Thái Bình tiếp tục vật lộn với H5N1

Thái Bình tiếp tục vật lộn với H5N1
Chúng tôi đến thăm ông Kim. Ngôi nhà vắng vẻ, chỉ có một mình ông ở nhà. Nhìn dáng đi mạnh khỏe, không ai nghĩ ông đã ở tuổi 85 và đang mang mầm bệnh virus H5N1.
Thái Bình tiếp tục vật lộn với H5N1 ảnh 1
ông Nguyễn Hữu Kim nhiễm virus H5N1 nhưng không có biểu hiện lâm sàng

Ông bảo thấy trong người bình thường, không thấy bất cứ biểu hiện ốm đau gì. Ông bà có 3 người con, 2 gái 1 trai. Ông ở với anh con trai út. Chị Nguyễn Thị Nhì, lấy chồng ở xóm trên, là con gái thứ 2 của ông và là mẹ của hai anh em Nguyễn Sỹ Tuân, Nguyễn Thị Ngoan đang ở Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Hà Nội chăm sóc cho các con.

Tuân, 21 tuổi, cháu ngoại ông đã thôi học và đi làm cho một cơ sở sản xuất rau câu ở Hải Phòng. “Trước Tết khoảng 2 tuần, cháu nó về quê ăn Tết. Thấy cháu gầy quá bố nó định sau Tết  không cho đi làm nữa - ông Kim kể - Thế rồi đến ngày 5 Tết, nó bắt đầu sốt cao. Mà cũng lạ, nhà cháu nó có nuôi gà ngan gì đâu”.

Nhà ông Kim cũng chỉ nuôi vài con gà, ngan như mọi nhà nông khác để thịt ăn dần. Ngày 30 Tết, vợ chồng anh con trai ông thịt ngan làm cơm cúng tất niên. Trong bữa cơm có cả món tiết canh ngan.

Mùng 2 Tết, nhà ông Kim làm cơm tạ vàng hết Tết. Vợ chồng chị Nhì và 2 con Tuân, Ngoan cũng sang ăn cơm với ông ngoại. “Anh em nó (Tuân và Ngoan) có làm thịt ngan đâu, bố mẹ chúng nó làm đấy chứ. Chúng nó đi chơi Tết với bạn bè đến tận 11 giờ trưa mới về ăn. Hôm đó nhà không đánh tiết canh ngan”.

Tối mùng 5 Tết, khi Tuân có biểu hiện sốt cao và được mẹ đưa đi viện, anh Chiến (chồng chị Nhì) đưa Ngoan sang ông ngoại ăn cơm. Tối hôm đó, ông sang nhà anh Chiến ngủ cho cháu đỡ sợ. Trên đường đi, cháu Ngoan kêu lạnh và lên cơn sốt.

Buổi sáng hôm ấy, sau khi anh Chiến đi thăm con trai đang nằm viện, các con ông Kim cũng tức tốc phải đưa Ngoan ra trạm xá vì cháu lên cơn sốt cao. Bệnh nhân đã được chuyển lên tuyến trên ngay sau đó. “Các cháu nhà tôi hoang mang lắm. Con trai và con dâu có sức khoẻ còn đỡ lo, lo nhất là 2 cháu đang học lớp 8 và lớp 6.

Tôi được trạm xá phát thuốc phòng cúm (Tamiflu) uống 5 hôm nay. Tôi mong ở trên quan tâm phát thuốc phòng cho các con, các cháu ở nhà tôi, kẻo lỡ có chuyện gì thì nông dân chúng tôi lấy đâu ra tiền mà điều trị”– ông Kim lo âu.

Một nhân viên trạm y tế xã Thuỵ Lương cho biết những ngày này, đặc biệt là sau khi tình trạng bệnh tình của ông Kim được thông báo, người dân ùn ùn đến khám bệnh, thậm chí chỉ với những biểu hiện rất nhỏ như hắt hơi, sổ mũi.

“Bà con đang tỏ ra hoang mang. Thậm chí người dân ở những nơi khác không dám đến vùng này nữa. Chúng tôi cũng chỉ biết giải thích với bà con rằng hiện chưa có bằng chứng H5N1 lây từ người sang người và cần thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp phòng chống dịch”.

Loại bỏ ngay tiết canh

Ông Phạm Gia Lai – Phó GĐ Sở Y tế Thái Bình thừa nhận mặc dù ổ dịch cúm gia cầm cuối cùng đã được tiêu diệt cách đây khoảng 24 ngày, đủ điều kiện thông báo hết dịch theo tiêu chuẩn nhưng dịch cúm trên người vẫn diễn biến rất phức tạp.

Mới đây, bà Lương Thị Thiêm, vợ bệnh nhân Phạm Khắc Tẹo (đã tử vong) ở huyện Kiến Xương cũng đã được khẳng định là dương tính với H5N1 nhưng không có biểu hiện lâm sàng. Tình hình càng trở nên nóng bỏng hơn sau khi Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ngày 11/3 tiếp nhận thêm bệnh nhân nghi nhiễm cúm H5N1 tên Nga, y tá Trung tâm Y tế huyện Thái Thuỵ, từng tiếp xúc với bệnh nhân Nguyễn Sỹ Tuân.

Trước đó, một y tá tên Nguyễn Đức Tình thuộc trung tâm này đã được xác định là dương tính với H5N1. Một cán bộ thú y tuyến xã của huyện Thái Thuỵ nhập viện mới đây cũng có những biểu hiện giống nhiễm virus cúm H5N1. Đến nay Thái Bình đã có 9 trường hợp nhiễm cúm H5N1, trong đó có 5 người tử vong, chiếm 20% số người mắc bệnh của cả nước.

Hơn nữa, nhiều thuỷ cầm, đặc biệt là vịt vẫn còn mang virus H5N1. “Đó chính là nguy cơ tiềm ẩn của dịch - Ông Lai nói – Toàn tỉnh vẫn đang thực hiện chống dịch hết sức quyết liệt”. Yêu cầu của lãnh đạo tỉnh là tuyên truyền nhưng không được để người dân hoang mang trong khi đề cao cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ngoài giám sát chặt chẽ ổ dịch, không cho mang gia cầm vào tỉnh tại 3 cửa ngõ… biện pháp đang được áp dụng rất nghiêm khắc là cấm các hộ chăn nuôi thả gia cầm, đặc biệt là thuỷ cầm ra ngoài. Thấy rõ được tiết canh thuỷ cầm và lợn là nguồn gây bệnh tiềm tàng, ông Lai cho biết các cơ quan chức năng đang cố gắng để không còn bất cứ điểm bán tiết canh nào trên toàn tỉnh.

Người dân cũng được khuyến cáo mạnh mẽ không nên ăn tiết canh, đặc biệt là tiết canh vịt, ngan. Theo ông Lai, 2 trường hợp nhiễm H5N1 nhưng mạnh khoẻ trên vẫn được sống cùng gia đình. Tuy nhiên, họ cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người khác, ăn uống vệ sinh. Cơ quan y tế sẽ tiếp tục theo dõi cho đến khi không còn virus H5N1 trong người 2 bệnh nhân này nữa.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Đức Riểu – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thái Bình cho biết các nhà quản lý của tỉnh đang rất mong mỏi câu trả lời từ phía các cơ quan chuyên môn trung ương cho câu hỏi đang khiến người dân hoang mang: đến bệnh nhân Tuân và Ngoan, Thái Bình đã xuất hiện liên tiếp 3 trường hợp nhiễm H5N1 đều có cùng huyết thống?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.