Thần tài vé số

Thần tài vé số
TP- Nhiều bạn trẻ gọi ông là “vua vé số”. Trang phục mà ông mặc thật khác hẳn với những người  đồng nghiệp: Bộ quần áo Thần tài. Ông không chỉ bán ở một địa bàn mà đi bán vé số xuyên Việt.

Ở tuổi 60, hằng ngày ông Trương Minh Tấn vẫn cặm cụi với công việc mưu sinh của mình. Khoác lên bộ đồ Thần tài giữa đường phố tấp nập người qua lại, những bước chân của ông luôn để lại sự tươi mới trên những con đường rợp bóng cây.

Hơn 40 năm làm nghề bán vé số, ông Tấn đã có bao nhiêu sáng tạo mới nhằm thu hút được nhiều người để ý. Số lượng vé số của ông vì thế mà bán được nhiều.

Hành trình bán vé số đầu tiên của ông là ở TP Hồ Chí Minh, nơi chôn rau cắt rốn của ông. Nhưng đất Sài Gòn chật hẹp mà đông người khiến ông phải tha phương tới xã An Phú- Pleiku- Gia Lai để định cư và tiếp tục công việc của mình.

Ở quê hương mới, ông lập gia đình và sinh được hai người con. Nhưng công việc của ông ngày càng khó khăn và số tiền kiếm được ngày càng ít ỏi. Các con ông ngày càng khó có điều kiện học tập.

 “Người bán vé số nhiều nên lúc đó làm ăn khó lắm. Sau này do đi nhiều mình cũng có chút kinh nghiệm. Muốn bán được thì phải làm một cái gì hấp dẫn một chút” - Ông cười vui.

Chính khó khăn đã khiến ông nảy ra nhiều ý tưởng bán vé số rất độc đáo và một trong những ý tưởng ấy đã theo ông đến tận bây giờ: khoác lên mình bộ quần áo Thần tài. Bộ quần áo này đã làm cho ông trở nên yêu nghề và hấp dẫn đối với người mua hơn. 

Hành trình đi bán vé số cũng là những chuyến tìm hiểu về con người và sở thích của từng vùng. Bước chân của ông đã in dấu nhiều nơi, từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ... Thấy làm ăn được, ông ngược lên Đà Lạt, Đăk Lăk rồi sau đó vòng xuống Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định...

Giờ đây ông đang chọn điểm mưu sinh của mình là Huế với bộ Thần tài đầy ấn tượng. “Làm ăn một thời gian nữa tôi sẽ rời Huế ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Tôi sẽ mang nguyên bộ quần áo này để bán hàng cho dễ. Người miền Nam, miền Trung thích tôi ăn mặc thế này, tôi tin người Bắc cũng thích” – Ông tự tin cười hóm hỉnh, hàng râu giả rung lên theo từng tiếng cười của ông Thần tài.

Bán vé số cũng cần sáng tạo

Ngày đầu tiên ông “nhập tịch” đất Huế với bộ trang phục Thần tài, mọi người xúm quanh ông trầm trồ ngạc nhiên. Đám thanh niên gọi ông là “vua vé số”.

Ông Tấn kể mua bộ trang phục này mất khoảng 400.000 đồng. Ngoài ra, còn phải sắm nhiều “phụ kiện” khác như râu đen, gậy trúc, phấn... “Nghề nào cũng phải có một chút sáng tạo. Mà cái nghề bán vé số rất cần điều đó. Muốn cho người ta mua vé số của mình không phải chỉ trỏ mắt đăm đăm mời chào nhiệt tình, mà phải có một chút ấn tượng đập vào mắt. Tôi ngẫm ra rằng muốn tồn tại lâu dài với nghề bán vé số này, tôi buộc phải sáng tạo”.

Quả thật ông đang “lấn át” các đồng nghiệp của mình. Với trang phục lạ mắt này ông có thể bán được số lượng vé số gấp đôi, thậm chí gấp ba những người bán vé số bình thường khác. Ông bảo mỗi ngày thong dong trên đường phố Huế ông kiếm được từ 300.000 – 350.000 đồng.

 “Tôi đã đến nhiều nơi nhưng ở đất Cố đô này người dân có vẻ yêu quý tôi hơn những nơi khác trong bộ trang phục Thần tài này. Chính vì thế mà hàng ngày vé số của tôi bán chạy lắm. Tôi sẽ chỉ ra ngoài Bắc khi người dân Huế hết ấn tượng với trang phục Thần tài tôi mặc hàng ngày”.

Chúng tôi đi theo ông ngang qua một quán cóc ở bên đường Nguyễn Trường Tộ. Có rất nhiều người gọi lại mua vé số và nói chuyện với ông. Lần đầu tiên họ thấy cảnh tượng như thế này ở Huế. Một nắm vé số to tướng mà khi đi đến gần cuối đoạn đường chỉ còn vài cái.

Mặc dù gây được sự chú ý, tò mò của người dân Huế, nhưng cuộc sống của ông sau một ngày lao động vất vả cũng bình lặng như nhiều người lao động khác. Ông Tấn thuê một căn phòng nhỏ khoảng 8m2 ở khu chợ An Cựu (TP Huế). Căn phòng trọ tồi tàn chẳng có gì đáng giá ngoài bộ trang phục cùng những “phụ kiện” nổi bật treo ở cuối giường nằm. Nhắc đến ông ở xóm trọ này ai cũng biết.

Mỗi ngày đi làm ông phải dậy sớm trang điểm tươm tất. Ông đánh lông mày, tô cho đôi má thêm hồng, lướt là bộ râu cằm cho óng mượt sao cho giống Thần tài với ước mong cháy bỏng: Hôm nay phải kiếm được kha khá để còn gửi về nuôi vợ con ở nhà.

Ra đường, ở bất cứ đâu, ông được mọi người chào đón nồng nhiệt. Đáp lại sự nồng nhiệt đó, mỗi lần có ai mua vé số thì ông không quên chúc: “Vạn sự như ý”. Nhiều người không mua, chỉ xúm lại ngắm, nhưng ông vẫn không ngớt miệng chúc: “Chúc bạn những điều tốt lành...”. Khuôn mặt vẻ hơi hài hước, cánh tay vẫy vẫy liên tục khiến cho trẻ chạy theo ríu rít reo hò: “Ông Thần tài ơi, ơi ông Thần tài!”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.