Thần tốc, linh hoạt Thaco

TP - “Bão COVID-19” lần thứ 4 càn quét khiến hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô tại Việt Nam phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, thế nhưng, Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) không chỉ thích ứng linh hoạt mà còn “thần tốc” nghiên cứu, sản xuất các loại xe y tế, hỗ trợ cho địa phương phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Một – Giám đốc Truyền thông Thaco để thấy rõ hơn văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt giữa đại dịch.

- Không chỉ duy trì sản xuất, đẩy mạnh cung ứng trong nước và xuất khẩu, vừa qua Thaco tiên phong nghiên cứu sản xuất các loại xe y tế cùng nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ phòng dịch. Tại sao Thaco có quyết định táo bạo này? Việc lắp đặt dây chuyền sản xuất các mẫu xe y tế khó khăn, tốn kém ra sao?

- Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Thaco đã xây dựng chương trình “Chung tay và đồng hành” cùng cả nước trong khả năng của mình, đồng thời nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Thaco đã hỗ trợ vật tư y tế cùng các sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch trong cả nước với kinh phí hơn 900 tỷ đồng.

Đặc biệt, trước yêu cầu cấp thiết về vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch, với năng lực của một nhà sản xuất lắp ráp ô tô có thế mạnh về sản xuất công nghiệp hỗ trợ và cơ khí, chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất các loại xe y tế như xe cứu thương, xe xét nghiệm lưu động, xe tiêm chủng cơ động, xe chụp X-quang và siêu âm lưu động, xe vận chuyển vắc-xin… nhằm hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Các loại xe y tế được thiết kế theo tiêu chí nhỏ gọn, linh hoạt, dễ vận hành, có công năng đầy đủ để đáp ứng yêu cầu xét nghiệm, tiêm vắc xin, cấp cứu, điều trị bệnh nhân… Sau khi hoàn chỉnh sản phẩm mẫu, chúng tôi triển khai sản xuất hàng loạt. Nhân sự Thaco đã chia làm 3 ca liên tục thi công để đảm bảo tiến độ.

Đáng chú ý, công đoạn thiết kế và sản xuất thiết bị phụ trợ xe chuyên dụng nói chung, xe y tế nói riêng, yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi kỹ sư, công nhân có tay nghề chuyên sâu thực hiện. Với thế mạnh của trung tâm cơ khí đa dụng hàng đầu miền Trung, sản xuất, gia công sản phẩm với sản lượng lớn theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) đến hàn, sơn, lắp ráp, Tổ hợp Cơ khí Thaco Chu Lai đã nghiên cứu sản xuất thành công các thiết bị như thùng xe y tế, linh kiện cơ khí, hệ thống thủy lực, hệ thống khử khuẩn và các thiết bị phụ trợ khác.

Năng lực sản xuất, công nghệ và chuỗi giá trị khép kín là những yếu tố quan trọng để chúng tôi sản xuất thành công các xe chuyên dụng trong thời gian nhanh nhất. Điển hình với dự án sản xuất 126 xe vận chuyển vắc-xin và xe tiêm chủng lưu động để tặng cho Bộ Y tế, từ khi lên ý tưởng thiết kế và sản xuất đến khi hoàn thiện 57 xe đầu tiên chỉ mất 2 tuần. Riêng 2 xe tiêm chủng chỉ mất 96 giờ để hoàn thiện.

- Vấn đề khó khăn nhất của các DN sản xuất ô tô trong dịch bệnh là nguồn vật tư, nguyên liệu, linh kiện và giao nhận, vận chuyển. Trước khó khăn này, Thaco đã xoay chuyển ra sao?

- Chúng tôi đã tìm kiếm, lựa chọn nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu trong chuỗi cung ứng, ưu tiên các nhà cung cấp tại các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời đàm phán với các đối tác để giữ mức giá ổn định.

Về giao nhận, vận chuyển, Thaco có lợi thế là có THILOGI - công ty giao nhận, vận chuyển quốc tế với chuỗi dịch vụ trọn gói, nhờ đó chủ động trong vận chuyển, cung ứng. Khi giá cước vận chuyển lên đến đỉnh điểm trong lịch sử ngành vận tải toàn cầu, cao gấp 4-5 lần so với năm 2019, cùng với tình trạng thiếu container rỗng, THILOGI đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp logistics tối ưu, phù hợp để đảm bảo hoạt động của mình.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco giới thiệu xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bên cạnh đó, thế mạnh trong chiến lược quản trị của Thaco từ nhiều năm nay đó là đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có khả năng đa nhiệm. Trước những biến động, chúng tôi có thể dễ dàng luân chuyển nhân sự, sắp xếp sản xuất linh hoạt từng thời điểm, đảm bảo tiến độ; đồng thời xây dựng phương án sản xuất và cung ứng phù hợp.

- Là tập đoàn công nghiệp đa ngành, hơn 20.000 nhân sự trải dài trên cả nước, Thaco làm sao để vừa phòng chống dịch tốt, vừa ổn định đời sống cho người lao động?

Xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng do Thaco sản xuất.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thaco đã lập hệ thống cơ sở dữ liệu; thành lập các tiểu ban phòng chống dịch cấp cơ sở tại từng công ty, nhà máy; ban hành các quy định và triển khai đồng bộ các biện pháp, hình thành nên hệ thống phòng chống dịch chặt chẽ, khoa học, đặc biệt là tại KCN Thaco Chu Lai.

Bên cạnh thực hiện tốt thông điệp 5K, công ty có phương pháp phân loại, luân chuyển lao động để đảm bảo kế hoạch sản xuất và an toàn sức khỏe cho nhân sự ở các tuyến đầu, khu vực trọng yếu. Ban chấp hành Công đoàn Thaco đã hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 theo quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

“Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, chúng tôi luôn ý thức rõ trách nhiệm xã hội của một tập đoàn công nghiệp đa ngành đối với đất nước, cộng đồng. Tập đoàn đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, với trị giá tài trợ trong 5 năm gần đây gần 2.000 tỷ đồng”.

ông Nguyễn Một- Giám đốc Truyền thông Thaco

Hiện nay, chống dịch và duy trì sản xuất là hai vấn đề cực kỳ quan trọng với các doanh nghiệp. Riêng miễn dịch cộng đồng được coi là biện pháp tối ưu trong công tác chống dịch. Thaco đang thực hiện mục tiêu đảm bảo sản xuất kinh doanh, đồng thời tình nguyện là một “pháo đài” chống dịch. Với nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, chúng tôi cam kết đồng hành với chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch và tạo môi trường làm việc an toàn nhất để người lao động yên tâm công tác.