Thảm họa nhân đạo chực chờ ở Libya

Các lực lượng ủng hộ chính phủ ở Tripoli đang chuẩn bị vũ khí đối đầu với LNA ảnh: CNN
Các lực lượng ủng hộ chính phủ ở Tripoli đang chuẩn bị vũ khí đối đầu với LNA ảnh: CNN
TP - Các trận chiến ở ngoại ô thủ đô của Libya giữa lực lượng miền Đông và quân trung thành với chính phủ đã buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.

Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA ở miền Đông dưới sự chỉ huy của tướng Khalifa Haftar đã chiếm giữ một số vị trí ở ngoại ô Tripoli, cách trung tâm thành phố 11km về phía nam. Người dân nói các máy bay của LNA đã tấn công vào Tripoli và khu vực ngoại ô.

Lực lượng của tướngHaftar nhanh chóng chiếm giữ sân bay từ hồi đầu tuần, nhưng các chiến binh trung thành với chính phủ của thủ tướngFayez al-Serraj đã phản công chiếm lại, nhân chứng nói, theo Reuters.

LHQ nói ít nhất 4.500 thường dân ở Tripoli đã phải di tản khỏi thủ đô để  đến những thành phố an toàn hơn. Nhưng số mắc kẹt lại còn lớn hơn.

Lực lượng LNA đã từ căn cứ địa của họ ở miền Đông Libya tiến xuống phía nam dân  số thưa thớt hơn nhưng lại giàu trữ lượng dầu mỏ từ hồi đầu năm và cách nay một tuần tiến đánh vào thủ đô Tripoli, nơi có chính phủ được quốc tế công nhận của thủ tướng Fayez al-Serraj.

Libya đã rơi vào vòng xoáy đối đầu giữa hai chính phủ ở miền đông và miền tây kể từ năm 2011, sau khi một cuộc binh biến với sự hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Cơ quan điều phối nhân đạo của LHQ (OCHA) nói họ cực kỳ lo ngại về “việc sử dụng bừa bãi” vũ khí có chất nổ ở các khu vực đông dân cư. OCHA nói nửa triệu trẻ em ở đây đang gặp nguy hiểm, theo CNN.

Không chỉ có các cuộc đụng độ giữa LNA và quân chính phủ, các lực lượng cực đoan nhân dịp này có thể “thừa nước đục thả câu”, lợi dụng tình hình lộn xộn để trục lợi. Đụng độ đang đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ, khiến tình trạng di cư chạy loạn qua biển Địa Trung Hải càng trở nên trầm trọng.

Ở Tripoli, gần 50 người đã thiệt mạng, chủ yếu là các chiến binh nhưng cũng có một số dân thường, theo các báo cáo mới nhất của LHQ về thiệt hại nhân mạng. Con số người thiệt mạng được xem là sẽ còn tăng lên.

Trong 8 năm sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ và giết hại và tiếp theo là sự can dự quân sự của Pháp và Anh vào quốc gia vùng Bắc Phi nhiều dầu mỏ, tướng Haftar đã trở thành một trong các thủ lĩnh chính trị và quân sự trong bối cảnh đất nước liên tục bất ổn.

Đóng quân ở thành phố Benghazi, viên tướng từng là thuộc cấp của đại tá Gaddafi đã giành quyền kiểm soát hầu hết khu vực miền Đông Libya và nhiều lần bày tỏ khả năng tiến chiếm Tripoli.

Trong khi LNA và quân trung thành với chính phủ Tripoli đang giao tranh, các phiến quân được cho là lực lượng IS đã thực hiện một vụ tấn công vào thành phốAl-Fuqaha, cách thủ đô Tripoli 600 km về phía đông nam, theo tờ Al-Ahrar News của Libya. IS đã giết hại hai người trong đó có người đứng đầu hội đồng thành phố. Bọn chúng còn bắt cóc một người, nhưng không nói ý đồ tấn công.

Trước khi đụng độ diễn ra, LHQ đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị từ 14-16/4 ở tây nam Libya nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.

Và trong lúc đụng độ leo thang, đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame kêu gọi hội nghị cần diễn ra “càng sớm càng tốt”, nhưng với tình hình hiện nay, chưa rõ thời điểm cho sự kiện này.

Tuần trước, tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tới Benghazi để gặp tướng Haftar nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình quốc tế, nhưng phải ra về tay không.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".