
Gần đây nhất, anh Hà Văn Chinh (19 tuổi, ở bản Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh) bị trượt chân ngã xuống hố vôi vừa tôi đang sôi sùng sục khiến 2/3 cơ thể bị bỏng nặng, nguy kịch đến tính mạng. “Hôm ấy, người dân kéo Chinh từ hố vôi lên, thằng bé giãy giụa đau đớn, khó thở, toàn bộ vùng da bị bỏng nặng. Nhờ biết đến tiếng tăm của ông Thính từ trước, nên anh trai và người chú chở Chinh lên nhà ông kịp thời. May còn gặp thầy, gặp thuốc, chứ nếu không,cháu nó cũng chẳng giữ được mạng. Hồi ấy, lớp da bị chín rơi ra từng mảng, tưởng không chữa nổi, nào ngờ hơn 2 tháng đã khỏi”, mẹ anh Chinh kể lại. Nhớ ơn ân nhân cứu mạng, lễ tết hàng năm anh Chinh vẫn lặn lội cả chục cây số đường rừng lên thăm lại gia đình ông Thính.
Không chỉ lấy thuốc miễn phí cứu giúp những người dân xung quanh. ông Thính sẵn sàng chỉ cho người dân bài thuốc gia truyền của gia đình. Ông tâm sự: “Tôi không sống bằng nghề bốc thuốc, nên ngày ngày vẫn phải làm nương rẫy, đồng ruộng, sợ những khi bận việc đồng áng vắng nhà không kịp thời lấy thuốc cho người bệnh, nên hễ ai đến xin thì chỉ cho bài thuốc quý này, phòng khi người nhà bệnh nhân bị bỏng thì kịp thời cứu chữa”. Với những nạn nhân ở vùng xa xôi, tận thành phố Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên nghe danh bài thuốc mà gọi điện đến xin, ông sẵn sàng bỏ tiền túi ra gửi thuốc theo xe khách cho bệnh nhân. Với tâm tâm niệm “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, ông luôn lấy việc cứu người làm niềm vui, niềm hạnh phúc, không màng đến tiền bạc danh lợi.
Chia tay ông mà tâm trí vẫn hằn in tâm nguyện của vị lương lấy việc cứu người làm phúc: “chỉ mong bài thuốc được phổ biến rộng rãi đến được với tất cả mọi người nhất là những nạn nhân không may gặp tai nạn bỏng, tránh chậm trể trong việc điều trị, để xảy ra những hậu quả đáng tiếc”.
Theo Lê Vi
Gia đình