'Thải độc' cho cây

Triệu Trung Hiếu (SN 1994, dân tộc Tày) bên vườn cà phê chín mọng của mình Ảnh: H.T
Triệu Trung Hiếu (SN 1994, dân tộc Tày) bên vườn cà phê chín mọng của mình Ảnh: H.T
TP - Ám ảnh bởi những chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm lăn lóc trong vườn, nhóm bạn trẻ dân tộc Tày, Nùng ở huyện vùng sâu Krông Năng,  tỉnh Đắk Lắk bàn nhau cách “thải độc” cho cây.

Biến vườn thành rừng

Mỗi khi có khách đến thăm khu vườn, Triệu Trung Hiếu (SN 1994, dân tộc Tày, ở thôn Tam Trung, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đều nhắc nhẹ: “Đi cẩn thận kẻo lũ ong ra chào”. Vườn của Hiếu rộng gần 2 ha không khác gì khu rừng rậm với đủ loại cây trồng. Trên cao có bóng cây thừng mực (còn gọi cây lồng mức trồng để giữ đất, nước) tỏa tán sum suê; phía dưới cà phê, hồ tiêu, mắc ca, bơ, chuối… xen nhau đơm hoa kết quả; tầng cuối là thảm thực vật với nhiều loại cỏ dại mọc um tùm.

Vì hoàn cảnh gia đình, Hiếu gắn bó với nương rẫy sau khi học hết cấp 3. Không đến trường nhưng Hiếu không dừng học. Sau giờ lên rẫy, Hiếu dành thời gian nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế, rồi đi tham quan thực tế. Điều khiến Hiếu ám ảnh nhất là chứng kiến những vỏ chai thuốc BVTV bỏ lăn lóc trong vườn. Mọi người lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc BVTV. Hiếu tìm đọc các tài liệu liên quan đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, tìm hiểu các mô hình canh tác thuận tự nhiên (trong đó có mô hình vườn rừng). Cậu quyết định phải thay đổi thói quen canh tác. 

Năm 2017, Hiếu bắt tay biến ý tưởng thành hiện thực. Việc đầu tiên, cậu trồng xen các cây lồng mức. Tiếp đến, xen canh các loại bơ, sầu riêng, mắc ca vào vườn theo tỉ lệ phù hợp. Đặc biệt, cậu để cỏ dại mọc um tùm, chỉ khi cây ra hoa, đậu quả mới cắt đi. “Gần nhà em, ai cũng dọn vườn sạch bóng. Em thì ngược lại nên có người bảo gàn dở. Em không dùng bất kỳ loại phân hóa học nào cho cây. Kết quả, 300 cây cà phê chỉ thu được 5 tạ nhân, giảm 40% sản lượng. Làng xóm tiếp tục lời ra tiếng vào nhưng em quyết theo ý mình”, Hiếu kể.

Sau một năm để khu vườn phát triển tự nhiên, các loài sâu, kiến, ong, bọ cánh cam… cùng xuất hiện. Dù xuất hiện cả côn trùng có hại nhưng Hiếu không dùng thuốc diệt. Cậu cứ để chúng tồn tại, tự cân bằng với nhau theo chuỗi thức ăn. Cậu tận dụng tất cả các phế phẩm nông nghiệp làm phân bón vi sinh. “Thấy người ta chia sẻ công thức trên mạng, em làm theo. Tưởng dễ hóa ra không đơn giản như em nghĩ. Nhiều lần bỏ đi, làm lại mới thành công. Thấy vườn cây xanh tươi lên từng ngày, xung quanh ong bướm bay vờn là bao nhiêu mệt nhọc tan biến”, Hiếu chia sẻ.

Nhóm "Anh em nghèo vượt khó"

Sau cơn bão số 9, Hoàng Văn Thanh (dân tộc Nùng, thôn Tam Hiệp, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) bắt tay dọn tỉa lại vườn cây. Thanh cho biết, nhờ những hàng cây to chắn gió nên bơ, sầu riêng… trong vườn không bị gãy đổ. Thanh chính là người lập nhóm làm nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Gia đình Thanh có 5 ha đất, trước đây chỉ trồng cà phê. Thời gian đầu, nhà Thanh cũng dùng phân bón hóa học nhưng được thời gian cây trồng suy kiệt, năng suất thấp, giá cả giảm sâu nên làm không có lãi. Thanh chọn hướng canh tác hữu cơ. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn lâu dài thì đi cùng nhau”, đó là phương châm để Thanh lập nên nhóm "Anh em nghèo vượt khó". “Ngày 1/11/2016, đúng ngày sinh nhật mình, bạn bè tụ tập đông đủ. Thay vì nhậu nhẹt say xỉn nói những điều vu vơ, mình đề cập đến phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Không ngờ nhiều bạn hào hứng, nhóm ra đời từ đó”, Thanh nhớ lại.

Chín thành viên đều là người Tày, Nùng tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng). Mỗi người một việc, một cá tính khác nhau. Có người tốt nghiệp cao đẳng, đại học; có bạn chỉ học xong phổ thông song đều khát khao thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp.

Thanh cho biết, mỗi thành viên sẽ thực hành trên chính khu vườn của gia đình. Nhóm chỉ đóng vai trò định hướng, chia sẻ kinh nghiệm, những cuốn sách hay nhằm khơi dậy tinh thần vươn lên trong bản thân mỗi người. Ngoài ra, những thành viên am hiểu về luật, công nghệ, nông nghiệp... chia sẻ thêm kiến thức cho nhóm. Mỗi tháng, nhóm sẽ tổ chức thăm vườn cây của thành viên hoặc các mô hình phát triển kinh tế hay. Từ đó, mỗi người sẽ rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Tròn 4 năm, từ một nhóm phong trào, nay đã phát triển thành Tổ hợp tác Thanh niên Eatam với 10 thành viên. Tổng diện tích của tổ hợp tác lên tới 40 ha, chủ yếu trồng xen cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca…

Theo Thanh, canh tác theo hướng hữu cơ đòi hỏi nhiều công chăm sóc, nhất là khâu làm phân bón vi sinh. Bù lại, nông dân giảm được 1/3 chi phí đầu tư (phân bón hóa học, thuốc BVTV), nhưng vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng. Đặc biệt, vào mùa khô hạn, vườn cây của nhóm Thanh chỉ tưới 1-2 đợt nước, nhờ hiệu quả của việc giữ nguyên thảm thực vật và trồng xen cây tỏa bóng giữ đất, giữ nước.

Hiện nhóm "Anh em nghèo vượt khó" trăn trở nhất là đầu ra sản phẩm. Bởi hiện nhóm vẫn phải chấp nhận bán sản phẩm với giá “cào bằng” trên thị trường. Tuy nhiên, các thành viên đều kiên định với con đường canh tác nông nghiệp hữu cơ. Sắp tới, nhóm sẽ trồng thêm cam, quýt, và các loại rau, củ, quả vào khu vườn nhằm tăng thu nhập; tiếp tục xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm.

Anh Y Rô Ya Niê, Phó Bí thư Huyện Đoàn Krông Năng (Đắk Lắk), cho hay, nhóm của Thanh là một trong số ít làm theo mô hình liên kết. Mặc dù sản phẩm rất chất lượng nhưng đầu ra còn hạn chế. Huyện Đoàn Krông Năng đang tạo điều kiện để các bạn trẻ tham gia tập huấn, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.

MỚI - NÓNG