Được đãi canh cua, cà pháo ở Trường Sa
Một trong những món ngon tôi từng được ăn, thèm được ăn nhiều lần nữa là bát canh cua mồng tơi, ăn với cà pháo muối tại đảo Trường Sa. Miếng ngon nhớ lâu, các cụ đã nói, chả phải cãi. Nhưng nhớ lâu còn vì quá bất ngờ được hưởng diễm phúc ấy, ở một nơi tôi cứ nghĩ rằng, không thể có món ăn đó.
Chiến sĩ Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa đãi khách món canh cua cà pháo.
Ngày 16/5/2013, chúng tôi lên thăm đảo Trường Sa. Nghe nói ở Cụm chiến đấu 1 có vườn hoa rất đẹp, tôi tìm đến đó, rủ theo người mẫu để chụp ảnh với hoa và lính đảo là Hoàng Dung, phóng viên báo Khánh Hòa, cô gái duy nhất trong đoàn.
Trên đường từ nhà chỉ huy đảo tới Cụm chiến đấu 1 những cây bàng quả vuông, xòe tán rợp mát phủ kín công sự, lối đi. Quả như lời lính đảo khoe, vườn hoa của Cụm chiến đấu 1 rực rỡ sắc cúc, vạn thọ, đồng tiền… Đứng ngắm hoa, lại nhớ lần đầu tiên tôi tới đảo Trường Sa, tháng 4/1996. Khi đó, cây xanh chỉ có nhiều ở trung tâm đảo, còn tại khu vực Cụm chiến đấu 1, dãy nhà lợp tôn nằm trơ trọi trên nền cát san hô, trắng nhức mắt dưới cái nắng chang chang.
Ra Trường Sa thăm thân, anh bạn nói đúng. Đối với những người lính bảo vệ Trường Sa, từ đất liền ra đảo đều được họ coi như người thân.
Bây giờ, nơi đây không chỉ có đủ loại rau, từ rau cải, đậu đũa, rau má đến lá lốt, rau húng, mơ lông…, lại có cả một vườn hoa đẹp. Nghe tôi nhắc lại kỷ niệm, Thiếu tá Bùi Đình Tuyến, Phó cụm trưởng quân sự, Cụm chiến đấu 1 cười, và bảo: để em cho hai chú cháu thưởng thức món này.
Món ăn chúng tôi được đãi, là món canh cua, cà pháo. Cắn quả cà pháo muối giòn tan, húp bát canh cua nấu với rau mồng tơi đậm đà, vừa lửa, canh trôi đến đâu mát ruột đến đấy. Bát canh càng ngon hơn, khi người múc canh cho tôi là Trung úy Nguyễn Duy Chinh, một người quen của báo Tiền Phong.
Đến đâu cũng gặp người quen
Năm 1999, khi đơn vị của Duy Chinh đang ở Cam Ranh, một sự tình cờ đã cho anh cơ hội làm quen qua mục Thư kết bạn trên Tiền Phong với Hoàng Thị Mai, cô gái đồng hương Vĩnh Bảo (Hải Phòng), lúc đó đang học lớp 12. Cuối năm 2004 họ làm đám cưới, khi Mai đang là cô giáo trường mầm non của Cty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Đầu năm 2008, Mai được mời tham gia chương trình Chúng tôi là chiến sĩ của VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, quay trực tiếp tại đảo Trường Sa, nơi Duy Chinh đang làm nhiệm vụ. Khi đó, cậu con trai đầu lòng Nguyễn Hoàng Tuấn Đạt của họ đã 21 tháng tuổi, nhưng Duy Chinh chưa một lần được bế con, chỉ biết mặt con qua những tấm ảnh vợ gửi ra… Cuộc hội ngộ bất ngờ, với những giọt nước mắt hạnh phúc của vợ chồng Chinh - Mai ở Trường Sa đã được kể lại trên báo Tiền Phong, trong các số ra ngày 29/1/2008 và 2/2/2008.
Lần ra Trường Sa tháng 5/2013, tàu HQ-936 chở chúng tôi qua 17 đảo. Lên đảo Sinh Tồn, còn đang lúi húi mở ba lô lấy máy ảnh, đã nghe tiếng gọi tên tôi. Ngẩng lên, thấy Thượng úy Trần Văn Trung, thường được gọi là Trung “trọc”, đồng hương quê mẹ Ninh Bình với tôi. Đầu năm 2012, sau khi cùng dự giao lưu đón năm mới ở đảo Sinh Tồn, Trung đã lên tàu HQ-996, cùng chúng tôi về bờ, nay sao lại thấy ở Sinh Tồn? Em về mấy tháng, lại được điều ra đây, về đúng phân đội cũ. Trung nói. Tới điểm C đảo Đá Đông, người chìa tay ra kéo tôi từ xuồng lên đảo là Đại úy Chính trị viên Lý Tiến Công, anh chàng người Thái Bình, tướng tá như con gấu, đã từng làm Chính trị viên phó đảo Núi Le, đảo Cô Lin. Cuối tháng 12/2010, tôi đi cùng Trương Hồng Phượng trên tàu Trường Sa 20. Lần này, tôi gặp lại Đại úy Trương Hồng Phượng ở đảo Đá Lát, nơi anh là Chỉ huy trưởng…
Chuyến công tác Trường Sa tháng 5/2013, tới đảo Song Tử Tây, tôi gặp lại Nguyễn Văn Dũng, anh đã được điều động làm Chính trị viên phó tại đây. Từ đó đến nay, Trung tá Nguyễn Văn Dũng thường gửi tin, gửi ảnh cho báo Tiền Phong mỗi khi đảo Song Tử Tây có sự kiện… Anh đã như một cộng tác viên thân thiết của báo Tiền Phong.
Gặp lại tôi trên đảo Trường Sa, Duy Chinh cho biết, vợ chồng anh đã có thêm con gái Hà Linh 4 tuổi, còn con trai Tuấn Đạt đã học lớp 2. Khi tôi viết những dòng này, Duy Chinh đã hết nhiệm kỳ công tác thứ ba tại đảo Trường Sa, chuẩn bị tới một đảo khác ở huyện đảo Trường Sa.