Dọc đường chống dịch

Thâm nhập 'bộ não' chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
Bên trong khu làm việc của Tổ Phân tích thông tin phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh
Bên trong khu làm việc của Tổ Phân tích thông tin phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh
TP - Tổ Phân tích thông tin tình hình dịch COVID-19 Bắc Ninh (viết tắt là Tổ thông tin) làm nhiệm vụ thống kê, cập nhật diễn biến các ca bệnh bằng việc áp dụng công nghệ. Sức “nóng” trong công tác truy vết, khoanh vùng, phục vụ xét nghiệm không kém nơi tuyến đầu.

Truy vết, khoanh vùng

Ngày 20/5, tỉnh Bắc Ninh xuất hiện ca dương tính mắc COVID-19 tại Công ty SPICA ELASTIC Việt Nam. Nhà máy của công ty này nằm trong KCN Quế Võ 1 (thuộc huyện Quế Võ) có khoảng 900 công nhân (trên 70% người ngoại tỉnh). Đây là tình huống khác thường và nghiêm trọng bởi nhà máy này sản xuất linh kiện điện tử, là mắt xích của 14 công ty khác, với tổng hơn 45.000 lao động. Nếu dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế nhưng để lây lan dịch bệnh còn nghiêm trọng hơn. Vấn đề đặt ra là làm sao vừa đảm bảo sản xuất, vừa truy vết các F1 nhanh nhất và khoanh vùng, dập dịch. “Ca” này phức tạp, nhạy cảm, Tổ Phân tích thông tin tình hình dịch COVID-19 Bắc Ninh được huy động vào cuộc.

Khi đó, phương án tập trung nhất là xác định bằng được ca mắc COVID-19 ở nhà trọ nào để xử lý tiếp. Nếu không xử lý tốt, dịch lây ra người cùng phòng, cùng khu trọ, rồi lây ra các nhà máy ở các khu công nghiệp khác… Lập tức, Tổ thông tin lên sơ đồ dịch tễ của ca bệnh để nhận định tình huống, theo dõi đường đi để tập trung truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Danh sách các đối tượng (F) liên quan, phương án liên hệ được lập và chuyển đến các tình nguyện viên liên lạc, điều tra. Cùng thời điểm đó, dữ liệu điều tra mặt bằng nhà máy, cách bố trí phân xưởng, ai làm việc với ai, thiết kế phòng ăn… được tổ này thu thập để đánh giá nguy cơ, dự báo mức độ lây lan trong khu. Lần theo dấu vết từng F1, các dữ liệu ăn ở, các địa điểm đi, đến, có làm ở nhà máy hay KCN được tổ thu thập. Việc truy vết, khoanh vùng được thực hiện nhanh chóng, tiếp diễn của các ca F0 được theo dõi nghiêm ngặt. Đến ngày 30/5, toàn nhà máy có 28 ca mắc COVID-19 đều trong khu cách ly, ổ dịch cơ bản được khống chế. Đến nay, nhà máy sản xuất trở lại.

Thâm nhập 'bộ não' chống dịch ảnh 1

Thành viên gọi điện điều tra các trường hợp liên quan tờ khai y tế có liên quan đến các ca bệnh

Những nhận định, đánh giá liên quan đến ca bệnh của Tổ thông tin được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đánh giá cao và ký quyết định chính thức thành lập tổ vào ngày 22/5.

“Nóng” không kém vào ổ dịch

Đến cơ sở làm việc tập trung của tổ mới thấy được sức làm việc của các thành viên. Phòng chính có diện tích chừng 300m2, nằm trong Sở TT&TT Bắc Ninh. Phía trong, bàn ghế được xếp theo dạng bậc thang, dưới khán đài là hệ thống màn chiếu lớn (với 32 màn hình tivi 50 inch). Cánh gà là hàng chục máy tính điều khiển xếp thành dãy dài.

“Công việc mà tổ làm không có đề bài cụ thể, nhận định theo từng tình huống. Các tình huống rất khác nhau nên rất khó. Tổ không thay cho các cơ quan chức năng phòng chống dịch mà hoạt động trên dữ liệu mang tính chất liên ngành rồi cùng ngồi thảo luận. Tổ cũng được hỗ trợ trực tiếp của các lực lượng ở trung ương nên có góc nhìn bao quát hơn”.

PGĐ Sở TT&TT Bắc Ninh Nguyễn Minh Vũ

Chưa đến 8 giờ sáng, máy tính của các thành viên trong tổ đều khởi động, màn hình hiển thị đầy ắp danh sách người dân khai báo y tế, nhập cảnh, tình hình dịch tễ ở tỉnh. Những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ, tiếp xúc gần sẽ được các công cụ lọc đánh dấu. Công việc tiếp theo là gọi điện để lấy thông tin liên quan.

Tay di chuột tới danh sách tờ khai y tế có đánh dấu đỏ, thành viên tổ phát hiện người khai có biểu hiện ho sốt, rồi tay bấm điện thoại, tay lăm lăm bút trên sổ. Cuộc gọi kiểm tra dịch tễ được thực hiện và cập nhật chi tiết lên hệ thống. Có ngày, hàng nghìn cuộc gọi như thế được thực hiện.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Ninh Nguyễn Minh Vũ, Tổ trưởng tổ thông tin cho biết, tổ được hỗ trợ điều phối của 3 nhánh: Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông và các cơ quan thuộc tỉnh Bắc Ninh (bao gồm Sở Y tế, CDC, Sở TT&TT, Công an tỉnh, BQL KCN, Văn phòng UBND tỉnh…). Hàng ngày, thành viên xây dựng thông tin, chỉnh sửa thông tin, đôn đốc cập nhật dữ liệu, chuyển hoá dữ liệu và lập các biểu đồ phân tích.

“Trên cơ sở phân tích của các chuyên gia, tổ đưa ra những khuyến nghị cho Ban chỉ đạo tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”, ông Vũ nói và cho biết thêm, khi cơ sở dữ liệu đầy đủ sẽ có các thanh công cụ để phân tích nhanh, hiệu quả. Đơn cử như khi có dữ liệu về người lao động trong khu công nghiệp, nếu xuất hiện các ca F0, tổ sẽ phối hợp với các lực lượng điều tra, truy vết rất nhanh. “Việc truy vết cũng rất ly kỳ. Có trường hợp công nhân người dân tộc tên rất khó gọi. Chị ấy đổi tên để dễ xin việc. Lúc xét nghiệm sàng lọc, chị này dương tính với SARS-CoV-2, CDC không thể liên lạc qua điện thoại, nhờ công an khu vực không thể tìm ra. Cuối cùng, Tổ thông tin truy vết bằng thông tin từ mạng xã hội và tìm ra địa chỉ. Rất may, ca bệnh này không đi đâu, không tiếp xúc với ai nên đã cách ly an toàn”, anh Vũ kể.

Mở cho phóng viên xem hệ thống dự liệu bản đồ về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (tổ này phụ trách xây dựng, cập nhật), anh Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Trung tâm thông tin (Sở TT&TT), thành viên Tổ thông tin cho biết, lượng truy cập, quan tâm của người dân vào website này rất lớn. Bắc Ninh làm khác các địa phương khác ở chỗ, Tổ thông tin làm dữ liệu từ gốc nên các bệnh nhân F0 sẽ có thông tin chi tiết nhất (trừ những thông tin cá nhân mang tính bảo mật). Việc này nhằm để người dân vào nắm thông tin, phòng ngừa.

Đến 9 giờ, Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) sang làm việc hỗ trợ Tổ thông tin về việc triển khai kết nối dữ liệu với Sở Y tế. Cả Tổ thông tin hối hả chuẩn bị tài liệu… Hệ thống màn hình bật sáng, các dữ liệu tờ khai, nhập cảnh của công dân toàn tỉnh được cập nhật. Thông tin mới nhất của ca bệnh ở thành phố Bắc Ninh được tra cứu từ tờ khai y tế, quá trình di chuyển được đưa ra xem xét mổ xẻ.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG