Khi phong trào nuôi chó ngao Tây Tạng của giới nhà giàu Trung Quốc lên tới đỉnh điểm, một con có đôi mắt buồn như Nibble có thể đáng giá tới 200.000 USD và tận hưởng cuộc sống dễ chịu trong các khu dinh thự xa hoa của một số tài phiệt ngành than.
Nhưng đó là câu chuyện của năm 2013.
Hồi đầu năm 2015, người ta nhét hơn 20 con chó ngao Tây Tạng - bao gồm Nibble - cùng 150 con chó khác vào những lồng sắt rồi đặt chúng lên xe tải. Nếu một nhóm người bảo vệ quyền của động vật tại Bắc Kinh không đứng trước xe tải để ép tài xế dừng, có lẽ chúng đã kết thúc cuộc đời trong một lò mổ ở phía đông bắc Trung Quốc. Với giá khoảng 5 USD (hơn 100.000 đồng) mỗi con, chúng sẽ biến thành nguyên liệu dành cho món lẩu, mặt hàng thú nhồi bông hay găng tay mùa đông, New York Times nhận định.
Giới nhà giàu Trung Quốc từng sưu tầm xe Audi đen, đồng hồ Omega, rượu ngoại hay căn hộ cao cấp để thể hiện đẳng cấp. Nhưng chúng là những mặt hàng mất dần giá trị theo thời gian. Một số mặt hàng mất giá vì nền kinh tế trì trệ, còn một số loại khác không còn hợp thời do chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ.
Chó ngao Tây Tạng, loài chó chăn cừu trên dãy núi Himalaya, cũng từng là thứ mà giới siêu giàu muốn sở hữu để thể hiện đẳng cấp. 4 năm trước, giới truyền thông đưa tin một con chó ngao Tây Tạng thuần chủng có bộ lông màu nâu đỏ mang tên Big Splash được bán với giá 1,6 triệu USD. Những người hoài nghi khẳng định chủ của con chó phóng đại giá để phục vụ mục đích tiếp thị. Các “chuyên gia tự phong” hồi ấy tin rằng, những người có lý trí sẽ không bao giờ chi hơn 250.000 USD để mua một con vật.
Ngày nay, những người lai giống chó ngao đang đối mặt với thực tế thê thảm. Người mua ngày càng thưa thớt, còn giá giảm xuống mức rất thấp so với thời kỳ cao trào. Giá trung bình với những con chó đẹp nhất – có bàn chân dày và bờm như sư tử - dao động quanh mức 2.000 USD. Nhưng nếu người mua tỏ ra nhiệt tình thì người bán sẵn sàng giảm xuống mức thấp hơn nhiều.
“Nếu tôi có cơ hội khác, tôi sẽ bỏ công việc lai giống chó ngao Tây Tạng”, Gombo, một người lai giống chó “kỳ cựu” tại tỉnh Thanh Hải ở phía tây bắc Trung Quốc, nói. Ông phải chi từ 50 tới 60 USD mỗi ngày để mua thức ăn cho một chó ngao có khối lượng khoảng 70 kg, trong khi ông có khá nhiều con như thế.
“Chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn”, ông thổ lộ.
Trên một số khía cạnh, việc giới nhà giàu không còn mặn mà với chó ngao cho thấy sự hay thay đổi của tầng lớp tiêu dùng lắm tiền. Nổi tiếng bởi sự hung dữ và gắn liền với hình ảnh của người dân Tây Tạng có tâm hồn khoáng đạt, chó ngao giúp chủ nhân của chúng tạo dựng hình tượng vừa hoang dã vừa lãng mạn.
“Sự hoang dã là nhân tố quan trọng trong thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc. Nhiều khách hàng người Hán sẵn sàng trả khoản tiền lớn để mua những thứ liên quan tới Tây Tạng”, Liz Flora, Tổng biên tập tạp chí tiếp thị Jing Daily, nhận xét.
Dân du mục ở Tây Tạng nuôi chó ngao để canh chừng chó sói và những kẻ trộm gia súc. Là giống chó cổ xưa với tiếng sủa sâu và đầy uy lực, chúng có khả năng chịu đựng mùa đông khắc nghiệt và nồng độ oxy thấp trên cao nguyên. Giống như chó sói, chó ngao chỉ sinh con một lần trong năm.
“Chúng nổi tiếng với khả năng bảo vệ tài sản, con người và gia súc trước mọi mối đe dọa. Chủ của chó ngao luôn tự hào về chúng”, Gombo bình luận.
Khi trào lưu mua chó ngao lên tới đỉnh điểm, một số người lai giống bơm silicone vào chó để chúng trở nên oai vệ hơn. Trong năm 2013, một người lai giống từng đòi một bệnh viện thú y ở Bắc Kinh bồi thường 140.000 USD sau khi con chó ngao Tây Tạng đầy triển vọng của ông chết trong ca phẫu thuật nâng mặt.
“Nếu con vật của tôi có khuôn mặt đẹp hơn, những người sở hữu chó ngao cái sẽ trả giá cao hơn cho việc giao phối với con chó của tôi”, người kiện bệnh viện nói với Global Times. Ông yêu cầu bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật để thay đổi bộ mặt buồn của con vật.
Li Qun, một giáo sư của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh và là chuyên gia về chó ngao Tây Tạng, nói rằng sự tham lam của giới đầu cơ là nguyên nhân khiến thị trường chó ngao rơi vào tình trạng thoái trào. Ngoài ra, do giá tăng quá nhanh, những người vô lương tâm bắt đầu cho chó ngao Tây Tạng giao phối với những loài chó khác, làm giảm giá trị của giống chó ngao và khiến khách hàng tẩy chay.
“Tới năm 2013, thị trường bão hòa bởi những con chó ngao lai”, giáo sư Li bình luận.
Những câu chuyện chó ngao tấn công người khiến vài nạn nhân tử vong cũng khiến một bộ phận người giàu trở nên phân vân khi mua chúng.
Trong những năm gần đây, một số thành phố ở Trung Quốc cấm người dân nuôi chó ngao. Chủ trương ấy góp phần làm giảm nhu cầu và làm tăng số trường hợp bỏ rơi chó.
Những người cứu Nibble và những con chó khác trả tiền cho người lái xe tải để đổi lấy tự do cho chúng. Chân của nhiều con gãy và chúng không ăn hay uống trong 3 ngày. Vào thời điểm họ thả những con chó ra khỏi lồng, 1/3 số chúng đã chết.
“Thực trạng bây giờ khiến chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng bởi cảnh sát cũng không thể giúp chúng tôi, ngay cả khi những người buôn chó thực hiện hành vi phi pháp”, Anna Li, một người trong nhóm chặn xe tải để cứu chó, tâm sự.
Các tổ chức bảo vệ động vật cho hay, bọn trộm chó là một trong những nguồn cung cấp “hàng” cho các lò mổ. Những người lai giống chó cũng thường bán những con có khiếm khuyết cho các quán nhậu. Mary Peng, người sáng lập và giữ chức giám đốc điều hành của Trung tâm Dịch vụ Thú y Quốc tế, nói rằng những vú sưng phồng của nhiều con chó ngao cái cho thấy chúng đang nuôi con.
Trong 25 năm làm việc tại Trung Quốc, Peng từng chứng kiến cảnh tượng người dân đua nhau lai giống chó rồi bỏ rơi hàng loạt.
“10 năm trước, người ta chuộng chó chăn cừu Đức. Sau đó họ săn lùng chó Golden Retriever, chó đốm Dalmatian và chó Eskimo. Nhưng với mức giá điên rồ mà dư luận từng biết vài năm trước, tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng, một ngày nào đó, tôi sẽ thấy chó ngao ở phía sau xe tải để tới lò mổ”, bà nói.