Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh:

Tham vọng mang tầm cỡ khu vực

Dự án Khu Công nghệ môi trường Xanh ở Long An của VWS
Dự án Khu Công nghệ môi trường Xanh ở Long An của VWS
TP - Ngoài Khu xử lý chất thải Đa Phước tại TPHCM đang hoạt động, tâm huyết lớn nhất của “vua rác” họ Dương là dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh ở Long An, với tham vọng biến nơi đây thành khu xử lý rác mang tầm cỡ cho TPHCM, Long An và các tỉnh lân cận.

Trở về Việt Nam dự lễ khánh thành hai cây cầu VWS1, VWS2 dẫn vào trong Khu Công nghệ môi trường Xanh (Long An), ông David Dương, Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải Việt Nam (VWS) mang trong mình nỗi lo đau đáu...

Sứ mệnh người con xa xứ

Mở đầu câu chuyện về Việt Nam lần này, “vua rác” David Dương nhấn mạnh: “Dự án Khu công nghệ Môi trường xanh là ước muốn cuối cùng của cuộc đời tôi, để tôi thực hiện lời hứa với người mẹ. Tôi quyết tâm làm không phải vì tiền, mà đó là sứ mệnh của một người con xa xứ về quê hương cống hiến”.

Tham vọng mang tầm cỡ khu vực ảnh 1 Ông David Dương, Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải Việt Nam (VWS)

“Vua rác” David Dương cho biết, Long An là quê hương của mẹ ông. Bà năm nay đã 75 tuổi. Bà mong muốn nhìn thấy con trai làm được điều gì đó cho quê hương. Chính tâm nguyện của người mẹ đã thôi thúc ông trở về đây đầu tư xây dựng dự án.

Theo đó, Khu Công nghệ Môi trường xanh được xây dựng trên khu đất rộng gần 1.800 ha (xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, Long An). Công suất xử lý chất thải đến năm 2025, 2035 và 2050 lần lượt là 21.400 tấn/ngày, 26.800 tấn/ngày và 36.500 tấn/ngày. Dự án sẽ tiếp nhận rác từ TPHCM, Long An và một số tỉnh lân cận. 

Nói về dự án mang tầm cỡ khu vực này, ông David Dương không giấu giếm: Đây là khu xử lý chất thải hiện đại, xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với đặc tính chất thải rắn tại các tỉnh, thành ở hiện tại và tương lai. 

Dự án còn đảm nhận chức năng tái chế rác để sản xuất năng lượng; kinh doanh các sản phẩm từ vật liệu tái chế, nhựa, điện năng, kim loại, phế liệu, phân compost, sản phẩm từ cây trồng...
“Hạn chế tối đa tỉ lệ chôn lấp (dưới 9%) nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường”, “vua rác” họ Dương nhấn mạnh.

Theo ông David Dương, thành công từ dự án này sẽ là cơ sở để chúng ta thực hiện tiếp những dự án khác ở miền Trung, miền Tây… “Lúc đó, tôi không còn gì trăn trở và nghĩ ngay đến chuyện về hưu thôi”, “vua rác” họ Dương cười và nói.

Sẵn sàng rót hàng trăm triệu đô la

Tham vọng mang tầm cỡ khu vực ảnh 2 Ông David Dương giới thiệu về hai cây cầu VWS1, VWS2 dẫn vào trong Khu Công nghệ môi trường Xanh (Long An) năm 2019

Phía sau những tham vọng mở rộng “đế chế rác” họ Dương, ông David Dương lại trầm tư, đau đáu về dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh đang bị trì trệ nhiều năm qua.

“Điều tôi lo nhất là pháp lý chưa có, mình đâu có đi nhanh được. Vốn liếng, công nghệ đã sẵn sàng, có hai cây cầu đi vào rồi, chỉ còn thủ tục hành chính là khởi công xây dựng thôi. Dự án ở giai đoạn 1 sẽ được rót vốn hơn 450 triệu đô la”, ông David Dương trăn trở.

Ông David Dương cho biết, sắp tới đây, chính quyền địa phương và trung ương sẽ làm việc với công ty cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để dự án được xây dựng tiếp. “Tôi sẽ làm hết mình, đó là quyết tâm không chỉ bản thân mà cả tập thể VWS”, ông David Dương cho biết.

Với tư cách là một nhà đầu tư có vốn nước ngoài, ông David Dương mong muốn thủ tục hành chính phải nhanh hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư. 

Thấy được viễn cảnh rác trong vùng mỗi ngày một tăng, về lâu về dài phải “phòng cháy chứ không chữa cháy” trong xử lý rác, môi trường. Khi TPHCM đóng cửa toàn bộ các khu chôn lấp rác trên địa bàn TP thì việc chuẩn bị để triển khai dự án mới là điều rất cần thiết và cấp bách. 

“Chúng tôi đã đầu tư hơn 10 triệu USD cho việc xây dựng hạ tầng và triển khai các bước tiếp theo của dự án này nhưng còn phải chờ chủ trương tiếp theo của TPHCM và Long An mới tiếp tục đầu tư. Nhà đầu tư đang rất quyết tâm để triển khai dự án quy mô cả một vùng”, ông David Dương nói.

Theo ông David Dương, nhiều nhà đầu tư là Việt kiều, đặc biệt ở California hỏi ông rất nhiều vấn đề đầu tư ở Việt Nam thế nào? Họ rất muốn tìm hiểu kinh nghiệm từ ông để đầu tư vào Việt Nam. 

“Tôi rất muốn làm vai trò cầu nối, từ sự thành công của mình có thể sẽ lan toả đến mọi người con đất Việt trên thế giới, để có thêm nhiều dự án xây dựng quê hương hơn”, ông David Dương bày tỏ.

Đấu thầu nghẹt thở ở xứ cờ hoa

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và vô cùng phức tạp của ngành xử lý rác thải ở Mỹ - Một “miếng bánh” mang tên rác luôn hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới… Việc thắng thầu dự án 2,7 tỷ USD và tiếp tục gia hạn hợp đồng 15 năm của ông David Dương, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty California Waste Solutions (CWS - Công ty mẹ của VWS) là những câu chuyện ly kỳ.

Trong thời gian 2 năm thương lượng gia hạn hợp đồng xử lý rác cho thành phố San Jose, CWS đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh khốc liệt giành lấy “miếng bánh” trước sự dòm ngó của nhiều đối thủ có số má.

 Ông David Dương cho biết, khoảng thời gian thương lượng, đấu thầu lại rất gay cấn, nghẹt thở đến phút cuối đối với những đối thủ có số má đến từ châu Âu. Họ không ngại chơi xấu để loại CWS khỏi “sàn đấu”.

 “Lấy được hợp đồng đã khó, giữ nó càng khó hơn. Thành ra chúng tôi luôn luôn coi trọng công việc. Cố gắng thực hiện tốt những cam kết với thành phố. Chúng tôi không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng”, ông David Dương nhấn mạnh.

 Ông David Dương cho biết, giữa năm 2019 này, hợp đồng sẽ được đưa ra Hội đồng thành phố San Jose biểu quyết. “Tôi nghĩ sẽ không có trở ngại gì, hội đồng thành phố biểu quyết thông qua thôi”, ông David Dương hi vọng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.