Thái Lan phát hiện 73 ca nhiễm biến thể lai giữa Delta và Omicron

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cơ quan y tế Thái Lan thông báo nước này đã phát hiện tổng cộng 73 ca nhiễm biến thể Deltacron (lai giữa Delta và Omicron).

Lãnh đạo Cục Dịch vụ Y tế Thái Lan (DMS) Supakit Sirilak cho biết biến thể Deltacron được tìm thấy trong quá trình giải trình tự gien hằng tuần, và phát hiện này đã được gửi lên hệ thống giám sát dữ liệu bộ gien quốc tế GISAID.

“Tổng cộng 73 ca nhiễm Deltacron đã được phát hiện, hầu hết là từ tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, khi hai biến thể Delta và Omicron đang lưu hành song song”, ông Sirilak cho biết. “Tất cả các bệnh nhân đều đã hồi phục hoàn toàn.”

Cũng theo ông Sirilak, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi biến thể lai Deltacron nhưng chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy nó dễ lây lan hơn, có thể gây bệnh nặng hơn hoặc thoát miễn dịch.

Đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 4.000 trường hợp nhiễm biến thể lai Deltacron đã được gửi mẫu bộ gien lên GISAID, bao gồm 73 ca từ Thái Lan.

“Chúng ta không cần phải hoảng sợ. Nếu số ca nhiễm biến thể Delta giảm xuống thì khả năng kết hợp giữa hai biến thể cũng giảm xuống. Nếu Deltacron có khả năng lây lan cao thì nó có thể “vượt mặt” Omicron. Nhưng hiện chưa có dấu hiệu của tình trạng này, cũng chưa có thông tin về độc lực của Deltacron”, ông Sirilak nói.

Trong số gần 2.000 mẫu bệnh được giải trình tự gien từ ngày 12 đến 18/3 ở Thái Lan, gần 100% là biến thể Omicron, chỉ một ca là biến thể Delta. Trong số đó, có 406 ca nhiễm dòng BA.1 (dòng gốc của Omicron), còn 1.479 ca nhiễm dòng tàng hình BA.2 và chưa có ca nào nhiễm dòng BA.3.

Ông Sirilak dự đoán số ca nhiễm BA.2 sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đáng chú ý, có 22 bệnh nhân được phát hiện nhiễm dòng phụ BA.2.2 và 61 bệnh nhân nhiễm dòng phụ BA.2.3 của dòng BA.2.

Giới chức Thái Lan nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm vắc xin liều tăng cường, vì Omicron dường như có thể trốn tránh khả năng miễn dịch.

Trong khi đó, cơ quan giám sát bệnh cúm ở Thái Lan hôm 23/3 cho biết các nhóm dễ bị tổn thương có thể tiêm ngừa COVID-19 và ngừa cúm cùng lúc. Vì bệnh nhân có khả năng trở nặng cao hơn nếu cùng nhiễm COVID-19 và cúm. Khoảng 10% bệnh nhân COVID-19 được phát hiện nhiễm các loại virus khác và 3% bị nhiễm cúm.

Thawee Chotpitayasunondh – một chuyên gia y tế Thái Lan cho biết việc tiến hành xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) sẽ chỉ cần thiết khi bệnh nhân có các triệu chứng giống COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

Trong tương lai khi COVID-19 được coi là bệnh đặc hữu, test nhanh chỉ nên dành cho người có triệu chứng, chuyên gia này nói.

Theo Bangkok Post
MỚI - NÓNG