Thái Lan vừa mở cửa, vừa dè chừng

0:00 / 0:00
0:00
Một nhà hàng gắn biển “Chúng tôi đã tiêm vắc-xin”. Ảnh: Bangkok Post
Một nhà hàng gắn biển “Chúng tôi đã tiêm vắc-xin”. Ảnh: Bangkok Post
TP - Từ ngày 1/9, Thái Lan bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế phòng COVID-19, cho phép tụ tập lên đến 25 người ở Bangkok và các khu vực có nguy cơ cao khác.

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Thái Lan cho biết, việc nới lỏng và điều chỉnh các biện pháp hạn chế là cần thiết để khôi phục nền kinh tế một cách an toàn.

Theo quy định mới, các trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc, mát-xa và sân thể thao ở 29 tỉnh nguy cơ cao, bao gồm cả Bangkok, được phép hoạt động trở lại. Tại các tiệm làm tóc, mỗi khách hàng sẽ được phục vụ trong vòng tối đa một tiếng.

Các quán ăn được phép phục vụ khách đến 20h, tuy nhiên không được bán đồ uống có cồn. Các cơ sở kinh doanh ăn uống bị giới hạn số thực khách ở mức 50% với cơ sở trong nhà, 75% với quán ăn ngoài trời. Chính quyền yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh phải đảm bảo nhân viên phục vụ được tiêm chủng đầy đủ, và phải xét nghiệm thường xuyên với kit test.

Sau sáu tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, Thái Lan đã đi được một nửa chặng đường đến mốc miễn dịch cộng đồng.Đến thời điểm hiện tại, khoảng 14% dân số Thái Lan đã được tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 (tương đương 10 triệu người), trong khi 35% dân số được tiêm mũi đầu tiên (tương đương 25,2 triệu người). Chính phủ nước này đặt mục tiêu 50 triệu dân (tương đương 70% dân số) được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin để tạo miễn dịch cộng đồng.

Học sinh các cấp được trở lại trường học. Tuy nhiên, cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân được yêu cầu cho nhân viên làm việc tại nhà tối đa trong vòng hai tuần tới.

Tại trung tâm thương mại Iconsiam sang trọng ở Bangkok, các khách hàng được nhân viên chào đón và tặng gel rửa tay. Pornthip Thiensanthiranon (69 tuổi), cho biết: “Tôi không thể tin rằng chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường. Ta đã sống với COVID-19 quá lâu và chỉ ở nhà chứ không đi đâu cả. Đến đây tôi thấy thật thư giãn”.

Pairoj Fuangbangruang, một người bán hàng ăn tại Iconsiam, cho biết: “Rất vui vì có thể trở lại làm việc. Cuối cùng, tôi cũng có thể tiếp tục kiếm sống”.

Nửa mừng nửa lo

Nhân viên, chủ cửa hàng và khách hàng tại trung tâm mua sắm Seacon Square trên đường Srinakarin ở quận Prawet (Bangkok) đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc chính quyền cho phép “các doanh nghiệp rủi ro cao” mở cửa trở lại.

Ở khía cạnh tích cực, việc này có thể giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường và thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng ở khía cạnh tiêu cực, một làn sóng dịch mới có thể bùng phát trong bối cảnh Thái Lan mới đi được một nửa chặng đường đến mốc miễn dịch cộng đồng.

Một nhân viên 26 tuổi tại cửa hàng điện thoại di động và phụ kiện ở Seacon Square cho biết: “Mặc dù có nhiều khách hàng qua lại, nhưng vẫn vắng hơn rất nhiều so với trước khi bùng phát đại dịch. Khách hàng mặc cả nhiều hơn. Nếu giá một món hàng là 250 baht, thì họ sẽ mặc cả đến khi nào tôi chịu bán với giá 150 baht. Nếu tôi không đồng ý thì sẽ chẳng bán được thứ gì”, nữ nhân viên nói: “Chúng tôi mới hoạt động trở lại một vài ngày. Phải đợi một thời gian nữa mới có thể đánh giá được rằng việc mở cửa có tác động tích cực hay không”.

Theo tờ Bangkok Post, các trung tâm thương mại có thể sẽ bị đóng cửa trở lại bất cứ lúc nào, vì số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Thái Lan dù đã giảm nhiều so với đỉnh dịch (23.000 ca), nhưng vẫn ở mức cao với hơn 10.000 ca.

“Tôi không nghĩ rằng đợt mở cửa lần này sẽ kéo dài”, nữ nhân viên nói: “Một ổ dịch mới có thể sẽ xuất hiện nếu chúng ta cho phép đám đông vào trung tâm mua sắm”.

Một bà nội trợ 54 tuổi khác cho biết rất sợ khi đi mua sắm ở Seacon Square. “Bạn thấy đấy, mọi người ra vào liên tục và đứng thực sự gần nhau. Tôi đã cố gắng hết sức để tránh xa đám đông. Nơi đây có thể trở thành môi trường lí tưởng để virus lây lan”, bà nội trợ nói.

Trái ngược với tâm lí lo sợ của nhiều người, Pranom Yomchan (62 tuổi), chủ cửa hàng bán tất và khăn tay ở Seacon Square lại tràn trề hy vọng về một tương lai kinh doanh khởi sắc. Pranom nói rằng dù số ca bệnh tăng, nhưng người dân đã hiểu biết hơn về các chăm sóc bản thân và có ý thức hơn trong việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch của chính phủ, theo Reuters.

Mở lại điểm du lịch

Bắt đầu từ tháng tới, Thái Lan dự kiến mở cửa trở lại nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Chiang Mai (các huyện Muang, Mae Rim, Mae Tang và Doi Tao), cũng như các khu nghỉ mát bãi biển Pattaya, Cha-Am và Hua Hin… Bangkok cũng nằm trong nhóm này nhưng việc mở cửa trở lại sẽ phải lùi đến ngày 1/11, khi các khu vực lân cận thủ đô đạt tỉ lệ tiêm chủng cao hơn. Nhiều điểm đến khác, bao gồm Chiang Rai, Koh Chang và Koh Kood, có thể mở cửa trở lại hoàn toàn cho du khách từ giữa tháng 10.

Một trong những tiêu chí quan trọng để các điểm du lịch ở Thái Lan được phép miễn cách ly đối với du khách đã tiêm chủng đầy đủ là tỉ lệ tiêm phòng ở địa phương phải đạt 70%. Phuket đã trở thành tỉnh đầu tiên đạt được mục tiêu này và mở cửa trở lại vào tháng Bảy.

Chính phủ nói rằng mô hình “Phuket Sandbox” đã thành công, và sẽ được mở rộng trên toàn quốc. Trong vòng hai tháng đầu tiên, Phuket đã đón 26.000 khách du lịch, mang về doanh thu 1,6 tỷ baht, theo AP.

Hầu hết các điểm du lịch được chọn để mở cửa trở lại đã có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn mức trung bình của cả nước. Dự kiến, những khu vực này sẽ tiếp tục củng cố tốc độ tiêm chủng với nguồn vắc-xin ngày càng dồi dào.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.