'Thần chết' rình rập trên phố nhưng khó xử lý triệt để?

Phương tiện tự chế chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm trên đường phố Hà Nội.
Phương tiện tự chế chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm trên đường phố Hà Nội.
TP - “Phương tiện thô sơ, xe ba bánh tự chế chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên phố có nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Không thể nói vì hoàn cảnh hay mưu sinh để thực hiện hành động pháp luật cấm dẫn đến tai nạn chết người mà cần xử lý triệt để” - thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nói.

Sáng 26/9, một ngày sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải có nguy cơ dẫn đến tai nạn, nhiều tuyến phố ở Hà Nội không có dấu hiệu giảm.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, nhiều tuyến phố như: Hàng Khoai, Hàng Ngang, Hàng Đậu, Trần Quang Khải, phố Gầm Cầu..., quận Hoàn Kiếm, hàng trăm phương tiện thô sơ là xe máy, xe ba bánh, xe kéo vẫn tấp nập chở hàng vượt chiều cao, chiều dài cho phép gây cản trở giao thông. Bà Nguyệt, trú cầu Long Biên cho hay, không chỉ giờ cao điểm mà hầu hết các khung giờ trong ngày nút giao Hàng Khoai- Trần Quang Khải cũng trong tình trạng ùn ứ, hỗn loạn. “Xe ba bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh qua đây như trẩy hội vào chợ Đồng Xuân” - bà Nguyệt nói.

Không thể vì mưu sinh mà phạm luật

Trao đổi với Tiền Phong, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng Xử lý vi phạm - Đội CSGT số 1 Công an Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua ở Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn chết người liên quan tới xe xích lô, xe máy kéo chở hàng hóa quá khổ, quá tải khiến dư luận rất bức xúc. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Quyết định 06/2013/QĐ-UBND Hà Nội cấm xe ba bánh tự chế, xe xích lô (trừ xe hoạt động du lịch, xe ba bánh cho người thương binh), xe đạp thồ lưu thông trên các tuyến đường bộ, nơi có nhiều dân cư trên địa bàn. Còn trường hợp là xe ba bánh mà thương binh sử dụng thì chỉ được phép sử dụng trong việc phục vụ đi lại, không được phép chở hàng hoá cồng kềnh vi phạm Luật Giao thông. Nhiều năm nay, dù bị cấm nhưng các phương tiện vẫn hoạt động.

“Nhóm phương tiện này chở hàng hoá cồng kềnh có nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Không thể nói vì hoàn cảnh hay mưu sinh để làm những hành động pháp luật cấm dẫn đến các vụ tai nạn chết người. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh để các cơ quan chức năng vào cuộc gắt gao, xử lý triệt để chứ không phải vào cuộc thời vụ. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương, nơi tồn tại các cơ sở sản xuất lắp ráp xe ba gác, xe thồ, xe ba bánh tự chế, sau đó trách nhiệm của lực lượng chuyên ngành như: TTGT, CSGT, CSTT trong công tác xử lý vi phạm. Dù CSGT có tịch thu nhưng sau đó cơ sở sản xuất tiếp tục lắp ráp, bán cho người có nhu cầu thì không thể xử lý được”, ông Quỹ nói.

Theo thượng tá Quỹ, nguyên nhân sâu xa do ý thức người lao động không tuân thủ pháp luật sử dụng các phương tiện trên; chủ các cơ sở bán vật liệu xây dựng, hàng hoá cồng kềnh kết nối với người điều khiển loại phương tiện này vận chuyển cho khách để bán được hàng. Ngoài ra, việc các cơ sở lắp ráp, tự chế xe ba bánh, xe thồ, xích lô… cũng chưa được quản lý chặt. Do đó, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương xử lý tận gốc các cơ sở cung cấp loại phương tiện này kết hợp với lực lượng tuần tra của cảnh sát xử lý nghiêm mới có thể ngăn chặn.

Theo quy trình, khi phát hiện phương tiện vi phạm mà bị cấm lưu hành, cảnh sát sẽ lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện sau đó đưa về bãi giữ rồi ra quyết định xử phạt hành chính kèm mức phạt bổ sung là tịch thu phương tiện.

Cả cháu bé và người lái xích lô là nạn nhân

Trao đổi với Tiền Phong về trường hợp ông Đinh Ngọc Thạch (53 tuổi), chủ chiếc xe xích lô chở tôn sắc gây ra cái chết của bé trai 9 tuổi, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp luật, người lái xích lô chở tôn là chủ thể duy nhất của hành vi vi phạm đến giờ phút này. Và cũng như những người vi phạm khác, người lái xích lô sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhận mức hình phạt tương ứng với lỗi cũng như hậu quả của hành vi mà mình gây ra. Trong trường hợp này, người lái xích lô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người”, theo Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn Anh, dưới góc độ xã hội, góc độ tình người, trong trường hợp này thì cả cháu bé và người lái xích lô đều là nạn nhân. Nạn nhân của nhiều sự vi phạm pháp luật diễn ra một cách ngang nhiên, trắng trợn, kéo dài, có hệ thống và chưa bao giờ bị xử lý triệt để. Hay nhìn theo một cách khoa học thì chúng ta quá thiếu những kỹ năng sống cần thiết” – luật sư Tuấn Anh nói.

Thanh Hà

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.