Ông Y Khiă (72 tuổi, trú ở buôn Tunr, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thứ bậc trong đội săn voi ngày xưa được phong theo chiến tích số lượng voi người đó bắt được. Việc phong bậc tiến hành bằng một lễ cúng với sự chứng kiến của những người có vị thế trong buôn làng. Trong suốt hành trình đi săn, đội săn phải liên tiếp thực hiện các lễ cúng. Từ nấu cơm, múc nước, đến ăn, ngủ, nghỉ…đều phải cúng.
Thợ phụ chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng. Khi nào thợ săn tự mình săn được 5 con voi rừng sẽ được mặc quần áo, che mưa, ăn cá màu trắng. Săn từ 20 con sẽ được phong bậc gru (dũng sĩ săn voi). Gru là bậc cao nhất trong nghề săn voi. Lúc này, người đó có thể tự dẫn quân đi săn voi rừng và toàn quyền trong chuyến săn đó. Những gru muốn đạt đến đẳng cấp thượng thặng phải săn được bạch tượng (voi trắng). Săn được một con bạch tượng bằng săn 100 con voi đen.
“Trước đây, người M’Nông nuôi voi phải kiêng kỵ nhiều điều. Voi rất kỵ chuyện tình cảm nam nữ. Ở trong buôn nếu người con gái có thai mà chưa được cưới hỏi thì người già nhìn vào voi sẽ thấy voi đang bình thường tự nhiên buồn, bỏ vào rừng, nước mắt chảy”.
ông Y Khiă
Năm 14 tuổi, Y Khiă đã mình trần đóng khố theo các gru đi săn voi con. Ngày ấy, Y Khiă cùng chú voi có tên là Gurny lao vào rừng sâu săn 30 con voi đen và con thứ 31 là bạch tượng. Khi săn được bạch tượng về, khoảng 3 tháng sau Gurny qua đời. Lúc đó Gurny mới 30 tuổi.
Nhớ lại ngày đó, theo Y Khiă, bắt đầu cuộc đi săn, ông và các thợ đều thực hiện các lễ cúng đầy đủ. Một tuần rong ruổi trong rừng sâu, khi xác định được vị trí ẩn cư và quy trình sinh học của bầy voi, ông thấy trong đàn voi ấy có một con voi màu trắng. Loài voi trắng rất lanh lẹ, khó bắt và thuần phục nhưng Gurny là chú voi săn rất giỏi nên việc bắt bạch tượng không gặp khó khăn.
Già Y Khiă chuẩn bị cúng sức khỏe cho voi và chủ voi |
“Voi trắng được coi là loài voi linh thiêng, đồng bào quan niệm voi này là vua của các loài voi. Khi săn được voi trắng đưa về buôn phải chuẩn bị mọi lễ vật màu trắng: Gà trắng, lợn trắng, trâu trắng…làm lễ cúng thần linh. Sau đó, tôi tặng con bạch tượng này cho một người ở huyện khác”, ông Y Khiă thông tin.
Sau khi voi săn Gurny mất, ông mua một con voi săn khác tên là Tok về thuần dưỡng, săn được thêm 5 con voi đen. Lúc này việc săn voi bị nhà nước cấm nên đồng bào nơi đây cùng bỏ nghề.
Voi như người bạn thân thiết của con người. Hằng năm, người đồng bào sẽ tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Đây là phong tục truyền thống lâu đời của các dân tộc ở Tây Nguyên. Thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của đồng bào. Hiện ông Y Khiă là thầy cúng voi, vào những dịp lễ hội trong tỉnh ông luôn được mời để cúng sức khỏe cho voi và chủ voi.