Thăm tờ báo Pháp cả thế kỷ ủng hộ hòa bình

Một phòng làm việc của báo Nhân Đạo
Một phòng làm việc của báo Nhân Đạo
TP - Ấn tượng về cách bố trí các phòng làm việc của báo Nhân Đạo (L’Humanité) rất hiện đại, mọi phòng đều liên thông với nhau trong khắp 3 tầng với diện tích mặt bằng lớn. Đặc biệt, đây đó có các bức chân dung những nhà cách mạng nổi tiếng thế giới như Lê Nin, Che Guevara… 

Báo Nhân Đạo (L’Humanité) Pháp nằm ở Saint Denis ngoại ô nghèo phía bắc Paris, phía trước tòa nhà có dòng chữ lớn Calliope (theo tiếng Hy lạp là truyền cảm, giọng hay và theo truyền thuyết là nữ thần thơ ca và hùng biện). Đây là tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian đã từng cộng tác. Một số phóng viên nổi tiếng của tờ báo được cử tới Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ như Alain Ruscio, Madeleine Riffaud. 

Chúng tôi được Lina Sankari - nhà báo phụ trách phần Đông Nam Á của báo Nhân Đạo tiếp đón. Chị dẫn chúng tôi đi thăm quan, chào đồng nghiệp trong các ban. Ấn tượng về cách bố trí các phòng làm việc rất hiện đại. Mọi phòng đều liên thông với nhau trong khắp 3 tầng với diện tích mặt bằng lớn. Đặc biệt, đây đó có các bức chân dung những nhà cách mạng nổi tiếng thế giới như Lê Nin, Che Guevara… và một loạt chai rượu các nước bày trên giá kỷ niệm do các bạn thế giới đem tặng nhân dịp ghé qua.

Mở đầu câu chuyện, Lina Sankari, tác giả một số bài về hoạt động xâm lấn của Trung Quốc trên biển Đông, nói ngay: “Từ tháng 5 đến nay, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được thừa nhận trong Hiệp định Geneve 1954 mà chính Trung Quốc đã tham gia ký. Việt Nam có chủ quyền trong vùng biển này nên hành động của Trung Quốc là phi pháp. Tôi phản đối phía Trung Quốc cố tình gây ra những đụng độ rất đáng lo ngại với Việt Nam. Trường Sa và Hoàng Sa hoàn toàn thuộc về VN, không phải là vùng tranh chấp.

Thăm tờ báo Pháp cả thế kỷ ủng hộ hòa bình ảnh 1 Nhà báo Lina Sankari

Từ vài năm nay thế giới đã chứng kiến những khiêu khích kiểu này từ phía Bắc Kinh, không chỉ với Việt Nam mà còn với Nhật Bản hay Philippines. Đó là điều hết sức đáng lo ngại cho hòa bình trong khu vực – tôn chỉ của báo Nhân Đạo là bảo vệ hòa bình nên chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình”. 

Lina Sankari cũng cho biết, chị đã viết ba bài báo về chủ đề này.
“Từ những năm 1920, những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa này đã được quốc tế công nhận là của Việt Nam rồi. Trung Quốc cho giàn khoan vào rồi cho tàu quân sự hộ tống là hành động rất nguy hiểm. Chúng tôi rất lo ngại khi thấy ngày càng nhiều tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hỏng, gây thương vong. Việt Nam đang bị đe dọa trực tiếp, mà không phải là lần đầu. Lần gần đây nhất là năm 1979. Tôi đã phỏng vấn đại sứ của Việt Nam tháng 5 vừa rồi, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của ông khi muốn giải quyết vụ này bằng con đường ngoại giao”.

“Trong việc tranh chấp với các nước, chiến lược của Trung Quốc luôn là dùng sức mạnh để áp đảo và ngoại giao miệng lưỡi”. Cũng theo nhà báo Lina Sankari, Việt Nam đã, đang và sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Nhà báo Lina Sankari rất tự hào về tờ báo của mình, chị giới thiệu báo Nhân Đạo có từ năm 1904, do ông Jean Jaurès thành lập. Trên mỗi số báo, đầu trang 2 luôn đăng một câu nói bất hủ và chân dung của ông về vấn đề nhân đạo. Ngoài ra, hằng tháng báo có một cột phân tích các ý tưởng nhân đạo của Jean Jaurès. Từ năm 1920, đảng Xã hội Pháp và đảng Cộng sản Pháp tách ra, tờ báo Nhân Đạo thuộc về đảng Cộng sản. 

Chúng tôi cầm tờ báo mới nhất ra ngày 16/6 lên xem. Ngay trên trang nhất, chủ đề quan trọng nổi bật là vấn đề công đoàn. Thời gian gần đây có rất nhiều cuộc biểu tình ở Pháp do Công đoàn tổ chức đòi quyền lợi cho người lao động. Đi tàu xe thỉnh thoảng gặp cảnh tàu bỏ tuyến, bớt chuyến do đình công.   

Nhà báo Lina Sankari cho biết, hiện nay tờ báo vẫn tiếp tục truyền thống lớn của mình là bài trừ chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương, ở Algérie và các nước khác, sau đó là chống chủ nghĩa thực dân kiểu Mỹ. Các nước lớn tuyên bố xóa bỏ thực dân nhưng vẫn duy trì các khu quân sự ở đó, thì thực chất chủ nghĩa thực dân đã khoác cái áo mới.

Hiện nay, chủ nghĩa thực dân mới thể hiện trong việc nước lớn gây áp lực với nước nhỏ để giành giật quyền lợi, để có những hợp đồng béo bở trong xây dựng, khai thác nông nghiệp, mỏ trên các nước phụ thuộc... Áp lực này thường là về kinh tế, nhưng cũng có lúc dùng bạo lực vũ trang. Theo cách hiểu này, Trung Quốc cũng đang thi hành một chính sách thực dân ở châu Á và châu Phi. 

Chia sẻ về công việc làm báo, Lina Sankari nói, báo Nhân Đạo luôn ủng hộ người lao động, người bị thiệt thòi trong xã hội. Các giải pháp hòa bình là con đường tốt nhất, đó là con đường của người sáng lập báo Jean Jaurès. Ông đã bị ám sát ngay trước khi Chiến tranh thế giới I bùng nổ vì kêu gọi hòa bình. 

“Có lẽ vì thế nên báo Nhân Đạo không giàu có - Lina Sankari mỉm cười - độc giả của tờ báo đa số là người nghèo mà”. Chị cũng cho biết thêm, gần đây báo giấy khó bán vì người đọc trên mạng tăng quá nhanh. Từ năm 2000, ở Pháp xuất hiện thêm rất nhiều báo miễn phí cạnh tranh. “Thêm nữa là sự xuất hiện của quá nhiều tờ báo đưa tin giật gân và lá cải khiến người dân bắt đầu thiếu tin tưởng vào báo chí”. 

Báo Nhân Đạo gần đây liên kết với một đài phát thanh chuyên về văn hóa và giải trí Pháp. 

Quảng cáo trên báo gần đây ít đi. “Chúng tôi chỉ đăng những quảng cáo cho các chương trình, thông báo của chính phủ”. 

Tờ Nhân Đạo có một hoạt động rất thú vị để thu hút giới trẻ. Ngoài những trang báo dành cho giới trẻ xuất hiện một lần/ tuần, trong năm, vào tháng 1 có một số báo hoàn toàn do các cộng tác viên trẻ viết và biên tập, tổ chức toàn bộ, tất nhiên có sự “cố vấn” của một số cây bút chuyên nghiệp.

“Từ 2006, chúng tôi làm như vậy - Lina Sankari chia sẻ - đây cũng là một chương trình được Chính phủ tài trợ với mục đích tìm kiếm, hỗ trợ tài năng trẻ. Nhân Đạo là tờ báo duy nhất hiện nay làm được việc này”. Nhờ thế, tờ Nhân Đạo có được một đội ngũ cộng tác viên trẻ, xông xáo, đứng về lý tưởng của tờ báo và tạo sân chơi cho lớp trẻ mới vào nghề.

Tháng 9 hàng năm, báo Nhân Đạo tổ chức một lễ hội nhân đạo, thu hút khoảng 6.000 người. Lễ hội được Đảng Cộng sản Pháp tổ chức lần đầu tiên vào năm 1930 với mục đích ban đầu là quảng bá và tìm các nguồn thu cho báo. Ngày nay Hội báo Nhân Đạo trở thành sự kiện quen thuộc với người dân Pháp.

Chia tay sau khi ăn chung bữa cơm “trên vỉa hè” hay ăn cơm giữa trời nắng, chúng tôi nhớ mãi câu nói của Lina Sankari - nhà báo và là Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp - khi được hỏi chị nghĩ gì về nghề báo: “Ồ, đó là một nghề tuyệt vời! Trong đời, tôi chỉ muốn làm nghề đó mà thôi!”.  

Báo Nhân Đạo có 60 nhà báo làm việc tại tòa soạn chính, riêng tờ chủ nhật có khoảng 20 người. Tòa soạn có khoảng 120 nhân viên văn phòng. Ở các thành phố lớn trên nước Pháp đều có các đại diện.

MỚI - NÓNG