Một Việt Nam mới
Bà Mencía Manso de Zúniga, Tham tán Văn hóa Tây Ban Nha tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm cơ hội hợp tác sản xuất phim giữa hai nước sáng 17/10 tại Cục Điện ảnh: “Thị Mai là phim đầu tiên quay tại Việt Nam, rất quan trọng với chúng tôi. Nội dung phim mang đến cách nhìn khác hẳn về Việt Nam so với các phim châu Âu trước đó. Việt Nam bây giờ mới, hiện đại và xinh đẹp. Chúng tôi trân trọng bộ phim không chỉ bởi đây là tác phẩm Tây Ban Nha đầu tiên quay ở Việt Nam, mà đội ngũ sản xuất là ê kíp hàng đầu Tây Ban Nha với các nhà làm phim, diễn viên nổi tiếng”.
Đạo diễn Particia Ferreira kể, kết thúc quá trình làm Thị Mai trở về Tây Ban Nha bà được nhiều đồng nghiệp hỏi han, hóa ra nhiều nhà điện ảnh quan tâm tới trải nghiệm làm phim ở Việt Nam. “Chỉ tới khi đó tôi mới nhận ra Thị Mai là một kinh nghiệm lịch sử đáng giá, bởi tôi là đạo diễn Tây Ban Nha đầu tiên đến Việt Nam làm phim. Một số nhà làm phim châu Âu từng quay phim ở Việt Nam, nhưng đây là phim đầu tiên quay ở Việt Nam”, đạo diễn nói. Bà nói thêm, đoàn làm phim lưu lại mấy tháng trời ở Hà Nội, sau đó kéo xuống Hạ Long ghi hình.
Kịch bản về ba người phụ nữ Tây Ban Nha trung niên sống ở thành phố nhỏ tại Tây Ban Nha chưa từng có cơ hội ra nước ngoài. Hoàn cảnh xô đẩy khiến họ thực hiện đến đất nước xa xôi để nhận nuôi một đứa trẻ. Tại đây họ có những cuộc phiêu lưu thú vị như cùng nhau đạp xe dạo quanh Hà Nội, đi thuyền trên vịnh Hạ Long, bị lạc khi tìm tới chợ Đồng Xuân. “Ban đầu khi chúng tôi chia sẻ nhiều người nói rằng không quay được, vì chưa ai quay phim với kịch bản như vậy”, đạo diễn kể. Tuy nhiên ông Larry Levene với kinh nghiệm hợp tác sản xuất quốc tế sẵn có là người chắp cánh giấc mơ này. Các nhà làm phim cũng có ý định đưa phim tới Trung Quốc tuy nhiên lo ngại thủ tục phức tạp. Nhà sản xuất Larry chính là người khuyến khích đoàn làm phim chọn Việt Nam.
Cơ hội và thách thức
Đạo diễn Patricia thú nhận thời gian đầu đến Hà Nội gặp thách thức không nhỏ: Không biết ngôn ngữ, không hiểu văn hóa và phải tìm ê kíp giúp đỡ. Ê kíp kỹ thuật toàn những người trẻ có kinh nghiệm làm truyền hình, tài liệu nhưng chưa có kinh nghiệm làm phim điện ảnh. Ban đầu do rào cản ngôn ngữ chúng tôi không hiểu nhau trên phim trường, sau nhờ phiên dịch nên chúng tôi hiểu nhau mỗi người phải làm gì. Tuy nhiên chính ngôn ngữ điện ảnh khiến các diễn viên chuyển tải được mong muốn của người làm phim.
“Tôi nghĩ điều đầu tiên phải có câu chuyện về sự tương đồng văn hóa giữa hai nước”, nhà sản xuất Larry nói về cơ hội hợp tác điện ảnh với Việt Nam. Ông lưu ý sự cần thiết tìm kiếm ê kíp hỗ trợ chuyên nghiệp cũng như địa danh có thể đưa vào phim. Góp ý để Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trở thành điểm làm phim hấp dẫn, ông Larry cho rằng cần có chính sách, cơ chế pháp luật hỗ trợ các đoàn làm phim quốc tế. Tây Ban Nha chẳng hạn, cũng là điểm đến yêu thích của giới làm phim Âu-Mỹ. Chính phủ nước này có chính sách hoàn thuế 20% đối với tổng chi phí làm phim tại Tây Ban Nha.
Phim hài Thị Mai chiếu 19h tối 18/10, khai mạc Liên hoan phim Tây Ban Nha tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tây Ban Nha. Kéo dài tới 22/10, khán giả có cơ hội xem một số phim Tây Ban Nha đủ thể loại: Bầy cừu và những chuyến tàu, Truman, Sống thật dễ khi ta nhắm mắt, Két 507.