Thải khẩu trang chống dịch Covid – 19 bừa bãi: Xử nghiêm để răn đe

Công nhân môi trường tác nghiệp tại một điểm thu gom rác trên đường Khương Trung. Ảnh: Long Vân
Công nhân môi trường tác nghiệp tại một điểm thu gom rác trên đường Khương Trung. Ảnh: Long Vân
TP - Những ngày qua, khẩu trang y tế bị vứt rải rác ở nhiều ngõ, phố ở Hà Nội và nhiều địa phương khác khiến người dân lo ngại tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh.

Ngày 14/2, Bộ Y tế ra văn bản về việc xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định.

Theo khảo sát của phóng viên ở nhiều con phố như Khương Trung, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân), Láng, Chùa Láng (Đống Đa) khẩu trang y tế được vứt rải rác trên vỉa hè, cách vài mét lại xuất hiện một khẩu trang vương ở lòng đường. Có nơi, khẩu trang thải ra được dồn lại ở gốc cây.

Thậm chí, tại một chung cư có người nghi nhiễm Covid - 19, đang phải cách ly, tại sân, khe đón gió ở các chung cư cũng xuất hiện khẩu trang y tế vứt bừa bãi. Đây cũng là tình trạng diễn ra tại nhiều khu chung cư tại Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Tuấn, sống tại chung cư Mỹ Sơn (Thanh Xuân) lo ngại, đối với khẩu trang y tế cần được bỏ riêng, cần có bộ phận thu gom rồi đem đi tiêu hủy. Người sử dụng xong vứt bừa bãi, dẫn đến nguy cơ lây bệnh cho những người tiếp xúc trực tiếp.

Công nhân vệ sinh lo lắng

Một công nhân môi trường đô thị làm việc trên đường Láng, cho hay: Những ngày qua tình trạng người dân vứt khẩu trang bừa bãi trên vỉa hè, lề đường diễn ra phổ biến, chị thường xuyên phải quét gọn rồi thu gom. Dù lo ngại có thể tiếp xúc với khẩu trang có nhiễm virus nhưng đặc thù công việc chị vẫn phải quét, thu dọn để đưa đi xử lý. “Chúng tôi quét gọn rồi dùng xẻng xúc lên xe rác chứ không dùng tay nhặt, phân loại rác như trước đây. Khẩu trang trên đường chủ yếu do người đi đường vứt bỏ; những hộ dân, cơ quan thường bỏ khẩu trang lẫn rác”, công nhân này cho biết.

Một công nhân thu rác trên đường Hoàng Văn Thái đeo khẩu trang vải, tay đeo găng cao su đang thoăn thoắt phân loại rác, thỉnh thoảng thò tay chỉnh khẩu trang, quệt khuỷu tay qua trán cho biết: Mấy hôm nay lượng khẩu trang thải ra nhiều, trộn lẫn trong rác nhưng việc phân loại rác vẫn phải thực hiện. Theo đó, thùng giấy, vỏ nhựa (những thứ có thể bán được) được công nhân này bỏ vào bao tải, khẩu trang lẫn trong những rác thải khác được cho lên thùng chở về điểm tập kết.

Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Phó trưởng phòng Điều hành sản xuất (Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - URENCO) cho biết, do đặc thù công việc, công nhân môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao so với các ngành nghề khác, bởi luôn tiếp xúc trực tiếp với nguồn rác thải. Khi có thông tin về dịch Covid - 19, Cty đã tổ chức họp và có hướng dẫn cụ thể hạn chế lây nhiễm, tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây trong quá trình tác nghiệp.

Ngoài ra, Cty còn phát thêm khẩu trang, đồ bảo hộ lao động cho công nhân để thay đổi sau mỗi ca làm việc. Ở các điểm công nhân phải thu gom trực tiếp Cty cung cấp thêm dung dịch sát khuẩn, khử trùng để người lao động chủ động vệ sinh sau mỗi ca làm việc. Ở các điểm đặt xe gom, thùng rác, Cty cho rắc vôi bột, khử trùng để hạn chế phát tán virus gây bệnh. Ở các đội xe, bãi ngoài các biện pháp trên tăng cường công tác phun khử khuẩn và phòng dịch.

Bà Ninh cho biết, Cty thường xuyên kiểm tra trong quy trình tác nghiệp, để người lao động thực hiện đúng. Ngoài ra, Cty còn có các chương trình tập huấn phòng chống dịch thường xuyên, có kế hoạch chủ động triển khai để đảm bảo an toàn cho công nhân.

Điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 155/2016 quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Không dễ xử lý vì phải có bằng chứng

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Xuân Vượng, Trưởng Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ngay khi có kế hoạch Công an phường đã cử cán bộ thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào vứt bừa bãi khẩu trang y tế đã sử dụng, vi phạm quy định về môi trường. Để xử lý cần có căn cứ như hình ảnh để chứng minh người vi phạm hoặc bắt quả tang.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.